Nhiều giáo viên chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19, trường học còn lúng túng khi xử lý F0

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Từ thực tế nhiều giáo viên chưa tiêm đủ liều vaccine COVID-19, trường học lúng túng khi xử lý F0, thì việc học sinh đi học trở lại còn gặp nhiều khó khăn.
Bà Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT (Ảnh - Minh Thuý)
Bà Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT (Ảnh - Minh Thuý)

Thông tin trên được đưa ra trong hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục, do Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT tổ chức vào chiều nay, ngày 8/11.

Học trực tuyến quá lâu ảnh hưởng đến tâm lý học sinh

Thông tin về việc học trực tuyến của học sinh khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, bà Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT – cho biết: Từ ngày 27/4 đến nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Trẻ mầm non, học sinh, sinh viên phải chuyển sang học trực tuyến trong nhiều tháng liên tiếp.

Việc học sinh học trực tuyến đã khiến nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục không thể tiến hành theo đúng kế hoạch, ảnh hưởng đến chất lượng dạy, học. Đặc biệt, việc nghỉ học trong thời gian quá dài đã ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ mầm non, học sinh, sinh viên và cha mẹ các em.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, tổng số ca F0 trong cán bộ, giáo viên, trẻ em, học sinh, sinh viên là 47.497 trường hợp; số ca F0 đang điều trị hiện nay là 14.745 người (trong đó có 1.728 cán bộ, giáo viên; 13,017 học sinh, sinh viên).

Học sinh đeo khẩu trang, ngồi giãn cách trong lớp học (Ảnh - Minh Thuý)

Học sinh đeo khẩu trang, ngồi giãn cách trong lớp học (Ảnh - Minh Thuý)

Cùng với đó, do số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tăng, nên 1 số tỉnh, thành phố có kế hoạch cho trẻ mầm non, học sinh đi học trở lại đã phải điều chỉnh kế hoạch; một số trường học phải dừng hoạt động dạy học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến, do xuất hiện chùm ca bệnh lây nhiễm trong trường học (Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Nam, Hà Tĩnh).

Tại các tỉnh phía Nam, điều kiện cơ sở vật chất ở một số nơi chưa đảm bảo để đón học sinh tới trường. Nhiều cơ sở giáo dục được trưng dụng làm nơi thu dụng, điều trị, cách ly chưa được bàn giao cho ngành giáo dục để sửa chữa, vệ sinh, đảm bảo các điều kiện an toàn cho học sinh đi học trở lại.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Y tế để ban hành hướng dẫn, quy định và tiêu chí đảm bảo an toàn trường học; bổ sung hoàn thiện các tiêu chí, quy định về đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các trường học, ký túc xá; ban hành sổ tay phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục và tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công tác y tế trường học.

Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Y tế để cập nhật, bổ sung nội dung sổ tay phòng, chống dịch COVID-19.

Tỷ lệ giáo viên tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 thấp

Thông tin về công tác phòng, chống dịch trong trường học, ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Cả nước có 28 tỉnh, thành phố đang tổ chức cho học sinh học trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh; 35 tỉnh/TP với 337 quận/huyện cho học sinh học trực tuyến, học trên truyền hình; 6.739.020 học sinh đang học trực tuyến (tiểu học: 42,5%, THCS: 74,3%; THPT: 55,2%; Liên cấp: 48,1%).

Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) (Ảnh - Minh Thuý)

Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) (Ảnh - Minh Thuý)

Ngành giáo dục đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đã xuất hiện một số ổ dịch lây lan trong trường học khi tổ chức dạu học trực tiếp.
Vì thế, một số địa phương đã phải chuyển đổi kế hoạch, chuyển sang dạy học trực tuyến tại địa bàn phát sinh dịch. Bên cạnh đó, kế hoạch mở cửa trở lại ở các địa bàn vùng xanh phải điều chỉnh vì phát sinh nhiều ca nhiễm cộng đồng.

Không chỉ vậy, tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học được tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19 còn thấp (trung bình toàn quốc khoảng 62%). Đặc biệt, cả nước có khoảng hơn 10.000 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông chưa có nhân viên y tế.

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân (Ảnh - Minh Thuý)

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân (Ảnh - Minh Thuý)

Theo ông Huy, một số địa phương còn băn khoăn khi chưa thống nhất thực hiện biện pháp đảm bảo giãn cách trong nhà trường; tổ chức các hoạt động tập thể trong nhà trường; tổ chức cho học sinh ăn bán trú, việc đeo khẩu trang của giáo viên, trẻ em mầm non, học sinh khi thực hiện các hoạt động giáo dục trong nhà trường; chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học, dẫn đến việc phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục.

Xử lý kịp thời F0 trong trường học, không để lây nhiễm chéo

Nhằm giúp trường học xử lý kịp thời khi phát hiện F0, không bị lúng túng, ông Dương Chí Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) – cho hay: Khi có bệnh nhân mắc COVID-19 trong trường học, toàn bộ trường phải phong toả tạm thời; thông báo phối hợp với cơ quan y tế địa phương để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Trường học cần tách F0 và đưa F0 đi cách ly, điều trị tại cơ sở y tế theo quy định; rà soát ngay để phát hiện toàn bộ học sinh, giáo viên, người lao động đang có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh trong trường học và đang ở trong cộng đồng; tổ chức cách ly tạm thời tại trường học các ca bệnh nghi ngờ và lấy mẫu đơn tại một khu vực riêng.

Phun khử khuẩn trong trường học (Ảnh - KT)

Phun khử khuẩn trong trường học (Ảnh - KT)

Sau đó, các cơ quan chức năng sẽ truy vết F1 triệt để tại trường học cũng như trong cộng đồng. F1 tại trường học phải được cách ly ở một khu vực riêng; tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học có F0 được coi là F1; lấy mẫu bệnh phẩm F1 lần đầu theo mẫu đơn.

Đối với cán bộ, giáo viên, học sinh là F1 đang ở cộng đồng, yêu cầu ở yên tại nơi lưu trú và thông báo ngay cho y tế cơ sở để xử lý; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho tất cả học sinh, giáo viên, người lao động của trường (những người đang có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh và F1 thì lấy mẫu xét nghiệm đơn. Những người khác thì nên lấy mẫu xét nghiệm gộp 5 – 10); rà soát F2, xem xét lấy mẫu xét nghiệm cho F2 nếu tiên lượng thấy nguy cơ F1 có thể đã trở thành F0 và lây cho F2.

Ông Nam nhấn mạnh: Trong khi chờ kết quả xét nghiệm, học sinh, giáo viên, người lao động đang có mặt tại trường ở nguyên tại chỗ; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống lây nhiễm vì nguy cơ xảy ra lây nhiễm trong lúc phong tỏa tạm thời là rất cao: lớp học nào ở yên lớp học đó, tự quản và thực hiện 5K.

Kết quả xét nghiệm âm tính thì cơ quan y tế địa phương đánh giá nguy cơ, dịch tễ để xác định F2 được kết thúc việc cách ly tại nhà và tiếp tục quay trở lại học tập, thực hiện 5K; rà soát, truy vết F1 tại trường một lần nữa tránh bỏ sót F1 (Tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học có F0 được coi là F1).

Đặc biệt, ông Nam yêu cầu mỗi trường học đều phải xây dựng phòng cách ly tạm thời. Phòng cách ly tạm thời ở trường học phải có công trình vệ sinh khép kín;n cửa phòng bố trí nơi rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh để thuận tiện sử dụng; đảm bảo thực hiện phòng chống lây nhiễm bằng việc thực hiện vệ sinh thông khí; hàng ngày lau rửa nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong phòng bằng các dung dịch sát khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường, nhà vệ sinh sạch sẽ.