|
Học sinh thi THPT quốc gia (Ảnh minh họa) |
Đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, khách quan và công bằng
Hiện, các công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 đang được gấp rút chuẩn bị theo đúng kế hoạch với sự khẩn trương, nghiêm túc và toàn diện ở tất cả các khâu, đặc biệt là việc bảo mật tuyệt đối đề thi và tăng cường thanh tra, giám sát trong suốt quá trình kỳ thi diễn ra.
Tại các địa phương trên cả nước, tính đến thời điểm hiện tại công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 đang được tích cực triển khai, nhiều công việc đã hoàn thành.
Đáng chú ý, ở nhiều địa phương, ngoài Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, còn thành lập cả Ban Chỉ đạo ở cấp quận/huyện, để nâng cao trách nhiệm, đảm bảo tổ chức tốt cho kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2019, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, năm nay TP. Hà Nội có gần 75.000 thí sinh dự thi. Với số lượng thí sinh lớn như vậy, công tác chuẩn bị tổ chức thi đã được TP. Hà Nội chuẩn bị chu đáo từ việc ban hành các văn bản hướng dẫn, in sao đề thi, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo tổ chức tốt kỳ thi và làm tốt công tác phối hợp với các trường ĐH, CĐ trong khâu chỉ đạo và tổ chức thi.
Bên cạnh đó, để hạn chế những hành vi gian lận như đã xảy ra tại tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, năm nay, Bộ sẽ nâng cao trách nhiệm của các trường đại học ở tất cả các khâu của kỳ thi THPT quốc gia, trong đó phải chủ trì khâu chấm bài thi trắc nghiệm khách quan, thay vì giao cho các sở giáo dục và đào tạo như năm trước.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, vai trò của các trường đại học được đặt cao hơn là cần thiết, bởi đây vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là trách nhiệm, phục vụ cho công tác tuyển sinh của các trường.
Tuy nhiên, nhằm hạn chế hiện tượng cán bộ, giáo viên trường đại học, sở giáo dục và đào tạo “bắt tay nhau” để gian lận, các trường đại học được Bộ GD&ĐT phân công phối hợp với các Sở GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia theo nguyên tắc: Giáo viên của trường đại học tại địa phương thì không làm công tác thi tại địa phương đó.
Quyết tâm ngăn chặn gian lận
Nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, kẽ hở gian lận trong thi cử đã được phát hiện, khi có tới 222 thí sinh được nâng điểm ở ba tình: Sơn La, Hòa Bình và Hà Giang, trong đó đã có 94 em đã nhập học vào 26 trường đại học. Tháng 4 vừa qua, 82 em trong số 94 em nhập học tại các trường đại học đã bị buộc thôi học, do vi phạm quy định tuyển sinh.
Để khắc phục những hạn chế và ngăn chặn gian lận thi cử, tránh đi vào “vết xe đổ” trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La – những địa phương xảy ra gian lận thi cử - đã quyết tâm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay nghiêm túc, công khai, minh bạch.
Ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo không chỉ cấp tỉnh mà cả cấp huyện. Với 11 huyện, địa bàn phức tạp, tỉnh đã chuẩn bị phương án, giao nhiệm vụ cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo, không đưa vào Ban Chỉ đạo những thành viên có liên quan đến tiêu cực thi cử năm 2018; lựa chọn kỹ nhân sự tham gia công tác thi; có phương án hỗ trợ thí sinh...
“Với bài học của năm 2018, Hà Giang cố gắng để năm nay tổ chức thi thực sự hiệu quả, để những gian lận của năm trước chắc chắn không xảy ra”- ông Trần Đức Quý khẳng định.
Còn tại Hòa Bình, với hơn 8.000 thí sinh dự thi năm nay tại 33 điểm thi, ngoài nỗ lực của địa phương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bùi Trọng Đắc cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ tốt nhất về chuyên môn, kỹ thuật của Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.
Tại Sơn La, ngay sau cuộc họp với Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh Sơn La cũng sẽ có cuộc họp riêng để quán triệt lại toàn bộ các nội dung chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Đến thời điểm này, Sơn La đã hoàn hiện việc lắp camera tại 33 điểm thi, chú trọng tới tập huấn phổ biến quy chế thi cho học sinh và cán bộ tham gia kỳ thi.