Tại cuộc họp về công tác cải cách hành chính của Bộ Nội vụ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì ngày 15-4, nhiều khúc mắc trong thủ tục hành chính (TTHC) với Bộ Nội vụ được nói ra.
Hàng ngàn hồ sơ, ai đọc hết?
Theo bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Tài chính có đợt thi tuyển 2.000 chỉ tiêu, nhưng số hồ sơ nộp lên đến 33.000. Mỗi người một bộ hồ sơ, cán bộ trong ngành phải mất cả tuần rà soát hồ sơ.
Theo bà Mai, cần cải cách thi tuyển, cần làm sao để rút ngắn thời gian thi, bởi với cách thi viết như thế này, từ khi thi, phê chuẩn, đến lúc thông báo sẽ lâu.
“Cần áp dụng công nghệ thông tin vào thi tuyển để tăng khách quan, không can thiệp được, giảm chi phí xã hội. Thi qua hệ thống máy tính có thể có kết quả ngay”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá ngay “thi vào ngành thuế quá thi vào đại học”. Ông đồng tình việc yêu cầu hồ sơ đầy đủ ngay từ khi thi vào là không cần thiết, “có hồ sơ nặng cả nửa ký, hàng ngàn hồ sơ thì lên đến nhiều tấn mà có ai đọc hết”, vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu lúc thi tuyển chỉ cần nộp một tờ giấy, ai trúng tuyển mới yêu cầu nộp đầy đủ hồ sơ để giảm chi phí xã hội.
Bà Vũ Thị Mai cũng nêu cả ngành tài chính có 73.000 cán bộ biên chế, nhưng chỉ tiêu hàng năm Bộ Nội vụ phân bổ chỉ tiêu cho thi nâng ngạch lên chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp không nhiều, “toàn ngành chỉ có 136 người là chuyên viên cao cấp, cục trưởng thuế, hải quan địa phương được là chuyên viên cao cấp cũng đếm trên đầu ngón tay”.
Đặc biệt, bà Vũ Thị Mai đề nghị Bộ Nội vụ cần có cơ chế tăng tính năng động, tích cực của cán bộ, công chức vì hiện tại có hiện tượng cứ vào rồi là yên tâm, không thể ra được. “Bây giờ kỷ luật theo quy trình để đưa một công chức ra khỏi bộ máy được thì rất khó. Phải năng động như doanh nghiệp, làm không được thì ra”, bà Mai nói.
Đại diện Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, ông Nguyễn Văn Tấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, nêu việc thi chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp thì Bộ Nội vụ là đầu mối nhưng có đợt thi chuyên viên chính từ khi nộp hồ sơ, có khi... gần một năm mới có kết quả.
“Có đồng chí thi chuyên viên chính, rồi khi về hưu chưa có kết quả, không biết xếp lương thế nào” - ông Tấn nói và cho rằng nội dung, cách chấm thi chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp thế nào, Bộ Nội vụ nên có công khai rõ ràng hơn.
Đặc biệt, ông Tấn thẳng thắn góp ý có quy trình bổ nhiệm cán bộ, quy định về hồ sơ: cấp vụ phó trở lên phải là cao cấp chính trị, chuyên viên chính. Mà quy định cao cấp chính trị nếu dưới 40 tuổi phải học tập trung, trên 40 tuổi học tại chức. Anh em trẻ, có triển vọng có thể thiếu điều kiện kể trên, mà đưa đi học hai năm thì ảnh hưởng công việc cơ quan. Ông Tấn đặt vấn đề: kiến thức trên có thực sự hữu ích cho công việc sắp tới hay chỉ là một thủ tục, rồi mất hai năm ngồi đó...
Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, thì nêu thực tế có cán bộ có thể được bổ nhiệm cấp cục, vụ trưởng, nhưng chỉ còn khoảng 4 năm công tác. Tìm người tương đương khó, nhưng quy định hiện lại “cứng” không còn đủ 5 năm công tác là loại, rất phí. Xin ý kiến Bộ Nội vụ, thì Bộ nói cứ theo quy định hiện hành, thế là hỏng. “Có người phấn đấu rất tốt, nhưng thiệt thòi, và thiệt cho cả ngành”- ông Tiến nói.
Ông Tiến cũng thẳng thắn Bộ Nội vụ có nhiều việc, nên có việc nên giao cho các Bộ khác. Như Bộ muốn lấy người từ sở, từ viện hiện phải xin ý kiến của Bộ Nội vụ là hình thức...
Một kỳ thi chung cho nhiều bộ
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã đứng lên nói lại rất thẳng. Ông Tuấn nêu việc thi tuyển còn nhiều hồ sơ, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu cách thi tuyển tập trung của Nhật Bản theo hướng vẫn đảm bảo thẩm quyền bộ, ngành, địa phương.
Cụ thể, ông Tuấn tiết lộ hướng là ai muốn thành công chức thì thi vào một kỳ thi chung, thi qua máy tính, nếu đạt sẽ được cấp chứng chỉ đủ điều kiện để thành công chức. Khi biết Bộ ngành nào có nhu cầu thì người có chứng chỉ chỉ cần đến nộp hồ sơ kèm chứng chỉ. Cơ quan tuyển dụng chỉ cần phỏng vấn, tránh nhiều hội đồng, rồi có vấn đề như ở Bộ Công thương vừa qua (thi tuyển ở Cục Quản lý thị trường lộ đề-PV).
Việc áp dụng công nghệ thông tin trong thi cử, thi qua máy tính, ông Tuấn nêu đã phải đi thuyết phục thực hiện, vì động chạm lợi ích thiểu số. Ông Tuấn khẳng định “ứng dụng công nghệ thông tin vẫn gặp cản trở từ một số người vì họ mất quyền lợi.”.
Về phản ánh của các Bộ liên quan đến việc Bộ Nội vụ tổ chức thi nâng ngạch (lên chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp - PV), ông Trần Anh Tuấn nêu Bộ Nội vụ sẵn sàng ủy quyền cho các bộ, ngành, địa phương đủ điều kiện. “Nhưng nơi nào được ủy quyền thi là đỗ hết” - ông Tuấn nói và cho biết sẵn sàng cung cấp số liệu thi trong ngành thuế, hải quan, kể cả Bộ Khoa học công nghệ... “Bao nhiêu chỉ tiêu, thi đỗ hết thì làm sao nâng cao chất lượng” - ông Tuấn nói.
Dẫn thẳng ý kiến góp ý của đại diện UBND TP Hà Nội về việc tuyển thẳng cán bộ không qua thi cử, Hà Nội trình lên nhưng Bộ Nội vụ mới trả lời một số, một số chưa thấy, ông Tuấn nêu thẳng số chưa trả lời là chưa đồng ý, vì không đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Ông Tuấn nêu “nếu chuyển hết cho các đồng chí thì đã tuyển hết rồi” và tỏ ý lo khi có khả năng có việc lợi dụng kẽ hở, tuyển thẳng theo mối quan hệ, còn con em nhân dân phải thi tuyển rất khắc nghiệt. “Không chỉ Hà Nội, một số địa phương khác không đảm bảo tiêu chuẩn chúng tôi trả lại hết, dù mất mát tình cảm, nhưng phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn” - ông Tuấn nói.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu Bộ Nội vụ là Bộ quản lý nhà nước về cải cách, đi kiểm tra cải cách hành chính, thì phải làm gương. Phó Thủ tướng nêu kinh tế thị trường, hội nhập sâu thì nền hành chính phải đi theo hướng đó để phục vụ. Không chỉ Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng cho biết tới đây sẽ kiểm tra cả Bộ Tư pháp, UBND thành phố Hà Nội... về cải cách hành chính.
Phó Thủ tướng nêu dư luận xã hội vẫn còn có ý kiến rằng còn tình trạng cửa quyền, tập trung một số thẩm quyền ở cấp trung ương. Trong khi chương trình công tác của các Bộ rất nhiều, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ phải tập trung làm vĩ mô, tránh xử lý nhiều vụ việc sự vụ, không còn thời gian nghiên cứu các đề án lớn. Nêu số liệu Bộ Nội vụ còn nợ các đề án, Phó Thủ tướng đề nghị việc không cần làm thì không làm, các Bộ cần tập trung thực hiện chức năng thanh, kiểm tra, kết luận việc làm sai. “Bộ nào các nơi khác đến tấp nập xin cho thì không tốt”- ông Nguyễn Xuân Phúc nói.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần nghiên cứu sửa đổi ngay theo hướng thi tuyển chỉ nộp một tờ giấy, sau trúng rồi mới nộp hồ sơ...
Theo Tuổi trẻ