|
Bệnh nhân tới đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa Thành phố Vinh (Nghệ An). |
Tự chủ: Chưa kịp vui đã buồn
Bệnh viện đa khoa (BVĐK) khu vực Tây Bắc (Nghệ An) là BV hạng 2 tuyến tỉnh, có nhiệm vụ khám, chữa bệnh (KCB) cho trên 60 vạn dân của 50 huyện thị, xã và đã thực hiện tự chủ tài chính từ năm 2017.
Theo BS. Tăng Việt Hà – Giám đốc BV, tự chủ tài chính là một chính sách quan trọng, phù hợp với xu hướng phát triển chung của đất nước. Đến nay, chính sách này đã cho thấy lợi ích khi giúp cho tổng nguồn thu của BV tăng lên, còn mức chi ngân sách nhà nước cho hoạt động thường xuyên giảm xuống. Thay đổi cơ chế tài chính là điểm cốt lõi giúp thay đổi thái độ phục vụ của BV, chuyển sang xem người bệnh như khách hàng, thay vì tư duy ban ơn như trước.
|
Người dân xếp hàng chờ được khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc.
|
Song, khi vừa mới bắt đầu chuyển mình, thực hiện tự chủ tài chính ở mức độ 2 về các mặt: Nâng cao chất lượng KCB; chi thường xuyên, chưa tự chủ về chi đầu tư, thì BV đã vướng cục nợ từ bảo hiểm xã hội (BHXH) do những bất đồng trong cơ chế chính sách và tính giá dịch vụ bảo hiểm y tế (BHYT).
BS. Tăng Việt Hà cho biết, nguyên nhân của cục nợ là do BHXH không thanh toán theo giá các dịch vụ kỹ thuật, thuốc,… được quy định trong Luật, mà thanh toán theo mức chi phí cơ sở phải bỏ ra để thực hiện dịch vụ kỹ thuật, mua thuốc...
"Ví dụ, trong phẫu thuật thay khớp háng cho bệnh nhân, BHYT chỉ chi trả tối đa 35 triệu đồng/ca, trong khi thực tế chi phí tới 45 triệu đồng/ca, khiến BV phải tự bỏ ra rất nhiều khoản để hỗ trợ bệnh nhân. Là địa bàn có độ phủ BHYT 83%, đời sống kinh tế của người dân còn hạn hẹp, việc thanh toán như vậy khiến BV còn tới hơn 50 tỷ đồng chưa thanh toán với BHXH"- BS. Tăng Việt Hà chia sẻ.
Cũng trong tình trạng tương tự, BS. Nguyễn Hồng Trường – Giám đốc BVĐK thành phố Vinh (Nghệ An) cho biết, vướng mắc lớn nhất của BV khi tự chủ tài chính là cơ chế chính sách chưa thống nhất giữa BHXH và ngành y tế. Nếu tự chủ tài chính tốt, phục vụ người dân đến KCB đúng chất lượng, BV sẽ vượt chi và phải giải trình với rất nhiều cấp.
|
Tự chủ tài chính là điểm cốt lõi khiến BV chuyển mình, chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân.
|
Hiện nay, BVĐK thành phố Vinh đang áp dụng mô hình BV thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ giúp tăng số lượng bệnh nhân, từ 1.600 bệnh nhân ngoại trú, 500 bệnh nhân nội trú vào năm 2018, lên 2.000 – 2.500 bệnh nhân ngoại trú, 700 bệnh nhân nội trú vào năm 2019. Để thực hiện được điều đó, BV cần chi rất nhiều khoản để đầu tư nguồn lực, thu hút người bệnh. Song, hết quý 4 năm 2018, BV đã chi vượt mức dự toán tới 60 tỷ đồng, nhưng cơ quan BHXH không chi trả khoản này, dù 85% người bệnh đến khám có BHYT, tức là mức vượt chi chủ yếu phục vụ người bệnh trong diện này.
Có chính sách giải quyết, nhưng chưa có hướng dẫn
Nghệ An hiện đã có 16 BV tự chủ mức độ 2. Thời hạn tự chủ mức độ 2 sắp hết, nhưng nhiều BV còn e ngại chưa dám đăng ký tự chủ mức độ 1, vì vẫn loay hoay giữa những nợ nần.
Bên cạnh đó, BV vẫn phải bảo đảm tiền lương cho cán bộ, nhân viên y tế. Nợ doanh nghiệp đầu tư là phương án mà 2 BVĐK khu vực Tây Bắc và BVĐK thành phố Vinh đang cố gắng duy trì vào lúc này. Đến nay, cả 2 BV đều chưa có nguồn tài chính dự trù cho tăng lương cơ sở.
|
Thanh toán khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế cho người dân.
|
“Tiền chi trả dịch vụ kỹ thuật, nhân công,… chúng tôi lấy ở đâu đây khi còn bị nợ quá nhiều như vậy? BV đành phải nợ doanh nghiệp đầu tư. Nhưng, nguyên tắc là mua hàng phải trả tiền, khi mình nợ nhiều quá, họ sẽ không cấp hàng nữa” – BS. Nguyễn Hồng Trường xót xa nói.
Trước thực trạng này, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Nghị quyết 30, trong đó có nội dung số 11 đồng ý giao Bộ Y tế hướng dẫn để BHXH Việt Nam khẩn trương thanh toán chi phí KCB BHYT cho các cơ sở y tế theo đúng quy định về giá, về BHYT. Chính phủ cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những quy định bất cập về định mức kinh tế - kỹ thuật để kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế trong quý III/2019. Trong đó quy định rõ định mức bắt buộc phải tuân thủ, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, của cơ sở KCB, tránh gây thất thoát, lãng phí quỹ BHYT.
Tuy nhiên, BS. Tăng Việt Hà cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo như vậy, nhưng nội dung số 11 hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, mặc dù rất vui mừng khi Chính phủ đã phê duyệt phương án tháo gỡ khó khăn cho BV, nhưng trong khoảng thời gian chờ đợi, BV vẫn đau đầu tìm giải pháp khác để tháo gỡ khó khăn…