Nhiễm giun lươn, người đàn ông ở Hà Nội nguy kịch

Ông L.V.T (72 tuổi, ở Hà Nội) được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng suy gan cấp, rối loạn đông máu, phải thở máy. Đặc biệt, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có nhiều giun lươn.
Cụ ông 72 tuổi nguy kịch hơn vì nhiễm giun lươn

Bệnh nhân có u lympho non hodgkin đã điều trị hóa chất 2 đợt. Gần đây, bệnh nhân thấy mệt mỏi, ăn kém, vàng da, vàng mắt, đầy bụng khó tiêu, và được bác sĩ chẩn đoán suy gan cấp rồi chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Tại đây, kết quả xét nghiệm dịch dạ dày và dịch phế quản bệnh nhân phát hiện có nhiều hình ảnh giun lươn và được xác định nhiễm giun lươn lan tỏa. Bệnh nhân được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực với thể trạng suy kiệt, thở máy qua nội khí quản.

Theo bác sĩ Đặng Văn Dương (Khoa Hồi sức tích cực), bệnh nhân đang trong quá trình điều trị bệnh U lympho không Hodgkin (ung thư tế bào bạch cầu dòng lympho) phải truyền hóa chất gây biến chứng suy gan nặng và suy giảm miễn dịch nghiêm trọng.

Do đó, khi bệnh nhân chuyển đến với tình trạng nhiễm trùng nặng, các bác sĩ đã đánh giá bệnh nhân có nguy cơ nhiễm giun lươn lan tỏa, nên xét nghiệm tìm kiếm. Kết quả xét nghiệm dịch dạ dày và dịch phế quản của bệnh nhân có giun lươn, nên các bác sĩ đã cho thuốc điều trị giun lươn đặc hiệu kết hợp với kháng sinh phổ rộng.

Mặc dù bệnh nền có tiến triển, nhưng quá trình điều trị nhiễm giun lươn lan tỏa còn kéo dài. Bình thường, nhiễm giun lươn trên người khỏe mạnh có thể chỉ biểu hiện bệnh nhẹ như rối loạn tiêu hóa, mẩn ngứa, mệt mỏi, chán ăn …

Tuy nhiên, trên những người bệnh đã suy giảm miễn dịch, dùng thuốc corticoid hay thuốc ức chế miễn dịch kéo dài, có thể bị hội chứng tăng nhiễm giun lươn hoặc nhiễm giun lươn lan tỏa, ấu trùng giun xâm nhập vào nhiều cơ quan như tim, gan, phổi, thận, não …, kèm theo các biểu hiện nhiễm khuẩn nặng, đe dọa tính mạng và điều trị rất khó khăn, tốn kém.

Giun lươn trong cơ thể ông cụ 72 tuổi

Theo các bác sĩ, giun lươn là ký sinh trùng nguy hiểm nhất trong số các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa. Giun lươn có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.

Bệnh giun lươn do ấu trùng giun lươn xâm nhập vào cơ thể bằng cách chui qua da, đi theo đường tĩnh mạch chạy lên tim, qua phổi rồi tới khí quản, hầu, sau đó di chuyển xuống thực quản và ruột để sinh trưởng thành giun trưởng thành.

Ấu trùng xâm nhập thường ở chân hoặc vị trí nào tiếp xúc với đất nhiễm bệnh, gây ngứa, nổi mề đay vài giờ, cả ngày và tái diễn hàng tháng, năm. Nhiễm giun lươn gây biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Hội chứng tăng nhiễm thường xảy ra trên cơ địa người suy kiệt, suy giảm miễn dịch, bệnh lý ác tính, đái tháo đường, nghiện rượu, gây nhiễm trùng máu, viêm màng não, sốt kéo dài.

Thói quen không vệ sinh dẫn tới nhiễm giun lươn tỷ lệ cao, như đi chân đất, không rửa tay sạch sau khi tiếp xúc môi trường bẩn, sau khi đi vệ sinh; sử dụng phân tươi chăm bón cho cây trồng; ăn rau sống rửa chưa sạch, ăn gỏi ... dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm giun lươn. Trẻ em có nguy cơ nhiễm giun lươn cao hơn người lớn.