Hôm qua các học giả hàng đầu về chính sách đối ngoại Nhật Bản và Việt Nam gặp nhau trong hội thảo về “mối liên hệ giữa con đường phát triển 70 năm sau chiến tranh của Nhật Bản và tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam” do Học viện Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng tổ chức ở Hà Nội.
Vấn đề Biển Đông phải tuân theo luật pháp quốc tế, nhưng Trung Quốc đang tự diễn giải theo cách riêng của họ để phục vụ cho lợi ích của họ
GS TOMOHITO SHINODA(Đại học Quốc tế Nhật Bản)
Việt Nam chiếm vị trí quan trọng
GS Yuichi Hosoya từ Đại học Keio cho biết Nhật Bản đang tăng cường hợp tác an ninh với các quốc gia cùng chia sẻ giá trị và lợi ích với Nhật Bản.
Trong khi mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật là trọng tâm của chiến lược an ninh quốc gia Nhật Bản, hợp tác quốc tế của Nhật Bản với Việt Nam cũng chiếm một vị trí quan trọng xuất phát từ vị trí chiến lược của Việt Nam. Theo GS Yuichi Hosoya, Nhật Bản đã sẵn sàng cho việc thúc đẩy các hoạt động an ninh kiểu mới sau khi lần lượt Hạ viện và Thượng viện thông qua luật an ninh mới của nước này.
GS Toshiya Hoshino (phó chủ tịch điều hành Đại học Osaka) thẳng thắn cho rằng “các hành động đơn phương của Trung Quốc là sai”, tuy nhiên GS Hoshino cũng lưu ý rằng các nước trên thế giới đang ngày càng gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau.
Trong bối cảnh đó, các nước liên quan cần phải duy trì “sự cân bằng thông minh”, với hàm ý xét đến sự cân bằng của các dòng chuyển động qua lại của con người, hàng hóa, tiền bạc, trong khi vẫn duy trì quyền lực cứng dựa trên sức mạnh quân sự để ngăn chặn các cuộc đối đầu mà đôi bên đều bị thiệt hại.
Về cân bằng quyền lực “cứng”, GS Toshiya Hoshino cho rằng nỗ lực quốc phòng của Việt Nam và Nhật Bản cũng như sự hợp tác với Mỹ sẽ tiếp tục là nền tảng của sự ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Hai nước cần phối hợp tiếng nói để khuyến khích Mỹ tăng cường sự hiện diện chiến lược của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhật Bản cần tăng cường phục hồi kinh tế, qua đó kết nối sâu sắc nền kinh tế Trung Quốc vào mạng lưới phụ thuộc lẫn nhau.
“Những hành động khiêu khích và mang tính chủ nghĩa dân tộc cần được kiềm chế” - GS Toshiya Hoshino nhấn mạnh. Ngoài ra, các biện pháp “cân bằng thông minh” như đối thoại, xây dựng lòng tin, giảm thiểu sự đe dọa lẫn nhau... nên được triển khai mạnh hơn.
Trong thời gian tới, GS Toshiya Hoshino nêu rõ hợp tác Nhật - Việt nên gồm có hợp tác về an ninh hàng hải, cụ thể là thông qua những nỗ lực chung để khẳng định bộ quy tắc về ứng xử, cũng như cung cấp các trang thiết bị hàng hải và huấn luyện lực lượng cảnh sát tuần tra biển, đối thoại chính sách. Nhật cũng có thể cộng tác với Việt Nam triển khai các hoạt động cứu trợ nhân đạo, phục hồi sau thảm họa, gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc tới các quốc gia ở châu Phi và châu Á.
Cũng theo GS Toshiya Hoshino, Nhật nên mở rộng đối thoại học giả giữa Nhật Bản và Việt Nam, mời cả phía Trung Quốc để tăng cường hiểu biết lẫn nhau và xây dựng lòng tin.
Luồng gió mới
Về phía các nhà nghiên cứu Việt Nam, đại tá Vũ Văn Khanh (Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng Việt Nam) cho rằng việc Nhật Bản triển khai “chủ nghĩa hòa bình tích cực” đang và sẽ có tác động đến cục diện an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trước hết điều đó sẽ dẫn đến cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực, giảm khả năng hình thành G2 (nhóm hai nước Trung Quốc và Mỹ) vì việc Nhật Bản cạnh tranh vị thế cường quốc thứ hai thế giới với Trung Quốc sẽ thúc đẩy trật tự thế giới đa cực một cách tự nhiên.
Tuy nhiên, “chủ nghĩa hòa bình tích cực” có thể gián tiếp thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Theo đại tá Khanh, trên nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản lâu nay, “chủ nghĩa hòa bình tích cực” của Nhật Bản được coi là một “luồng gió mới” cho mối quan hệ hai bên, hi vọng sẽ mang lại nhiều đóng góp tích cực hơn từ Nhật Bản đến Việt Nam, vì nền hòa bình chung của khu vực và thế giới, nhất là trong bối cảnh an ninh khu vực Đông Á, đặc biệt là an ninh trên Biển Đông và biển Hoa Đông, đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
* Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam HIROSHI FUKADA:
Sẽ tiếp tục cung cấp tàu cho Việt Nam
Nhật Bản mong muốn có những đối tác chia sẻ suy nghĩ và quan điểm chung về tình hình khu vực và thế giới đang diễn biến phức tạp.
Chúng tôi mong muốn kêu gọi các nước giải quyết vấn đề một cách hòa bình và dựa trên luật pháp quốc tế, không để cho một đất nước nào có hành động đơn phương, gây hấn. Đó là ý nghĩa cũng như mục tiêu của Thủ tướng Shinzo Abe mong muốn thông qua chủ nghĩa hòa bình tích cực.
Việt Nam là một trong những quốc gia hiểu rõ tiêu chí và mục tiêu mà Nhật Bản đang hướng tới. Ngoài ra, Nhật Bản cũng rất quan tâm tăng cường năng lực an ninh hàng hải cho Việt Nam.
Năm ngoái, chúng tôi đã cung cấp sáu tàu đã qua sử dụng cho Việt Nam. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thêm nhiều tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam thông qua viện trợ vốn vay của Nhật Bản. Tất cả những dự án này đều đang được triển khai và thực hiện.
* GS YUICHI HOSOYA (Đại học Keio, kiêm thành viên ban cố vấn an ninh - chính trị của Thủ tướng Shinzo Abe):
Biển Đông sẽ lên bàn nghị sự Hội nghị G7
Vấn đề Biển Đông và sự phớt lờ luật pháp quốc tế của Trung Quốc sẽ là một trong những vấn đề được bàn luận tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Nhật Bản vào năm tới.
Dĩ nhiên, các nước G7 sẽ không muốn chỉ trích Trung Quốc bởi vì hầu hết đều có mối quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc. Nhưng tôi tin tưởng Nhật Bản và các nước sẽ bày tỏ quan ngại về hành động xây đảo nhân tạo quy mô lớn trái phép của Bắc Kinh.
Nếu các nước cùng đồng lòng phản đối Trung Quốc, Trung Quốc sẽ thay đổi thái độ vì nước này rất cần hợp tác quốc tế. Nếu không có thương mại, không có xuất khẩu ra thế giới, Trung Quốc sẽ không thể tăng trưởng kinh tế.
Theo Tuổi trẻ