Trả lời phỏng vấn báo The Nikkei, ông Nakatami nói rằng, Nhật Bản luôn luôn xem xét khả năng hợp tác quốc phòng với Mỹ ở Biển Đông, trong đó Tokyo có thể sử dụng vệ tinh, tàu và máy bay để thực hiện hoạt động giám sát thường xuyên tại đây. Theo ông Nakatami, đối với Nhật Bản, Biển Đông là tuyến đường biển có vai trò quan trọng đối với các tàu chở dầu. Các hoạt động hiện nay của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa an ninh hàng hải, do đó, có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia Nhật Bản lớn hơn so với trước đây.
Trong khi đó, các nước Đông Nam Á cũng đang ưu tiên đầu tư vào lực lượng hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển nhằm đối phó với tình hình căng thẳng gia tăng ở Biển Đông. Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane’s, chi tiêu quốc phòng thường niên ở Đông Nam Á dự kiến đạt 52 tỷ USD vào năm 2020, so với mức 42 tỷ USD trong năm nay.
Động thái mới của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông cho thấy, Bộ Giao thông Trung Quốc vừa làm lễ động thổ công trình xây dựng 2 ngọn hải đăng tại Đá Gạc Ma và Đá Châu Viên tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Tân Hoa xã chỉ nói chung chung rằng 2 ngọn hải đăng sẽ giúp “cải thiện đáng kể độ an toàn lưu thông trên Biển Đông”.
Trong một diễn biến khác liên quan, Indonesia ngày 25-5 cho biết, 61 tàu chiến đã được triển khai đến vùng biển phía tây nước này nhằm bảo vệ ngư dân trước mối đeo dọa từ hoạt động đánh bắt trái phép của ngư dân nước ngoài.
Theo: Công an Nhân dân