Tháng trước, Bộ quốc phòng Nhật Bản đã đưa ra yêu cầu mức ngân sách kỷ lục khoảng 51 tỉ USD cho năm tài chính 2017. Đỉnh điểm mối lo an ninh của nước này chính là sự bành trướng trên biển của Trung Quốc. Thực tế, Nhật Bản có lý do để lo lắng về việc này. Trên cả Biển Đông lẫn biển Hoa Đông, Nhật Bản đang phải đối mặt với một Trung Quốc ngày càng cứng rắn, có vẻ quyết tâm trở thành một cường quốc biển không bị nước nào trói buộc, và theo đó Trung Quốc hiện đang tăng cường năng lực hải quân.
Quartz đánh giá, động thái của Trung Quốc đe dọa sẽ phá hoại nền kinh tế Nhật Bản và làm xói mòn an ninh của nước này. Biển Đông không phải là tuyến đường biển duy nhất nhưng đây là tuyến đường ngắn nhất và rẻ nhất vận chuyển năng lượng từ Vịnh Ba Tư (và nhiều hàng hóa khác từ khắp mọi nơi) đến Đông Bắc Á. Một nước ít tài nguyên thiên nhiên như Nhật Bản có lợi ích rõ ràng trong việc giữ các tuyến đường biển rộng mở và tự do.
Nhận thức được điều đó, Nhật Bản đang củng cố quan hệ đồng minh, chi nhiều hơn cho quốc phòng và nêu rõ lập trường của mình. “Tôi hết sức quan ngại với những nỗ lực liên tiếp nhằm đơn phương thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố với các lãnh đạo châu Á tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào.
Nền kinh tế dễ bị tổn thương
Theo Quartz, Trung Quốc đang ngày càng đẩy nhanh tốc độ quân sự hóa Biển Đông trong những năm gần đây. Điều này bao gồm cả việc xây dựng các căn cứ trên các đảo nhân tạo được bồi lấp từ các rạn san hô. Một vài người cảnh báo rằng Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành “hồ của Trung Quốc” và điều này cũng không còn xa xôi nếu Bắc Kinh tạo được “tam giác căn cứ quân sự chiến lược” trên Biển Đông giúp Trung Quốc kiểm soát nhiều hơn tuyến đường biển quan trọng này.
Biển Đông là một trong những điểm huyết mạch trên thế giới vận chuyển dầu và khí đốt tự nhiên. Gần 60% nguồn cung năng lượng của Nhật Bản đi qua vùng biển này và phần lớn là đến từ các nước Trung Đông bao gồm Ả Rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Qatar và Iran. Than đá từ Indonesia cũng đi qua vùng biển này, tương tự với ngô, lúa mì, và lúa mạch từ Úc và khu vực Biển Đen.
Điều này khiến nền kinh tế Nhật Bản dễ bị phá hoại nếu Trung Quốc phong tỏa hàng hóa đi qua Biển Đông dù là trong thời bình hay trong cuộc xung đột trong tương lai. Và cuộc xung đột này cũng không phải là không thể xảy ra. Trung Quốc vẫn còn căm thù tội ác chiến tranh của phát xít Nhật Bản trong Thế chiến II và tin rằng Nhật Bản vẫn chưa thể hiện đủ sự hối hận về tội lỗi của mình. Cuộc triển lãm mới đây ở Đông bắc Trung Quốc tập trung vào việc xử lý các vũ khí hóa học mà Nhật Bản bỏ lại Trung Quốc. Theo trung tâm nghiên cứu Pew, 81% người Trung Quốc không có cái nhìn thiện chí với Nhật Bản, con số này đã tăng so với thập kỷ trước ở mức 70%. Trong khi đó, 86% người Nhật Bản cũng không có cái nhìn thiện chí với người Trung Quốc, trong khi thập kỷ trước con số này chỉ là 71%.
Cũng không có gì đáng ngạc nhiên nếu Nhật Bản lo sợ Trung Quốc có khả năng sẽ kiểm soát tuyến đường biển quan trọng như chính Biển Đông. Việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo được quân sự hóa ở quần đảo Trường Sa dường như là một bước đi trong định hướng này. Như ông Yoji Koda, nguyên phó đô đốc trong Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã viết trên tạp chí Chính sách châu Á hồi tháng 1/2016 rằng:
“Những hòn đảo nhân tạo xây dựng phi pháp này một khi hoàn thành sẽ mang lại cho Trung Quốc vị thế vững chắc ở quần đảo Trường Sa để kiểm soát phần lớn các tuyến giao thông liên lạc trên biển và kiểm soát các hoạt động hải quân và không quân nước ngoài.”
Nhật Bản đối phó Trung Quốc
Một cách có thể giúp Nhật Bản ngăn chặn điều này là hỗ trợ, và thậm chí tham gia vào hoạt động “tự do hàng hải” của Hải quân Mỹ ở những vùng biển Mỹ khẳng định có quyền qua lại theo luật quốc tế, kể cả nếu các nước khác cảnh báo không được làm. Hồi tháng 5/2016, tàu khu trục USS William P.Lawrence đã tiến sát bãi Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đã xây dựng trái phép và quân sự hóa đảo nhân tạo.
Trung Quốc đã cảnh báo rằng những hoạt động này “nguy hiểm và vô trách nhiệm” và có thể dẫn tới thảm họa cho dù các nước có quyền “đi lại vô hại” qua các lãnh hải theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển.
Vào tháng 7, Tòa Trọng tài quốc tế đã đưa ra phán quyết bác bỏ các tuyên bố lãnh thổ ngang ngược và phi lý của Trung Quốc với phần lớn diện tích Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố không công nhận phán quyết và cố làm mất uy tín của tòa. Mới đây, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ tại Washington ám chỉ sự đồng thuận của Nhật Bản với hoạt động tự do hàng hải. Nếu thế giới bỏ qua cho nỗ lực thay đổi luật lệ của Trung Quốc thì hệ quả của việc này có thể còn rộng hơn cả Biển Đông. “Trong bối cảnh hiện nay, tôi ủng hộ mạnh mẽ hoạt động tự do hàng hải của Mỹ để duy trì trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật pháp”, bà Inada tuyên bố.
Bà Inada chỉ ra rằng Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản sẽ tham gia huấn luyện chung với hải quân Mỹ ở Biển Đông cũng như các cuộc diễn tập đơn phương và đa phương với hải quân các nước trong khu vực. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã chỉ trích những lời phát biểu của bà Inada và cho rằng hành động của Nhật Bản khiến “người ta cảm thấy thất vọng đến mức tuyệt vọng”, và bổ sung thêm rằng: “Trung Quốc quyết không nao núng trong quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền hàng hải cũng như lợi ích của mình”.
Một bài xã luận trên Tờ Hoàn Cầu, phụ bản của cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc cũng thổi phồng lời bà Inada. Bài viết gợi ý rằng các cuộc tra chung Mỹ-Nhật sẽ là “ngoại giao pháo hạm của thế kỷ XXI”, và Trung Quốc sẽ đáp lại bằng việc triển khai quân sự tới quần đảo Trường Sa. Nếu các cuộc tuần tra chung được tăng cường thì Trung Quốc sẽ thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, nhằm mục đích đe dọa Nhật Bản.
Bà Inada không nói liệu Nhật Bản có tham gia vào hoạt động tự do hàng hải hay không nhưng hè vừa rồi, Trung Quốc đã cảnh báo rằng Nhật Bản sẽ “vượt quá lằn ranh đỏ” qua hành động đó và ám chỉ rằng hành động này có thể dẫn tới xung đột quân sự. Với ký ức về cuộc Thế chiến II cùng tinh thần dân tộc ở Trung Quốc, điều này có thể trở thành sự thực.
Tuy nhiên, phát biểu của bà Inada cho thấy Nhật Bản có thể hành động theo hướng đó, có nghĩa là điểm nóng nguy hiểm nhất trên Biển đông có thể chính là tàu chiến Nhật Bản chứ không phải là một bãi ngầm hay đảo nhỏ nào.
“Hoạt động của hải quân Nhật Bản có thể tạo ra những viễn cảnh nguy hiểm như chiến tranh trực tiếp giữa hải quân hai nước. Trung Quốc không thực hiện điều gì trực tiếp chống lại hoạt động của Mỹ nhưng với Nhật Bản thì lại là chuyện khác. Chúng tôi không thể loại trừ kịch bản tàu Trung Quốc đâm tàu Nhật Bản hay tàu Trung Quốc chặn lối đi của tàu Nhật Bản”, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương tại Đại học Lĩnh Nam của Hong Kong trả lời Japan Times.
(còn tiếp)