Nhập cuộc chơi ở Trung Á, Thổ Nhĩ Kỳ đang toan tính điều gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong khi Mỹ quyết định rút quân khỏi Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số ít các nước sẵn sàng ở lại. Nhiều nước hoan nghênh quyết định này, hy vọng Ankara sẽ giúp họ chống lại sự trỗi dậy của Taliban.
Trong lúc Mỹ rút khỏi Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ lại muốn đóng vai trò lớn hơn ở nước này (Ảnh: Getty)
Trong lúc Mỹ rút khỏi Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ lại muốn đóng vai trò lớn hơn ở nước này (Ảnh: Getty)

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã có chuyển thăm tới Kyrgyzstan và Tajikistan. Chủ đề chính của các cuộc đàm phán là tập trung vào việc tăng cường hợp tác quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước này, trong bối cảnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút quân khỏi Afghanistan dẫn tới tình hình an ninh ở quốc gia này ngày càng xấu đi nghiêm trọng.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar được Dushanbe chào đón nồng nhiệt.

Trao đổi với bộ trưởng quốc phòng Tajikistan Sherali Mirzo, ông Akar tuyên bố: “Chúng tôi sẵn sàng tăng cường hợp tác với Tajikistan trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, công nghiệp quân sự, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ an ninh biên giới và cuộc chiến chống khủng bố, Dushanbe là đối tác quan trọng của Ankara, hai bên có quan hệ mật thiết với nhau về văn hóa, tín ngưỡng và lịch sử”.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Tajikistan Sherali Mirzo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa quân đội hai nước, đồng thời khẳng định hai bên luôn ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế và thường xuyên có chung quan điểm về các vấn đề trong khu vực.

Cũng trong chuyến thăm Tajikistan, ông Akar đã trình bày với Tổng thống chủ nhà Emomali Rahmon những gì đang diễn ra tại Afghanistan và đặc biệt là lực lượng Taliban (tổ chức bị cấm ở Nga) đang gia tăng hoạt động trở lại ở các tỉnh phía Bắc trong 2 tuần gần đây.

Tại Kyrgystan, chủ đề chính trong các cuộc thảo luận của ông Hulusi Akar cũng là các vấn đề vừa được Tajikistan và Thổ Nhĩ Kỳ thống nhất thông qua.

Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov tuyên bố: “Vì tình hình trong khu vực trở nên bất ổn, các nguy cơ ngày càng gia tăng, đặc biệt là diễn biến tình hình theo chiều hướng xấu đi ở Afghanistan, nên vấn đề hợp tác kỹ thuật quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ là một việc rất cấp thiết và đúng thời điểm. Kyrgyzstan sẵn sàng mở rộng hợp tác với Ankara vì hòa bình và ổn định ở hai nước, cũng như trong khu vực”.

Về phần mình, ông Akar cam kết đào tạo và huấn luyện các chuyên gia quân sự Kyrgyzstan tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Những toan tính có đi có lại

Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Kyrgyzstan công nhận tổ chức của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen là một tổ chức khủng bố, và giao nộp những người ủng hộ Gulen cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Mới đây Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov đã có chuyến thăm tới Thổ Nhĩ Kỳ, lãnh đạo hai nước đã thảo luận các vấn đề liên quan tới cuộc chiến chống khủng bố. Sau chuyến thăm đó, Ankara đã cam kết cung cấp cho Bishkek (thủ đô của Kyrgyzstan) khoản viện trợ quân sự không hoàn lại.

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết: Khi lực lượng của NATO rút quân khỏi Afghanistan, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giữ vai trò chính trong việc đảm bảo an ninh ở sân bay Kabul, vấn đề này đã được lãnh đạo hai nước thống nhất.

Theo dự định, Mỹ và các nước đồng minh NATO sẽ rút hết quân khỏi Afghanistan vào ngày 11/9/2021. Có khoảng vài trăm binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở lại khu vực sân bay Kabul. Ankara cam kết sẽ không đưa thêm quân tới Afghanistan, tuy vậy, việc một mình nắm quyền giám sát sân bay Kabul cũng sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng ảnh hưởng của mình trong khu vực.

Phản ứng của Taliban

Tuy không có quan hệ thù địch với Ankara, song lãnh đạo của Taliban tuyên bố: quân đội của Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải rút hết về nước theo đúng tinh thần của thỏa thuận mà hai bên đã ký ngày 29/4/2020.

Đại diện của Taliban Zabihullah Mujahid cho biết: “Người dân Afghanistan sẽ không cho phép bất kỳ quân đội nước ngoài nào ở lại để đảm bảo an ninh cho sân bay Kabul, đồng thời coi đây là hành động xâm lược, kể cả đó là quân đội của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Mỹ nói gì?

Quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã có những cải thiện, tuy trong thời gian gần đây giữa hai đồng minh NATO này chưa có nhiều lĩnh vực hợp tác cùng nhau.

Để giữ cho nội bộ khối NATO giảm bớt căng thẳng, Washington quyết định không can thiệp vào kế hoạch gia tăng sự ảnh hưởng của mình trong khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ, miễn sao những ảnh hưởng đó không liên quan tới người Kurd, không liên quan tới Israel, và không liên quan tới tầm ảnh hưởng truyền thống của Mỹ ở khu vực Kavkaz, khu vực Trung Á và Trung Đông.

Theo nhận định của chuyên gia phân tích chính trị của trung tâm kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế IMEMO của Nga, ông Alexey Davydov, thì so với các thành viên khác trong khối NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có một lợi thế đáng kể, đó là lực lượng không quân của nước này được đào tạo khá hơn cả. Việc được giao nhiệm vụ canh giữ sân bay Kabul sẽ giúp cho Ankara có điều kiện để củng cố quan hệ với các nước Trung Á, nhưng việc đưa ra thêm những cam kết chính trị - quân sự ở một điểm nóng như Afghanistan thì lại là một ý tưởng không dễ được ủng hộ ở trong nước, bởi chính nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang gặp một số vấn đề.

Lập trường của Moscow

Các nước Trung Á luôn coi Ankara là cầu nối để tiếp cận với phương Tây, tách dần khỏi sự ảnh hưởng của Nga, nhưng ngặt một nỗi con đường gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ không mấy sáng sủa, cho nên họ đã xem lại quyết định của mình.

Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể thay thế hoàn toàn Liên Bang Nga ở không gian hậu Xô Viết vì tiềm lực kinh tế và khả năng tài chính có hạn của mình. Ankara cũng rất lo ngại rằng Moscow có thể chặn đường tiếp cận của mình với khu vực Trung Á. Trên thực tế Moscow chưa có động thái gì để hạn chế ảnh hưởng của Ankara trong khu vực.