Với giới văn phòng, người làm công ăn lương, mỗi dịp Tết đến Xuân về là một lần háo hức với những khoản lương, thưởng cuối năm để có thêm tài chính chuẩn bị cho một cái Tết đầm ấm bên gia đình. Ngoài ra, giới văn phòng còn có thêm một niềm vui nữa, đó là được Sếp mừng tuổi đầu xuân năm mới.
Các khoản tiền được nhận từ Sếp đầu năm thực ra không lớn, bởi Sếp mừng tuổi rất nhiều người. Tuy nhiên, nó lại có giá trị về mặt tinh thần, giúp nhân viên cảm thấy được quan tâm, cảm thấy may mắn, có "lộc", phấn khởi hơn khi bắt tay vào công việc những ngày đầu năm mới.
Tuy nhiên, truyền thống lì xì, mừng tuổi ngày Tết thực ra không dành cho người lớn. Truyền thống này được bắt nguồn từ Trung Quốc với một số câu chuyện khác nhau.
Theo một trong những lời giải thích, thời xưa có rất nhiều ma quái lộng hành, gây hại cho con người nhưng bị thần tiên ngăn cản hàng ngày. Chỉ có đêm giao thừa, khi các thần viên về trời, yêu quái mới tác oai tác quái, quấy nhiễu trẻ em đang ngủ, khiến trẻ em giật mình và bị sốt.
Một lần nọ, có 8 vị tiên đi ngang qua một gia đình, biết chuyện yêu quái nửa đêm sẽ xuất hiện liền hoá thành những đồng tiền nằm bên cạnh những đứa trẻ. Cha mẹ đứa trẻ đặt nhưng đồng tiền này vào trong một miếng vải đỏ và để dưới gối. Khi ma quái xuất hiện, những đồng tiền phát lên áng sáng rực rỡ, xua đuổi lũ yêu ma.
Tiếng lành đồn xa, dần dần trong dân gian biết câu chuyện của gia đình nọ và nhà nhà đến Tết đều đặt tiền vào trong những phong bao màu đỏ.
Một câu chuyện khác về nguồn gốc lì xì là xuất phát từ tục xâu tiền bằng chỉ đỏ, buộc lại thành hình rồng hoặc thanh kiếm, đặt ở chỗ ngủ của trẻ nhỏ nhằm, cũng nhằm chống tà ma, bảo vệ cho giấc ngủ.
Dù là câu chuyện nào đi chăng nữa thì ngày nay, mọi người đã để tiền trong bao giấy màu đỏ và trao cho nhau dịp đầu xuân kèm theo lời chúc an khang, thịnh vượng.
Du nhập vào Việt Nam, việc mừng tuổi ngày Tết trở thành truyền thống, nét đẹp văn hóa không thể thiếu ngày nay. Phạm vi của truyền thống này đã mở rộng hơn rất nhiều chứ không chỉ dành cho trẻ con. Đó có thể là con cháu mừng tuổi bố mẹ, ông bà, anh chị em mừng tuổi lẫn nhau, sếp mừng tuổi nhân viên, nhân viên mừng tuổi sếp, hàng xóm láng giềng, bạn bè...
Tuy nhiên, với đà phát triển của xã hội hiện đại, một số nơi lì xì không còn giữ được vẻ đẹp vốn có của nó. Lì xì trở thành cơ hội để nhân viên đến chúc Tết sếp, "hối lộ" thông qua các con của sếp, thậm chí lì xì trực tiếp cả... vợ sếp.
Thiết nghĩ, cách đón Tết xưa và Tết nay của người Việt đã có ít nhiều thay đổi, nhưng lì xì vẫn là một nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong truyền thống của người Việt Nam. Chính vì vậy, hãy để những phong bao lì xì là nơi để gắn kết mọi người với nhau hơn, là thứ đại diện cho tình cảm, sự hy vọng vào một năm mới ấm áp, an lành và gặp thật nhiều may mắn, chứ không nên đặt vào đó quá nhiều toan tính.