Nhân vật quyền lực thứ 3 Facebook nói gì tại hội thảo An ninh mạng của Việt Nam?

VietTimes – Hôm nay, (29/3), Giám đốc bảo mật của Facebook, Nathaniel Gleicher đã đến Việt Nam tham dự sự kiện “Kinh tế số và Chính sách an ninh mạng”. Ngoài chia sẻ kinh nghiệm, ông N.Gleicher còn nêu ra 4 yếu tố cần thiết để xây dựng chính sách bảo mật thông tin tại Việt Nam.
Ông Nathaniel Gleicher xuất hiện trong sự kiện “Kinh tế số và Chính sách an ninh mạng ở Việt Nam"

Ông Nathaniel Gleicher là nhà khoa học máy tính, luật sư, diễn giả thường xuyên trong nhiều sự kiện nổi tiếng. Tháng 1/2018, ông N.Gleicher được bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo mật của Facebook. Trước đó, ông đã có kinh nghiệm nhiều năm làm cố vấn an ninh mạng cho cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và cựu Giám đốc Giải pháp Bảo mật của hãng Illumio.

Ông N.Gleicher đã chia sẻ nhiều thông tin bổ ích về đảm bảo an toàn không gian mạng trong bối cảnh của nền kinh tế số tại hội thảo "Kinh tế số và Chính sách an ninh mạng ở Việt Nam"

Trong bài phát biểu, ông N.Gleicher cho biết phần lớn người dùng đã quen thuộc với hình ảnh tin tặc bí ẩn với mũ trùm đầu tấn công vào các hệ thống máy chủ. Tuy nhiên, đó là quan niệm lỗi thời của những năm 90. Vấn đề bảo mật thông tin ngày nay không chỉ liên quan tới chính phủ, doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi người dùng.

Ông N.Gleicher cho rằng người dùng đa phần vẫn giữ một quan niệm đã quá cũ về an ninh mạng. Nguồn: SoftSonic

Để xây dựng không gian mạng tự do và an toàn, Việt Nam cần phải có những quy định cụ thể và tuân thủ 4 yếu tố: “Minh bạch, linh hoạt, hợp lý và nhất quán”. Theo ông, chính phủ và các nhà cung cấp dịch vụ (ISP) không thể đặt toàn bộ niềm tin vào người dùng bởi không phải tất cả đều tham gia mạng lưới Internet với mục đích tốt. Ngược lại, người dùng không thể phó mặc toàn bộ trách nhiệm bảo mật dữ liệu cho nhà chức trách.

Bạn không cần phải là một tin tặc (mũ đen/trắng) để có thể  hiểu biết về an ninh mạng
Giám đốc Bảo mật Facebook, Nathaniel Gleicher

Mỗi cá nhân tham gia phải tự nhận thức được hiểm họa đã và đang tồn tại. Đồng thời, người dùng và doanh nghiệp cần trở thành những mắt xích và phối hợp chặt chẽ với chính phủ để đưa ra một chính sách rõ ràng, nhất quán về bảo mật thông tin. Ông N.Gleicher nói: “Khi nói về an ninh mạng, bất cứ ai (kể cả chuyên gia bảo mật) đều có những luồng suy nghĩ mâu thuẫn”. Ông đã chia sẻ thêm một câu chuyện: “Tôi có một câu chuyện như thế này: 10 chuyên gia bảo mật cùng ở trong một căn phòng. Nhưng khi được hỏi họ quan niệm thế nào là an ninh mạng thì mỗi người lại trả lời theo một cách khác nhau”.

Khi công nghệ ngày càng phát triển, không có bất kỳ một chính sách cố định nào là thích hợp cho tất cả quốc gia, khu vực. Quan trọng nhất là các bên phải có kiến thức nhất định và cùng hỗ trợ lẫn nhau để đưa ra chính sách an ninh phù hợp, làm sao để cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ, mà vẫn duy trì sự tự do vốn có trên mạng Internet. Cuối bài phát biểu, ông N.Gleicher khẳng định: “Bạn không cần phải là một tin tặc (mũ đen/trắng) để có thể hiểu về an ninh mạng”.