|
Phiên điều trần của bà Yovanovitch có thể là mối đe dọa thực sự với ông Trump (Ảnh: National Interest) |
Trong hôm 11/10 vừa qua, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine, bà Maria Yovanovitch, đã có phiên điều trần kín trước các nghị sĩ tại Hạ viện. Đây có thể là phiên điều trần đóng vai trò quan trọng nhất đối với nỗ lực điều tra luận tội nhằm vào ông Trump mà phe Dân chủ khởi động thời gian gần đây.
Bà Yovanovitch giữ vai trò Đại sứ Mỹ tại Ukraine trong khoảng từ năm 2016 đến tháng 5/2019, thời điểm mà bà nghỉ việc trước 2 tháng so với kế hoạch. Nguyên nhân mà bà từ chức được cho là vì không đủ sự trung thành đối với chính quyền Trump.
"Cựu Đại sứ của Mỹ, người phụ nữ đó, thực sự là một điều tồi tệ và những người mà bà ta làm ăn cùng ở Ukraine cũng là tin xấu. Tôi chỉ muốn cho ông biết điều đó" - Tổng thống Trump từng nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cú điện đàm hôm 25/7.
Ông Zelensky dường như đồng quan điểm với ông Trump, và cũng nói về những vấn đề của ông với Đại sứ Ukraine tại Mỹ, người mà ông nói rằng đã lập tức triệu hồi về nước sau khi tung hàng loạt lời chỉ trích nhằm vào ông.
Có nhiều thời điểm mà dường như có một thế lực muốn loại bỏ bà Yovanovitch khỏi vị trí Đại sứ Mỹ tại Ukraine. Cựu nghị sĩ Pete Sessions từng gửi một bức thư cho Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi tháng 5/2018 để yêu cầu ông sa thải bà Yovanovitch.
Bức thư có đoạn: "Tôi đã nhận được một số người thân cận thông báo về bằng chứng vững chắc cho thấy Đại sứ Yovanovitch đã nhiều lần thể hiện sự khinh miệt đối với chính quyền hiện tại, theo cách mà chúng ta có thể kêu gọi sa thải bà Yovanovitch khỏi vị trí Đại sứ Mỹ tại Ukraine ngay lập tức".
Được biết, ông Sessions viết bức thư trên sau khi nhận được khoản tiền quyên góp 20.000 USD cho chiến dịch của ông từ Lev Parnas và Igor Fruman - những người cố tình che đậy khoản đóng góp, khiến nó được xem là đến từ một công ty năng lượng có trụ sở tại bang Florida. Parnas, Fruman cùng các đồng sự đã bị bắt giữ trong hôm thứ Tư vừa qua vì các cáo buộc vi phạm quy định tài chính chiến dịch, trong đó từng đóng góp lượng ngoại tệ trị giá hàng trăm nghìn USD cho các tổ chức của đảng Cộng hòa.
Trả lời phỏng vấn với tờ Dallas Morning News, ông Sessions đã bác bỏ cáo buộc cho rằng 2 nhân vật trên là động lực để ông tìm cách sa thải bà Yovanovitch. "Động cơ đằng sau việc gửi bức thư trên của tôi là, tôi tin rằng những chính trị gia được chỉ định vị trí trong chính quyền không nên làm mất uy tín của Tổng thống, đặc biệt khi đang làm việc ở nước ngoài" - ông nói, nhưng từ chối công khai danh tính nguồn tin mà ông nhận được về việc bà Yovanovitch có lời lẽ khinh miệt chính quyền.
Bà Yovanovitch đã tham gia phiên điều trần bất chấp chính sách của Nhà Trắng hiện nay là các quan chức Bộ Ngoại giao không nên tham gia, hợp tác với nỗ lực luận tội của phe Dân chủ và cũng không tham gia điều trần. Hiện bà Yovanovitch vẫn đang làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ.
Trong phát ngôn đưa ra trước phiên điều trần, vị cựu Đại sứ được cho là đã bác lại các cáo buộc cho rằng bà không tham gia tích cực vào các cuộc điều tra tham nhũng. "Ý kiến cho rằng tôi tự tạo nên một danh sách những người "không được khởi tố" là hoàn toàn sai lệch" - bà Yovanovitch nói.
Bà Yovanovitch cũng khẳng định chắc chắn rằng bà chưa từng chỉ trích Tổng thống theo cách không chuyên nghiệp, hoặc từng làm bất cứ thứ gì như kháng lệnh ông. Trong khi đó, những người có quen biết với bà tại Ukraine cũng nói với hãng Buzzfeed News rằng họ chưa từng nghe thấy bà nói điều gì gây mất uy tín của ông Trump.
Nhấn mạnh về việc bản thân rất ít tiếp xúc với luật sư riêng của ông Trump - Rudy Giuliani - bà Yovanovitch nói rằng sự thù địch của ông Giuliani đối với bà có thể là do "những cá nhân có liên hệ với ông Giuliani, như báo chí đã nêu tên, tin rằng tham vọng tài chính của họ bị đe dọa bởi chính sách chống tham nhũng của chúng tôi ở Ukraine". Bà Yovanovitch đề cập tới Lev Parnas và Igor Fruman.
Theo bà Yovanovitch, vào mùa Xuân năm nay, bà được lệnh lập tức trở về nước Mỹ chỉ để nghe thông báo rằng Tổng thống Trump đã mất niềm tin vào khả năng công tác của bà. Bà nói rằng có một "chiến dịch được dàn dựng" để chống lại bà. "Bộ Ngoại giao đã liên tục chịu sức ép từ Tổng thống để loại bỏ tôi kể từ mùa Hè năm 2018" - bà Yovanovitch nói, thêm rằng không có lý do chính đáng gì để sa thải bà như vậy.
Từ câu chuyện của bà Yovanovitch, một số câu hỏi được đặt ra: Tại sao mà có một số người muốn loại bỏ bà Yovanovitch, và có phải Tổng thống Trump đã lợi dụng quyền lực của mình để dẫn tới việc sa thải bà hay không? Nếu được chứng thực, đây sẽ là vấn đề có khiến ông Trump bị luận tội.
Theo National Interest