Trong số các nhà lãnh đạo của nước Mỹ, đến nay chỉ có 2 người từng bị luận tội nhưng cả hai đều không bị phế truất do bị Thượng viện chặn đứng. Tổng thống Andrew Johnson từng bị luận tội vào năm 1872 vì vi phạm Đạo luật Nhiệm kỳ Quan chức Chính phủ (Tenure of Office Act) sau khi ông sa thải một vị bộ trưởng mà không được Quốc hội phê chuẩn. Tổng thống Bill Clinton cũng từng bị luận tội vào năm 1998 do bê bối tình ái với một nhân viên thực tập.
Trong suốt thế kỷ 20, có ít nhất 4 nhà lãnh đạo trên thế giới từng bị luận tội. Trong số này có cả Tổng thống Iran Abolhassan Banisadr vào năm 1981, Tổng thống Brazil Fernando Collor de Mello vào năm 1992, Tổng thống Venezuela Carlos Andres Perez vào năm 1993 và Tổng thống Liên Xô/Nga Boris Yeltsin vào các năm 1993 và 1999.
Tuy nhiên, kể từ lúc bắt đầu thế kỷ này đến nay, có tới 8 vụ luận tội đã xảy ra và tất cả đều dẫn đến kết quả phế truất.
Tổng thống Philippines Joseph Estrada
Tổng thống Philippines Joseph Estrada (Ảnh: Newsweek)
|
Trước khi nhậm chức, ông Estrada đã là một diễn viên nổi tiếng, sau đó giành chiến thắng trong kỳ bầu cử năm 1998. Năm 2000, vị chính trị gia xuất thân từ giới showbiz này phải đối mặt với nhiều cáo buộc tham nhũng vì bỏ túi gần 12 triệu USD tiền lại quả, phần lớn là từ hoạt động cờ bạc trái phép. Con số này sau đó đã lên tới hơn 60 triệu USD, khi một tài khoản ngân hàng bí mật của ông bị vạch trần. Nhưng cuối cùng, ông Estrada giành chiến thắng pháp lý và giữ vững quyền lực.
Dù quá trình luận tội thất bại, nhưng vụ bê bối làm dấy lên sự phẫn nộ trong dư luận Philippines, gây chia rẽ chính trị và cuối cùng khiến những người ủng hộ quay lưng với ông Estrada. Rất nhiều người dân Philippines đổ ra đường biểu tình, cuối cùng khiến ông Estrada phải từ chức, dọn đường cho cấp Phó của ông là bà Gloria Macapagal Arroyo lên kế vị.
Tổng thống Peru Alberto Fujimori
Tổng thống Peru Alberto Fujimori (Ảnh: Getty)
|
Chả đẻ của cái gọi là chính sách “Fujishock” có thể đã thành công trong cuộc chiến chống siêu lạm phát và làn sóng phiến quân trong nước, nhưng ông lại phải đối mặt với nhiều cáo buộc biển thủ quỹ nhà nước cùng tội ác chiến tranh. Khi sức ép ngày càng tăng, Tổng thống Fujimori đã phải chạy trốn về Nhật Bản – quê hương ông – và sau đó đệ đơn từ chức qua một bản fax.
Các nhà lập pháp Peru lúc bấy giờ không chấp nhận đơn từ chức của ông. Họ luận tội ông vì “thiếu tư cách đạo đức”, và sau khi cả hai cấp phó của ông từ chức, Chủ tịch Quốc hội Valntin Paniagua lên làm Tổng thống.
Ông Fujimori bị bắt giữ năm 2005 trong một chuyến thăm Chile, và vào năm 2007 bị trúc xuất về nước, nơi mà ông bị kết án liên quan tới các hoạt động tài chính phi pháp và lạm dụng nhân quyền. Ông được ân xá vào năm 2017, nhưng ngay năm sau quyết định này bị lật lại và cuối cùng chính thức bị hủy bỏ.
Tổng thống Indonesia Abdurrahman Wahid
Tổng thống Indonesia Abdurrahman Wahid (Ảnh: Getty)
|
Năm 1999, ông Wahid trở thành lãnh đạo dân cử đầu tiên của Indonesia sau khi Tổng thống Suharto từ chức. Ông Wahid tìm cách đảo ngược nhiều chính sách dưới thời Suharto, nhưng lại đối mặt với sự phản khác từ tầng lớp chính trị tinh túy và các lãnh đạo quân đội. Cuộc đấu đá nội bộ từ đó tăng nhiệt.
Ông Wahid cũng đối mặt với nhiều cáo buộc tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu, trong đó có cáo buộc ông biển thủ 4 triệu USD từ một cơ quan lương thực nhà nước có tên là Bulog. Vụ việc này lúc bấy giờ được đặt tên là “Buloggate” – ăn theo vụ bê bối Watergate nổi tiếng ở nước Mỹ, khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức năm 1974 để tránh bị luận tội.
Mất tầm kiểm soát, ông Wahid tìm cách giải tán nội các và cuối cùng còn định tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Một trong số những vị bộ trưởng trong chính quyền của ông, Susilo Bambang Yudhoyono, đã phản đối các nỗ lực trên, và các nhà lập pháp sau đó bỏ phiếu luận tội ông. Lực lượng quân đội đã bao vây phủ Tổng thống vào tháng 7/2001. Phó Tổng thống Megawati Sukarnoputri thay thế ông Wahid, nhưng rồi bị ông Yudhoyono đánh bại trong kỳ bầu cử năm 2004.
Tổng thống Lithuania Rolandas Paksas
Tổng thống Lithuania Rolandas Paksas (Ảnh: AFP)
|
Ông Paksas từng là một phi công chiến đấu, một diễn viên nhào lộn và doanh nhân trước khi gia nhập đảng cánh hữu Liên minh Tổ quốc (Homeland Union) dù bản thân có quan điểm cánh tả, sau đó được chỉ định vị trí Thủ tướng năm 1999. Vài tháng sau, ông từ chức để phản đối việc Lithuania bán một nhà máy lọc dầu lớn cho một công ty của Mỹ, nhưng đến năm tiếp theo lại trở thành Thủ tướng sau khi gia nhập đảng Liên minh Tự do Lithuania.
Năm 2002, ông lại chuyển sang đầu quân cho đảng Trật tự và Công lý có đường lối bảo thủ, và trở thành Tổng thống năm 2003. Ông tìm cách thúc đẩy nền kinh tế nước nhà thông qua các cuộc cải cách mang hơi hướng tân tự do, nhưng rồi nhanh chóng phải đối mặt với nhiều cáo buộc do có dính líu tới băng nhóm tội phạm Nga, việc ông trao quyền công dân cho doanh nhân người Nga Yuri Borisov sau khi người này quyên góp trái phép 400.000 USD cho chiến dịch tranh cử của ông. Ông Paksas bị luận tội vào tháng 4/2004.
Tổng thống Paraguay Fernando Lugo
Tổng thống Paraguay Fernando Lugo (Ảnh: AFP)
|
Việc ông Lugo đắc cử năm 2008 ở Paraguay đã chấm dứt hơn 6 thập kỷ thống trị của đảng cánh hữu Colorado và đnahs dấu kỳ chuyển giao quyền lực hòa bình đầu tiên ở nước này tính từ ngày độc lập cách đó gần 2 thế kỷ. Từng là một vị cha xứ Công giáo, ông Lugo tuyên bố không nhận lương Tổng thống và thêm rằng ông sẽ cải thiện cuộc sống của người dân thuộc giai tầng thấp của xã hội.
Thế nhưng, một cuộc đụng độ đẫm máu giữa lực lượng hành pháp mà giới nhân công không sở hữu đất đai hồi tháng 6/2012 đã thay đổi số phận của ông Lugo. Hạ viện Paraguay ra quyết định luận tội ông Lugo, quyết định này được Thượng viện thông qua. Ông Lugo bị phế truất, dù cho những người ủng hộ ông cho rằng sự việc trên bắt nguồn từ một couojc đảo chính của phe cánh hữu.
Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych
Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych (Ảnh: AFP)
|
Ông Yanukovych ban đầu giữ vị trí Thủ tướng vào năm 2002 và lần đầu tiên được tuyên bố trở thành Tổng thống Ukraine vào năm 2004, nhưng cục điện thay đổi khi ông để mất chức vụ cao nhất vào tay ứng viên độc lập Viktor Yushchenko trong bầu cử. Phải đến năm 2010, ông Yanukovych mới giành được chức Tổng thống.
Năm 2013, việc ông Yanukovych bác thỏa thuận hợp tác với EU cùng nhiều cáo buộc liên quan tới lạm dụng quyền lực đã khiến những người có tư tưởng thân phương Tây phẫn nộ. Năm 2014, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình “Euromaidan” và lực lượng an ninh bùng phát. Ông Yanukovych trốn sang Nga với lý do lo bản thân bị đe dọa và Quốc hộ Ukraine bỏ phiếu luận tội ông sau đó.
2 tháng sau, Hunter Biden – con trai cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden – tham gia ban lãnh đạo của Burisma Holdings, công ty dầu khí nhà nước lớn nhất ở Ukraine, làm dấy lên hàng loạt sự kiện mà giờ Tổng thống Trump đang lấy làm mục tiêu để điều tra. Cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, Paul Manafort, bị kết án hồi đầu năm nay cũng vì có dính líu tới cáo buộc ông từng vận động tranh cử cho ông Yanukovych.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff (Ảnh: AFP)
|
Bà Rousseff trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Brazil vào tháng 1/2011. Hồi trẻ bà từng bị tống giam vì chiến đấu cho một tổ chức nổi dậy cánh tả, nhưng sau đó trở thành một nhà kinh tế học có vị trí ảnh hưởng lớn trong chính trường. Chiến dịch tranh cử Tổng thống của bà nhận được sự ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế.
Đến năm 2015, các cuộc biểu tình quy mô lớn bùng phát ở quốc gia Nam Mỹ sau khi xuất hiện nhiều cáo buộc rằng bà Rousseff dính líu tới hoạt động tham nhũng khi còn làm việc tại công ty năng lượng quốc doanh Petrobras. Bà cố gắng tách mình khỏi vụ bê bối này, nhưng các đối thủ chính trị lại quyết định luận tội bà bằng được. Cuối cùng vào tháng 8/2016, dựa trên cáo buộc vi phạm luật ngân sách khi rút tiền khỏi các ngân hàng nhà nước để chi tiêu công, bà Rousseff đã bị luận tội.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (Ảnh: Getty)
|
Cũng là nữ Tổng thống đầu tiên ở đất nước của mình, bà Park - còn được mệnh danh là “Nữ hoàng bầu cử” - đã đưa ra quan đường lối bảo thủ khi nhậm chức vào năm 2013. Bà tìm cách tăng cường quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn và làm mới cam kết hướng tới hòa bình và thống nhất với Triều Tiên.
Tuy nhiên, vào tháng 10/2016, nhiều báo cáo xuất hiện cho rằng một trong số các cố vấn của bà, bà Choi Soon-sil, nhận tiền hối lộ từ giới doanh nghiệp. Bà Choi là con gái của người đứng đầu một giáo phái tên Choi Tae-min và được cho là có tầm ảnh hưởng lớn tới các quyết sách của bà Park. Bà Park sau đó phải công khai xin lỗi, thế nhưng cũng không thể dập tắt được sự phẫn nộ của người dân Hàn Quốc. Các nhà lập pháp tiến hành luận tội bà, và quá trình này nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong Quốc hội. Đến tháng 3/2017, việc luận tội được thông qua tại Tòa án Hiến pháp ở thủ đô Seoul. Bà Park và bà Choi đều bị bắt giữ và tống giam.
Theo Newsweek