Đây là chia sẻ của ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tại buổi làm việc giữa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM với ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ngày 9/6.
Tính đến hết tháng 4/2016, nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM tăng thêm 9.122 tỷ đồng so với cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu chiếm 4,47% trong tổng dư nợ tín dụng . Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm cao nhất tới 72%.
Nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM tập trung chủ yếu vào các ngân hàng cơ cấu lại.
Riêng 03 ngân hàng 0 đồng: ngân hàng Xây Dựng (CB), ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) có tổng số nợ xấu là 20.388 tỷ đồng, chiếm 35,4% tổng nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM. Đây là những khoản nợ xấu rất khó xử lý và gắn liền với quá trình tái cơ cấu của các ngân hàng này.
Nếu loại trừ nợ xấu của 03 ngân hàng 0 đồng trên thì tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng TMCP trên địa bàn chỉ ở mức 2,9%.
Đến cuối tháng 4/2016, các ngân hàng TMCP trên địa đã xử lý được 12.246 tỷ đồng nợ xấu, trong đó xử lý bằng tiền là 936 tỷ đồng, xử lý bằng dự phòng rủi ro là 1.580 tỷ đồng. Bán tài sản để thu hồi nợ là 84 tỷ đồng.
Nợ xấu đã bán cho VAMC là 3.449 tỷ đồng.
Như vậy, trong 03 năm qua, tổng số nợ xấu mà các ngân hàng tại TP.HCM đã bán cho VAMC là 64.584 tỷ đồng, riêng trong năm 2014 bán được 23.073 tỷ đồng, năm 2015 bán được 27.303 tỷ đồng.
Do vậy, hiện nay ngành ngân hàng đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã xây dựng được chương trình phối hợp giữa các ngân hàng TMCP và cơ quan Thi hành án TP.HCM cùng hợp tác xử lý nợ xấu.
Sự phối hợp này được triển khai 1 quý/lần để cùng tháo gỡ vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo của những khoản nợ xấu.
Bên cạnh đó, các ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện tái cơ cấu bước đầu ổn định, chỉ còn lại ngân hàng TMCP: Đông Á (DongABank) và Xuất Nhập Khẩu (Eximbank).
Theo Bizlive