Nhận kết quả dương tính với SARS-COV-2, người dân phải làm gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sở Y tế Hà Nội vừa hướng dẫn những việc F0 cần làm khi nhận kết quả dương tính và cách ly, điều trị tại nhà.
Các bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân (Ảnh - Minh Nhân)
Các bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân (Ảnh - Minh Nhân)

Theo Sở Y tế Hà Nội, khi nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-COV-2, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

Đi thẳng về nhà hoặc nơi lưu trú bằng xe cá nhân, không nên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Luôn đeo khẩu trang y tế trong suốt quá trình di chuyển và giữ khoảng cách an toàn với người khác.

Khi về đến nhà, chọn nơi tự cách ly phù hợp và bắt đầu cách ly, gọi điện thoại khai báo với Trạm y tế hoặc Tổ COVID cộng đồng hoặc trưởng ấp/khu phố, Tổ dân phố/Tổ nhân dân trên địa bàn cư trú để được hướng dẫn tiếp theo.

Điều kiện để F0 cách ly, điều trị tại nhà

F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ (không có suy hô hấp: SpO₂ ≥ 97% khi thở khí trời, nhịp thở ≤ 20 lần/phút), đã tiêm đủ 2 mũi vaccine; Trường hợp chưa tiêm vaccine thì ở độ tuổi từ 3 tháng đến 49 tuổi, không có bệnh nền, không đang mang thai, không béo phì,...

Người F0 cách ly tại nhà cần có khả năng tự chăm sóc bản thân. Trường hợp người F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc cá nhân được thì cần phải có người hỗ trợ chăm sóc.

F0 cần chuẩn bị vật dụng cần thiết: Khẩu trang y tế: ít nhất 2 cái/ngày, đủ dùng trong 2-3 tuần; có bồn nước rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; dung dịch nước muối sinh lý để súc họng, rửa mũi.

Khu vực khám sàng lọc COVID-19 (Ảnh - Minh Nhật)

Khu vực khám sàng lọc COVID-19 (Ảnh - Minh Nhật)

Vật dụng cá nhân dùng riêng cho người F0; nhiệt kế, thiết bị đo SpO₂, máy đo huyết áp (nếu có); thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy.

Thuốc điều trị tại nhà của F0 là thuốc điều trị COVID-19 do Trạm y tế cấp phát và sử dụng đúng theo hướng dẫn (trường hợp chưa được cấp phát cần liên hệ ngay Trạm y tế); thuốc đang điều trị bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, hen phế quản…).

F0 khi cách ly tại nhà không nên bi quan, giữ tâm lý luôn thoải mái. Khi gặp khó khăn, liên hệ bác sĩ để được tư vấn từ xa, tự theo dõi sức khỏe: đo thân nhiệt, đếm nhịp thở, đo SpO₂ (nếu có) ít nhất 2 lần/ngày, hoặc khi cảm thấy mệt, khó thở.

Khai báo y tế hằng ngày trên hệ thống theo dõi sức khỏe F0 tại nhà theo đường link https://chamsocsuckhoe.hanoi.gov.vn/landingpage hoặc theo mã QR Code, khẩu trang liên tục, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên.

Rửa mũi, súc họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

Thường xuyên tập thở, vận động nâng cao sức khỏe. Uống đủ nước hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy.

Không bỏ bữa, tăng cường dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, tăng cường trái cây tươi, rau xanh.

Nơi cách ly phải thông thoáng, không sử dụng máy lạnh trung tâm; thường xuyên làm vệ sinh các bề mặt, vật dụng, nhà vệ sinh.

Những điều F0 không nên làm

F0 không được tự ý rời khỏi nơi cách ly, không sử dụng chung vật dụng với người khác. KHÔNG ăn uống cùng với người khác, không tiếp xúc gần với người khác hoặc vật nuôi. Trường hợp cần có người chăm sóc, người chăm sóc phải đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, rửa tay/sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc.

Các dấu hiệu F0 cần báo ngay cho y tế địa phương:

Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.

Nhịp thở tăng: ≥ 21 lần/phút đối với người lớn; ≥ 40 lần/phút đối với trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi; ≥ 30 lần/phút đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. SpO₂ ≤ 95% (nếu có).

Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút.

Bác sĩ đo nhiệt độ cho người dân (Ảnh - Minh Thuý)

Bác sĩ đo nhiệt độ cho người dân (Ảnh - Minh Thuý)

Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có).

Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.

Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân, không thể uống.

Trẻ em bú kém/giảm, ăn kém, nôn.

Trẻ có biểu hiện: Sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ, ngón tay chân sưng phù nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết,...