Nhận diện cán bộ “cõng rắn cắn gà nhà”

VietTimes -- Mặc dù Nhà nước đã ban hành rất nhiều luật và các văn bản dưới luật để chỉ đạo thi hành, mặc dù đội ngũ cán bộ rất đông, được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hết sức bài bản, tốn kém, nhưng thật đáng buồn là trong số đó vẫn có những cán bộ, công chức hành dân, tạo điều kiện để kẻ xấu hại dân. 
Người dân cơ sở gọi một số cán bộ cơ hội cán bộ “cõng rắn cắn gà nhà” liệu có đúng?
Người dân cơ sở gọi một số cán bộ cơ hội cán bộ “cõng rắn cắn gà nhà” liệu có đúng?

Nhận diện, xử lý ngay những cán bộ “cõng rắn căn gà nhà” hay những đối tượng “lờ lờ nước hến” là cách tốt nhất để xây dựng chính quyền tinh, gọn, mạnh, phục vụ nhân dân hiệu quả hơn.

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc của Ban chỉ đạo 138 và Ban chỉ đạo 389 ngày 25/7/2019, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - Cục trưởng Cảnh sát kinh tế (C03-Bộ Công an) - khẳng định: “Chúng tôi thống kê 25 địa phương có biên giới vùng biên trong 6 tháng đầu năm, chỉ có 6 địa phương khởi tố án buôn lậu…”.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại hội nghị.

 Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại hội nghị.

Cứ theo thông tin này thì rõ ràng là 19 địa phương còn lại trong diện được thống kê hoặc là quá thờ ơ, lơ là với nhiệm vụ, hoặc là chủ ý và cố tình “bỏ gôn” để các đối tượng buôn lậu được “rộng đường” làm nghiệp lớn.

Nếu quả thật những phân tích, nhận định trên có cơ sở và là hiện thực thì nền kinh tế, thương mại, sản xuất trong nước quả gặp nguy hiểm quá lớn. Nhiều chuyên gia nhận định, nếu hiện tượng buôn lậu được bảo kê và phát triển thì dù có đến 72 phép thần thông biến hóa của Tôn Ngộ Không và có người "chèo đò" giỏi cỡ nào cũng không thể làm cho nền sản xuất hàng hóa và thương mại trong nước bớt thoi thóp.

Lời Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu quả ứng nghiệm khi ngay ngày hôm sau (26/7), 500 người dân phường An Khê (Thanh Khê, Đà Nẵng), trong đó hầu hết là phụ nữ lớn tuổi kéo đến UBND phường này đòi kiện Chủ tịch UBND vì ký giấy giới thiệu để Công ty TNHH Tổ chức sự kiện và Truyền thông Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu) có trụ sở tại phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, bán hàng kém chất lượng, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Sự việc này hiện vẫn đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Đầu tuần này, chị Nguyễn Thị Hòa ở Lương Tài (Bắc Ninh) than thở với tôi rằng thời gian gần đây có công ty tổ chức hội thảo và bán hàng rất kỳ cục hoạt động ở địa phương này. Họ tổ chức hội thảo trong những ngôi nhà kín và thành phần mời là người già về hưu. Ngay cái chuyện mời nhân sự tới dự cũng rất khác thường, hoàn toàn bằng con đường rỉ tai và với lời hứa hẹn được tặng những món quà hấp dẫn.

Nhiều cụ già đã nghe họ nói chuyện, chào mời và mua các loại hàng có nguồn gốc từ củ sâm của Hàn Quốc với giá rất đắt. Tuy nhiên, theo chị Hòa, đó là những sản phẩm nhập lậu vì không có bất cứ nhãn mác, giấy kiểm định an toàn của cơ quan chức năng nhà nước.

Chuyện chính quyền địa phương cho phép các cuộc hội thảo kết hợp bán hàng và thâm chí còn viết giấy mời, thông báo trên loa truyền thanh tới từng hộ dân rất trang trọng đã xảy ra trong nhiều năm gần đây ở nhiều địa phương trong cả nước. Nói thẳng ra, đó là hành vi tiếp tay cho buôn lậu và gian lận thương mại. Ấy nhưng, điều lạ là những việc ấy cứ mặc nhiên tồn tại mà chẳng thấy cơ quan chức năng nào đứng ra dẹp bỏ.

Bộ sản phẩm tiết kiệm năng lượng một người dân bị dụ mua trong một hội thảo bán hàng trá hình.

Bộ sản phẩm tiết kiệm năng lượng một người dân bị dụ mua trong một hội thảo bán hàng trá hình.

Từ những việc này, câu hỏi đặt ra là, động cơ nào để cán bộ các địa phương cho phép những doanh nghiệp “treo đầu dê, bán thịt chó” lộng hành tại địa phương, làm hại người dân do chính những cán bộ ấy quản lý? Chẳng nhẽ, khi nhìn thấy hiện tượng người dân của chính địa phương mình đang quản lý bị dụ dỗ, mua hàng giả, hàng nhái, hàng rởm, hàng kém chất lượng... có giá trị sử dụng thấp nhưng với giá cắt cổ mà những cán bộ ấy không xót đau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vì lòng yêu nước, vì tình yêu thương con người đã tay trắng rời bến Nhà Rồng tìm đường cứu nước. Cách mạng thành công và những cuộc kháng chiến thắng lợi đã đem lại độc lập, chủ quyền, tự do cho người dân.

Phát huy truyền thống cách mạng của thế hệ tiền bối, trong thời bình, sẽ là hợp lý nếu những cán bộ của Đảng, những người đứng đầu bộ máy hành chính ở các địa phương rốt ráo tìm kiếm thông tin, tìm cách phát huy lợi thế, thế mạnh, huy động nhân dân làm ra các sản phẩm đỉnh cao, bán ra thị trường, mang lại nguồn thu cho người lao động, để nhân dân làm giàu.   

Tuy nhiên, trái ngược với việc làm hợp quy luật, hợp truyền thống và đạo lý ấy là những cán bộ chỉ cốt chăm chăm tìm cách đạt được lợi ích bằng mọi giá. Có hàng nghìn cách thức và chiêu trò khác nhau để cán bộ làm giàu từ chính vị trí công tác. Người dân ra thành phố làm thuê kiếm sống để những cánh đồng hoang hóa trong đó có phần trách nhiệm rất lớn của các thế hệ cán bộ cơ sở trong việc lo cho dân.

Những “đại án” tham nhũng bị lôi ra ánh sáng thời gian gần đây chính là nỗi đau cho hồng phúc của dân tộc. Nhưng con người “đẻ ra” những đại án bị pháp luật trừng trị, bị xã hội lên án đã là một nhẽ nhưng những việc tưởng chừng còn con, nhỏ như việc cấp phép, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán hàng rởm, bóp cổ người dân thì có ai, cơ quan nào đứng ra xử lý?

Thế nên, những sai phạm nhỏ ấy cứ mặc nhiên tồn tại, giống như loài chim, loài chuột gặm nhấm và làm niềm tin của nhân dân bị rơi rụng, mục ruỗng.

Có lẽ đã đến lúc người dân phải vạch mặt, chỉ tên những kẻ “nuôi ong tay áo”, tích cực “gạn đục khơi trong”, tìm cho ra những người vì nước, vì dân, tận tâm với sự phát triển của địa phương thì mới mong có cuộc sống hạnh phúc dài lâu.