Kết quả kinh doanh năm 2018 nhiều điểm nhấn
CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) vừa công bố kế quả hoạt động kinh doanh năm 2018 với nhiều điểm nhấn, nối tiếp chu kỳ kéo dài 5 năm liên tiếp ghi nhận tăng trưởng đạt trên 50%/năm cả về doanh thu và lợi nhuận.
Thương vụ trái phiếu 6.000 tỷ đồng của “ông chủ” khách sạn Daewoo |
So với nhiều công ty chứng khoán khác, TCBS đã tạo dựng được vị thế riêng (nếu không muốn nói là dẫn đầu) trong hoạt động tư vấn phát hành và môi giới trái phiếu. Đây cũng chính là động lực chính đóng góp vào sự tăng trưởng của công ty trong nhiều năm qua.
|
Chỉ riêng trong Quý 4/2018, CTCP Chứng khoán Kỹ Thương ghi nhận giá trị giao dịch trái phiếu chiếm áp đảo (Nguồn: TCBS)
|
Về cơ cấu doanh thu, đóng góp nhiều nhất vào doanh thu của TCBS đến từ nghiệp vụ Tư vấn tài chính doanh nghiệp với 1.228 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm trước.
Theo TCBS, nguyên nhân của đà tăng trưởng này đến từ việc phát hành thành công hơn 61.992 tỷ đồng trái phiếu cho các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, tăng 79% so với tổng khối lượng 34.637 tỷ đồng đạt được trong năm 2017. Cần lưu ý rằng, trong cả giai đoạn 2014 - 2017, TCBS mới phát hành được 99.000 tỷ đồng trái phiếu (bình quân 24.750 tỷ đồng/năm). Trong đó, TCBS đã tư vấn phát hành cho một số khách hàng tiêu biểu như: CTCP Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC), CTCP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN), CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh (Mã CK: CII), VIPD Group...
Không chỉ khách hàng tổ chức, các sản phẩm dành cho nhà đầu tư cá nhân của TCBS cũng đánh dấu những sự phát triển tốt trong năm qua.
Cụ thể, nghiệp vụ Sản phẩm đầu tư cá nhân (bao gồm 3 sản phẩm chủ đạo là: trái phiếu, quỹ đầu tư và cổ phiếu) của TCBS cũng ghi nhận tổng khối lượng bán ra năm 2018 đạt khoảng 34.363 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, sản phẩm trái phiếu dành cho khách hàng cá nhân (iBond) có mức tăng trưởng 28%, được cho là đã giúp công ty duy trì vị thế dẫn đầu về thị phần môi giới trái phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong năm 2018 với 81,7% thị phần.
Theo ghi nhận của TCBS, nếu như năm 2017 có 13.489 khách hàng đầu tư sản phầm này với tổng doanh số đạt 34.186 tỷ đồng, thì tính tới cuối năm 2018, con số này đã tăng lên lần lượt là 20.000 khách hàng và đạt 55.000 tỷ đồng doanh số.
Ngoài ra, hoạt động đầu tư trái phiếu cũng giúp cho Quỹ Trái phiếu Techcom (TCBF) do TCBS phân phối, kết thúc năm 2018 với vị thế của quỹ đầu tư nội địa có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam khi giá trị tài sản ròng (NAV) đạt mức 6.622 tỷ đồng.
|
Tóm tắt kết quả kinh doanh năm 2018 của CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (Nguồn: TCBS) |
Đằng sau bài toán thanh khoản
Việc thu hút được nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu, nơi vẫn được coi là “sân chơi” của các nhà đầu tư tổ chức, quỹ đầu tư lớn là một điểm nhấn đáng chú ý khác của TCBS.
Các sản phẩm iBond đa phần là những trái phiếu có mức lãi suất hấp dẫn và được phát hành bởi những doanh nghiệp có vị thế, đã tạo dựng được uy tín trên trên thị trường như: Vingroup, Masan, Novaland...
Bên cạnh đó, TCBS cũng cung cấp nhiều phương án nhằm giải quyết vấn đề thanh khoản, đáp ứng nhu cầu tiền mặt của khách hàng khi cần thiết.
Trong trường hợp khách hàng cần tiền nhưng chưa muốn bán trái phiếu, TCBS cũng giới thiệu một giải pháp khả dĩ khác, đó là "khách hàng có thể cầm cố sản phẩm trái phiếu iBond để đi vay tại Techcombank".
Nếu sử dụng phương pháp này một cách linh hoạt, khách hàng có thể thế chấp trái phiếu để đổi lấy những khoản vay ngắn hạn, giải quyết nhu cầu tiêu dùng cá nhân.
Dù không công bố rõ mức chiết khấu hay những chi phí liên quan cụ thể, tuy nhiên, giải pháp này có nhiều ý nghĩa đối với những nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ trái phiếu có lãi suất cao vượt trội so với mặt bằng chung. Bởi lẽ, những lô trái phiếu như vậy không phải lúc nào cũng sẵn có và tranh mua được (mỗi lô trái phiếu thường có một hạn mức nhất định) trên thị trường.
Bên cạnh đó, đứng dưới góc độ ngân hàng, Techcombank (đơn vị đang sở hữu 99,99% vốn điều lệ của TCBS) cũng có thêm một phương án để cung cấp tài chính cho các đối tượng (các nhà đầu tư cá nhân) có nhu cầu về vốn trong nền kinh tế.
Mặt khác, ngân hàng này cũng đang có xu hướng nắm giữ nhiều giấy tờ có giá hơn để làm tài sản thế chấp. Tỷ trọng về mặt giá trị của loại tài sản này thường chỉ đứng sau bất động sản và các tài sản đảm bảo khác.
Trong năm 2018, giá trị của các tài sản này có lúc tăng lên mức 102.839 tỷ đồng (ngày 30/6/2018) trước khi giảm về mức 95.954 tỷ đồng (chiếm 20% tổng giá trị các tài sản đảm bảo) vào cuối Quý 3/2018.
Dù có sự sụt giảm, con số này vẫn lớn hơn nhiều so với quy mô nắm giữ của Vietcombank - một trong những ngân hàng có quy mô tín dụng lớn nhất hệ thống - với 77.672 tỷ đồng (tính đến ngày 30/9/2018). Bên cạnh đó, tỷ trọng của giấy tờ có giá chỉ chiếm 5,6% tổng giá trị các tài sản đảm bảo của ngân hàng này, thấp hơn rất nhiều so với Techcombank.
Nếu xét về hoạt động cho vay chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá, tính đến ngày 30/6/2018, quy mô cho vay loại hình này của Techcombank đạt 1.326 tỷ đồng (trên 166.700 tỷ đồng tổng dư nợ), chỉ thua kém một số ngân hàng lớn như: VietinBank với 1.723 tỷ đồng (trên 867.566 tỷ đồng tổng dư nợ) và Vietcombank với 4.576 tỷ đồng (trên 606.052 tỷ đồng tổng dư nợ).
Với sự hỗ trợ từ ngân hàng mẹ, TCBS đang có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, đối với một thị trường trái phiếu còn nhiều tiềm năng, cơ hội vẫn còn với các công ty chứng khoán khác./.