Nhà xe đối thoại "nảy lửa" với Hà Nội: Lỗi do quy hoạch thiếu tầm nhìn

VietTimes -- Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường thừa nhận sự việc các nhà xe không tuân thủ kế hoạch điều chuyển luồng, tuyến của Hà Nội lỗi đầu tiên là do quy hoạch thiếu tầm nhìn.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường thừa nhận quy hoạch thiếu tầm nhìn.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường thừa nhận quy hoạch thiếu tầm nhìn.

Phá sản vì xe dù

Chiều 3/1, Bộ GTVT phối hợp với UBND TP. Hà Nội đối thoại với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sau sự kiện sáng sớm ngày 28/2, có khoảng gần 100 xe chạy các tuyến Nam Định – Hà Nội, Thái Bình – Hà Nội phản đối lệnh điều chuyển tuyến vận tải của Sở GTVT Hà Nội.

Cuộc đối thoại diễn ra trong không khí khá căng thẳng, thậm chí nhiều lúc doanh nghiệp đồng loạt cắt ngang lời, yêu cầu ông Vũ Văn Viện - GIám đốc Sở GTVT Hà Nội - rời khỏi bục phát biểu vì phản ứng với quan điểm của ông này  

Theo ông Nguyễn Văn Thạch, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Nam Định, các doanh nghiệp đã thực hiện việc điều chuyển tuyến theo kế hoạch của Sở GTVT. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động thấy rằng việc điều chuyển chưa hợp lý, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, thiệt hại đến kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Thạch cho biết, một doanh nghiệp có 10 đầu xe tháng thứ nhất thua lỗ 325 triệu đồng, tháng thứ hai lỗ 270 triệu đồng. Hiện nay tổng số xe chạy tuyến Nam Định, Thái Bình – Hà Nội là 150 xe. Vậy trong hai tháng qua, mức độ thiệt hai vô cùng lớn.

Đặc biệt, sau khi phân luồng tuyến Sở GTVT Hà Nội lại đã cấp phép rất nhiều cho loại xe Limousine loại 9, 16 chỗ hoạt động. Các loại xe này hợp đồng là xe du lịch nhưng vẫn chuyển hành khách cố định dẫn đến tình trạng xe trá hình, xe dù, bến cóc,... nhức nhối. Các doanh nghiệp kinh doanh xe khách đang rơi vào tình trạng phá sản vì kế hoạch phân luồng, tuyến của Hà Nội.

Bà Hồ Thị Hoàng, GĐ Công ty vận tải Hoàng Thương (Thanh Hóa) khẳng định, vì kế hoạch phân luồng, tuyến của Sở GTVT Hà Nội đã gây nên hiện tượng xe dù, bến cóc ngày càng phức tạp, xuất hiện nhiều xe dù đến tận nơi đón khách, quảng cáo cả trên facebook.

Ông Hà Văn Quang, Giám đốc công ty Hà Sơn Hải chạy tuyến Thanh Hóa – Hà Nội cho biết, xe Limousine luồn lách khắp ngõ phố để đón trả khách mà không bị xử lý. Các xe này không mất tiền bến bãi, giá vé rẻ hơn nên “cướp” khách của doanh nghiệp vận tải chân chính.

Các doanh nghiệp phản đối kế hoạch điều chuyển luồng, tuyến xe của Sở GTVT Hà Nội.

Quy hoạch thiếu tầm nhìn

Trao đổi với các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, hiện nay bến xe Mỹ Đình hội tụ các tuyến xe Bắc, Nam mà đến thời điểm hiện tại đã quá tải so với yêu cầu, trước đây nếu bến xe rộng hơn và có tuyến đường chạy song song, khang trang hơn thì chắc không phải điều chuyển.

Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thừa nhận: Có tình trạng trên lỗi đầu tiên là do quy hoạch thiếu tầm nhìn, và chậm so với sự phát triển của đất nước đặc biệt là của Thành phố Hà Nội.

Đối với thực trạng xe dù, bến cóc Thứ trưởng Bộ GTVT cũng thừa nhận: “Thời gian qua chúng ta quản lý quá kém, dẫn đến khách có nhu cầu đi từ Mỹ Đình nhưng xe khách lại được điều chuyển ra bến xe Nước Ngầm dẫn đến nhu cầu xe hợp đồng tăng lên, xe dù trá hình cứ vậy bắt khách, người dân là tiện chỗ xe nào là người ta đi. Vậy, sai cơ bản của cơ quan quản lý nhà nước là chưa quản được xe hợp đồng trá hình, xe dù, bến cóc,... cái này chúng tôi thừa nhận”.

Gải pháp Thứ trưởng Trường đưa ra là, đầu tiên Hà Nội sẽ tạm dừng cấp phép cho xe hợp đồng đối với tất cả các tỉnh; giao thanh tra kiểm tra toàn bộ xe hợp đồng, xe dù, bến cóc nếu phát hiện thu hồi giấy phép.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện kế hoạch, do điều chuyển gấp gáp cho nên việc kết nối giữa 2 bến xe Mỹ Đình - Nước Ngầm thực chất là chưa có mà chủ yếu dựa vào xe buýt, cơ quan nhà nước chưa điều chỉnh kịp thời. Việc kết nối giữa 2 bến xe chủ yếu dựa vào xe buýt, đây là cơ hội để xe dù hoành hành. Thứ trưởng đề nghị Hà Nội nên có tuyến xe buýt đặc chủng để chung chuyển khách giữa hai bến. Và sớm ghiên cứu giải pháp xe 1 tỉnh chỉ quy hoạch vào 1 bến.

Về việc này, trước đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan tổ chức họp với các doanh nghiệp hoạt động vận tải tại bến xe Nước Ngầm, thành phố Hà Nội xem xét, xử lý việc điều chỉnh Quy hoạch luồng tuyến giao thông trên địa bàn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/3/2017.