Mở đầu cuộc đối thoại, ông Hà Huy Quang, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Thực hiện chủ trương điều chuyển luồng tuyến vận tải tuyến cố định tại bến xe Mỹ Đình đi các bến xe khác và ngược lại của UBND TP, đến nay đã điều chuyển 623/628 lốt tuyến (trên 99%). Hiện còn lại 5 DN không thực hiện điều chuyển (0,8%). Đối với 53 lốt tuyến Hà Nội - Ninh Bình, UBND TP đã thống nhất với Bộ GTVT thực hiện điều chuyển trong thời gian tới.
Sau khi điều chuyển, tình hình ùn tắc trên trục đường vành đai 3 khu vực bến xe Mỹ Đình được cải thiện hơn. Các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm hoạt động ổn định, an ninh trật tự xã hội bến đảm bảo, phục vụ tốt nhu cầu cho nhân dân đi lại trong dịp Tết Đinh Dậu 2017.
Tuy nhiên, Sở GTVT, UBND TP vẫn tiếp tục nhận được một số kiến nghị của một số đơn vị kinh doanh vận tải, Hiệp hội vận tải và Sở GTVT các tỉnh có xe điều chuyển như Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa… về công tác sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến vận tải.
Ông Quang cho biết việc điều chuyển trong giai đoạn đầu các DN vận tải sẽ gặp khó khăn vì phải thay đổi phương án sản xuất kinh doanh, và người dân chưa hiểu biết về luồng tuyến vận tải nên khó khăn trong việc đi lại.
Ông Hà Huy Quang, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội
Do vậy Sở sẽ tiếp tục rà soát, khảo sát, bố trí buýt kết nối để đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách từ bến xe Nước Ngầm đến các bến xe khác và khu vực trung tâm TP. Đề nghị Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội cho phép mở tuyến buýt đặc thù, được phép mang theo hàng hóa.
Sở cũng đề nghị tiếp tục rà soát các tuyến vận tải theo hướng phía Nam, nghiên cứu sắp xếp tất cả các tuyến của cùng một tỉnh về cùng một bến Giáp Bát hoặc Nước Ngầm. Sau khi bến xe Cổ Bi và Thanh Trì hoàn thiện sẽ tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp.
Tuy nhiên, đại diện nhà xe tuyến Hà Nội - Thái Bình, ông Nguyễn Xuân La cho biết: “Trước ngày điều chuyển chúng tôi đều nhận được văn bản. Thế nhưng, việc chúng tôi đã chấp hành triệt để chủ trương của UBND TP Hà Nội đã khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể là việc nhà xe không có khách, ngày lễ khách vắng tanh. Đáng nhẽ, Hà Nội muốn điều chuyển thì phải có lộ trình, khẳng định làm như thế này chúng tôi đều phá sản. Nợ 70 triệu trong 2 tháng, người nào lỗ to thì vẫn lỗ to. Trong khi đó, không có khách vẫn phải trả lương lái xe, phụ xe, phí đường…".
Sau khi nhận được lệnh điều chuyển, Điểm mấu chốt ở đây là bến Nước Ngầm không có khách, ngay Tết Nguyên đán vừa qua bình thường các bến xe chật cứng khách nhưng ở bến Nước Ngầm không có khách. Điều này dẫn đến các DN vận tải chuyển về có nguy cơ phá sản do phải vay ngân hàng.
Ông La cho biết “Muốn chuyển đổi chúng tôi, cần làm như bến xe Miền Đông ở TP HCM, tức là cần phải có lộ trình. Muốn nói gì thì nói, tôi khẳng định, nếu ở bến xe Mỹ Đình vẫn còn xe chạy cùng tuyến với chúng tôi, thì chắc chắn chúng tôi - những doanh nghiệp bị điều chuyển về bến xe Nước ngầm sẽ không có khách. Nếu tôi nói sai hay ai chứng minh được là chúng tôi về bến Nước Ngầm hoạt động có lãi, tôi xin bỏ tuyến không làm nghề nữa. Vì vậy mong các cơ quan ban ngành hãy cho chúng tôi một lộ trình để thực hiện”- vị đại diện này nói.
"Chúng tôi mong muốn được đối thoại trực tiếp với người ban hành chính sách điều chuyển luồng tuyến vận tải này"- ông La đề nghị.
Đại diện nhà xe
Ông Trần Hữu Quảng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Thanh Hóa bức xúc, Sở GTVT Hà Nội mới chỉ ra văn bản chỉ đạo chứ chưa kiểm tra, nên chưa biết thực tế những xe bị điều chuyển tuyến đang như thế nào.
Sở cứ nói triệt phá xe dù, bến cóc, nhưng thưc tế sau khi chúng tôi điều chuyển xe dù bến cóc, xe hợp đồng trá hình vẫn hoạt động rầm rộ. Nếu các xe này hoạt động thì các xe vào bến như chúng tôi làm sao có khách.
“Các anh có điều kiện, lên khu vực bến xe Mỹ Đình, xem tình trạng xe dù, bến cóc nó mạnh như thế nào. xe limousine nó phát triển kinh khủng sau khi chúng tôi bị ra khỏi bến Mỹ Đình. Có phải điều chuyển chúng tôi để xe dù, bến cóc nó hoạt động không” ông Quảng đặt câu hỏi cho Sở GTVT Hà Nội.
Chúng tôi thấy rằng, ở bến Giáp Bát và Nước Ngầm, lượng khách không tăng lên đáng kể, trong khi lượng hành khách vẫn đi về bình thường. Vậy lượng khách đi đâu, đây là do xe dù bến cóc len lỏi vào tận nhà bắt khách nên khách không cần vào bến.
Giảm ùn tắc giao thông là mong mỏi của cả nước, nhưng phương pháp, cách làm, cách tổ chức thực hiện như thế nào để đảm bảo giảm ùn tắc nhưng không ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân mới đúng. Nên việc điều chuyển xe khỏi bến Mỹ Đình để giảm ùn tắc là không có cơ sở khoa học.
Ông Trần Hữu Quảng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Thanh Hóa
Việc điều chuyển của TP có đúng với chủ trương của Thủ tướng có đúng hay không. Tôi đề nghị phải xem xét lại.
Việc điều chuyển có phải tạo điều kiện cho xe "hợp đồng" trá hình phát triển. Chúng tôi phải chịu tiền bến bãi, tiền bến trong khi xe trá hình vẫn hoạt động ngang nhiên không mất một chi phí nào.
Bến xe Nước Ngầm không có khách và các doanh nghiệp thua lỗ, có nguy cơ phá sản. Đề nghị Hà Nội cho chúng tôi tiếp tục hoạt động ở Mỹ Đình thì giao thông mới thông suốt.
Ông Nguyễn Văn Thạc, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Nam Định khẳng định việc điều chuyển xe khách từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm là chưa hợp lý, khiến doanh nghiệp bị điều chuyển bị thua lỗ nặng nề. “Có doanh nghiệp có số lượng 150 xe chạy, trong hai tháng bị điều chuyển vừa qua, tháng đầu lỗ 325 triệu đồng, tháng thứ hai lỗ 275 triệu đồng. Họ đang đối diện với nguy cơ phá sản”.
“Điều này là trái với chỉ đạo của Thủ tướng về việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết 35. Việc điều chuyển là chưa công tâm, chưa công bằng, gây bức xúc trong số các doanh nghiệp bị chuyển tuyến”- ông Thạc nói.
Ông Thạc đề nghị UBND TP HN đưa tuyến vận tải về bến Mỹ Đình khai thác như cũ đến năm 2020.
Nếu quyết định điều chuyển thì xem xét cân bằng các xe đang hoạt động ở bến Giáp Bát có trùng tuyến với các xe phải chuyển về Nước Ngầm về cùng một bến để hoạt động bình đẳng.
Ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc DN xe khách Nghệ An
Ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc DN xe khách Nghệ An: Tắc đường là do nhà cao tầng mọc lên như nấm chứ không phải do xe chạy trên đường. Tôi có 2 xe về Mỹ Đình đã lỗ hơn 100 triệu và chúng tôi dừng xe lại vì xe không có khách.
Hơn nữa, các đồng chí bảo xe về đâu khách về đấy nhưng chúng tôi chuyển đi xe dù, xe hợp đồng trá hình ở Mỹ Đình hoạt động nên khách có về Nước Ngầm đâu.
Hiện nay các DN đang vào bến đúng pháp luật thì buộc phải điều chuyển về bến khác, trong khi xe dù bến cóc vẫn hoạt động xung quan Mỹ Đình. Điều này gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp chúng tôi.
Đề nghị Bộ GTVT, UBND TP kiểm tra các văn bản của bộ ngành xem có đúng không, chứ cứ nói điều chuyển ngay thì doanh nghiệp rất khó khăn.
Bà Hồ Thị Hoàng - Giám đốc công ty Hoàng Phương (Thanh Hóa), đại diện doanh nghiệp xe khách đường mòn Thanh Hóa: Doanh nghiệp chúng tôi không làm ảnh hưởng đến tắc đường, vì chúng tôi đi đường mòn Hồ Chí Minh đi Láng - Hòa Lạc, vào bến xe Mỹ Đình lại chuyển tuyến sang bến xe Yên Nghĩa. Khi vận động chúng tôi chuyển từ đường QL1A lên đường mòn Hồ Chí Minh, bây giờ mới thích nghi được đường mòn thì lại điều chuyển chúng tôi đi.
Tại sao chúng tôi không ảnh hưởng đến việc tắc đường mà lại điều chuyển tuyến của chúng tôi?
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Về chủ trương ùn tắc của TP là vấn đề lớn. Đây không chỉ phục vụ riêng nhân dân Hà Nội. Như Thủ tướng nói giải quyết ùn tắc cho HN và TP.HCM là tạo điều kiện cho phát triển các vùng lân cận.
Để giải quyết ùn tắc phải triển khai đồng bộ chứ không phải 1 hoặc 2 giải pháp. Ngoài tăng cường kết nối giao thông vành đai, xuyên tâm thì còn phát triển mạng lưới vận tải công cộng và hướng tới hạn chế phương tiện giao thông cá nhân…
Ở đây bàn về vấn đề tổ chức giao thông hợp lý, do kết cấu hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu tăng lên của phương tiện. Việc mâu thuẫn phương tiện tăng quá năng lực của hạ tầng thì phải tổ chức lại giao thông.
Do vậy phải hạn chế phương tiện giao thông trên một số tuyến đường và một số giờ để giảm ùn tắc giao thông.
“Nhiều tuyến đường đã cấm xe tải, taxi và xe khách. Tuyến vành đai 3 thường xuyên ùn tắc nhất là ở ngã tư Trung Hòa - Phạm Hùng. Do vậy, UBND TP đã thống nhất phải điều chuyển xe khách theo quy hoạch, giảm phương tiện đi qua nút này.
Chúng tôi đã cùng với Bộ GTVT rà soát lại để không có tình trạng xe khách chạy xuyên tâm gây lộn xộn, tăng lưu lượng trên vành đai 3. Quy hoạch đã có.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội
17 năm trước, vành đai 3 là vành đai của HN, nay HN và Hà Tây hợp nhất thì đây thành đường trung tâm của HN.
Quyết định 2288 của Bộ GTVT, quy hoạch nói ổn định đến năm 2020 nhưng cũng nói rõ tùy theo điều kiện 6 tháng 1 lần có thể điều chuyển. Việc điều chuyển thuộc thẩm quyền của UBND TP nên hoàn toàn đúng quy định.
Trước khi điều chuyển chúng ta đã chuẩn bị rất lâu.
Việc điều chuyển về bến Nước Ngầm vắng khách có nhiều nguyên nhân, ngoài ra cũng có nguyên nhân do bà con có xe cá nhân, tàu hỏa cũng phát triển… người dân được lựa chọn phương thức. Nếu vận tải hành khách không nâng cao được năng lực chất lượng thì không cạnh tranh nổi.
Mới 2 tháng ở Nước Ngầm thì làm sao khách quen được. Trong khi trước đây các bác hoạt động ở Mỹ Đình phải 3 năm mới có khách.
Về trùng tuyến ở Giáp Bát và Nước Ngầm, trong đề xuất chúng tôi đề nghị với Thứ trưởng cùng một tuyến Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An có trùng tuyến. Chúng tôi đang lên phương án sắp xếp.
HN đã tập trung lực lượng xử lý xe dù bến cóc.
Xe hợp đồng được đón trả khách, trong phương án đề xuất phương tiện cá nhân chúng tôi đề nghị có phù hiệu mới xử lý được.
HN đang triển khai 2 bến mới là bến Cổ Bi, sẽ di chuyển một phần bến xe Gia Lâm, và bến Yên Sở sẽ di chuyển một phần bến Giáp Bát.
Điều chuyển là để phục vụ lợi ích chung chứ không phải cho một đối tượng nào.
Ông Nguyễn Sơn La - GĐ công ty TNHH Mạnh La: Không còn phương án nào khác, các nhà sẽ bán lại toàn bộ 600 xe cho Sở GTVT Hà Nội.
Nếu được như vậy sẽ không còn khiếu kiện gì nữa.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường:
Các cơ quan quản lý nhà nước rất đau đầu. Tuy nhiên, cả HN có 1 bến xe Mỹ Đình hội tụ cả 2 phía Bắc - Nam, quá tải so với nhu cầu thực tế.
Việc bến xe quá tải dẫn đến tiêu cực khi nạn cò mồi, bắt khách, thậm chí có hành khách bị bức tử khiến người dân rất bức xúc.
Khi thực hiện điều chuyển đều muốn phải đảm bảo lợi ích của Nhà nước, DN và người dân, nhưng khi thực hiện chắc chắn phải đụng chạm đến lợi ích của một bộ phận.
Về tình trạng xe dù, bến cóc, thời gian qua HN xử lý quá kém. Do vậy có tình trạng thích đi ở Mỹ Đình, nên xe hợp đồng hoạt động gần Mỹ Đình thì dân sẽ đi. Tình trạng này tới đây phải kiên quyết xử lý.
Ngoài ra, việc điều chuyển nhưng kết nối giữa các bến xe chưa có, điều này cơ quan quản lý nhà nước chưa theo kịp nên khách không về bến gây bức xúc cho DN.
Về đề xuất của các DN quay trở lại bến Mỹ Đình, nếu quay lại sẽ lộn xộn bến xe như trước đây. Trong khi tuyến đường vành đai 3 kết nối với QL1 có lúc tắc xếp hàng đến 40 phút, nếu điều chuyển về sẽ ùn tắc thêm.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội: Chúng tôi rất cầu thị và tiếp thu các ý kiến các DN. Các DN cũng đã chia sẻ khó khăn với Hà Nội...
Hà Nội rất mong muốn có nhiều bến xe rộng lớn hơn để phục vụ người dân, nhiều xe vào bến hơn. Hà Nội không muốn có một doanh nghiệp nào kinh doanh ở Hà Nội bị thua lỗ.
Hà Nội đang kêu gọi đầu tư, cố gắng đến năm 2018 bến xe Yên Sở sẽ xong để phục vụ người dân và DN.