Hồi mình mới dời nhà về sống ở căn hộ chung tường với nhà anh ở Hà Nội, mỗi chiều hai anh em thường ra trước ban công trò chuyện. Một hôm anh nói, em à, chuyện anh với QC lại gặp trắc trở rồi. Mấy đứa nhỏ phản đối dữ quá, QC đành phải qua nhà bạn ở, giờ chưa biết làm sao.
Giọng nhỏ nhẹ của anh run lên niềm đau khổ. Mình an ủi anh, bảo rằng mọi việc rồi đâu sẽ vào đó.
Mình tin như vậy vì nghĩ rằng, họ đã yêu nhau chân thành và tha thiết như vậy thì không có gì có thể chia cách họ được. Năm ấy anh gần 70 tuổi nhưng còn khỏe mạnh, trẻ trung, yêu đời.
Nhà văn, nhà báo Xuân Cang, con người chính trực đó đã làm rung động tâm hồn bao người đọc
|
Vợ anh mất đã lâu, con cái đều đã trưởng thành, có gia đình riêng. Một lần đi dự trại viết ở Vũng Tàu, anh được bạn văn và là nhà thơ đàn chị mai mối cho một phụ nữ là độc giả rất yêu thơ chị ấy và yêu văn học. Anh không tin vào chuyện mai mối sẽ đi đến đâu nhưng nghe có người yêu và thuộc cả tập “Về bến sông Thương”(một trong bộ ba cuốn hồi ký của bà chị) thì anh tò mò muốn gặp. Thế mà như có duyên số, họ thấy như đã gặp đâu đó từ lâu. Và rồi bối rối, nhớ thương, nghĩ đến nhau hoài không dứt.
Nhà văn Xuân Cang (áo xanh, ngồi hàng đầu) và cô QC ngồi bên trái ông.
|
Dù QC còn quá son trẻ so với anh, nhưng cô ấy từng đọc văn anh, yêu những trang văn ấm áp nồng hậu nhưng hừng hực khuyến khích và ủng hộ cho cái mới. Cô ấy cũng biết cả một giai đoạn khó khăn của công việc anh làm, biết anh bị sự trì trệ của chủ nghĩa giáo điều và bộ máy quan liêu làm khó dễ. Là TBT báo Lao động, giữa vô vàn áp lực và nguy hiểm khi đấu tranh với tiêu cực, anh luôn nhắc phóng viên của mình rằng, “làm báo là phải nói lên được sự thật và biết cách nói lên sự thật”.
Lúc làm ở Tổng liên đoàn Lao động, anh luôn đứng về phía những người công nhân nghèo khó để bên vực và tìm phương án, đề xuất các chính sách có lợi cho những người bần cùng nhất. QC biết rất rõ, chính trong thời gian sóng gió đó anh đã viết tiểu thuyết đậm chất phóng sự “Những ngày thường đã cháy lên” làm chấn động dư luận và là niềm khích lệ tinh thần phản biện, kiên định theo hướng đổi mới trong đời sống văn học và trong xã hội. Có lần, trong một buổi lễ trọng thể mừng tờ Tuần báo Văn nghệ tròn 40 năm, một nhà văn trong giới lãnh đạo đã phê phán tờ tuần báo có xu hướng lệch lạc, anh liền đăng đàn phát biểu ngay sau đó, thẳng thắn bảo vệ và cổ vũ tinh thần đổi mới của tờ báo.
Nhà văn, nhà báo, con người chính trực đó đã làm rung động tâm hồn bao người đọc, trong đó có một người đọc đặc biệt là QC của anh. Cô ấy yêu anh một cách giản dị, thật thà và quyết liệt, vượt qua những dèm pha ác ý về độ chênh lệch tuổi tác giữa hai người, và cả những khác biệt về văn hóa giữa hai miền Nam Bắc.
Chuyện con cái phản đối rồi cũng qua. Một lễ cưới dù chỉ ít người thân và bạn bè nhưng vô cùng ấm áp. Mình thấy tự hào là người luôn bên cạnh họ trong thời gian họ yêu nhau trắc trở và có mặt trong lễ rước dâu cùng các nghi thức khác trong gia đình, dòng tộc.
Anh nghỉ các chức vụ ở bên ngoài, lui về với tình yêu và hạnh phúc muộn màng của đời mình, tiếp tục viết báo, nghiên cứu thuật toán Hà Lạc, viết tiểu thuyết. “Gió Thiêng” là tiểu thuyết dài hơi, được anh giành nhiều tâm sức đã ra đời trong thời gian này, rất có tiếng vang cùng với các tập tạp văn nóng hổi tính thời sự khác.
Anh sinh năm 1932 và nhẹ nhàng rời cõi nhân thế ngày 19.3.2019. “Những ngày thường đã cháy lên” đã ra đi. Vĩnh biêt anh, một tài năng và một nhân cách lớn!
Tiểu sử Nhà văn Xuân Cang Nhà văn Xuân Cang tên thật là Nguyễn Xuân Cang, quê ở xã Phú Thụy, Gia Lâm, Hà Nội. Ông còn có bút danh là Ánh Xuân.
* Các tác phẩm:
|