Đà Nẵng kiến nghị hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ trị giá 760 triệu USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Đà Nẵng kiến nghị hỗ trợ thu hút đầu tư hạ tầng chiến lược trị giá 760 triệu USD để trở thành Digital-Hub của khu vực và hình thành Trung tâm tài chính quốc tế.

Trung tâm IOC Đà Nẵng, một trong những đầu tư nền tảng cho hạ tầng công nghệ số phục vụ chính quyền số.
Trung tâm IOC Đà Nẵng, một trong những đầu tư nền tảng cho hạ tầng công nghệ số phục vụ chính quyền số.

Hoàn thành 32/75 nhiệm vụ được Trung ương giao

Chiều 28/7, tại Đà Nẵng, Đoàn Công tác của Bộ KH&CN do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với TP Đà Nẵng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 của Chính phủ.

Hội nghị có sự tham dự của 250 đại biểu tham dự trực tiếp và 1.000 đại biểu tham dự trực tuyến tại 93 điểm cầu xã, phường trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Hội nghị nhằm trao đổi các nội dung liên quan về tình hình triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đồng thời lắng nghe các ý kiến, đề xuất của Đà Nẵng trong quá trình triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW tại Đà Nẵng.

Tại hội nghị, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết Nghị quyết số 57-NQ/TW đặt ra những mục tiêu chiến lược và định hướng phát triển mạnh mẽ cho Đà Nẵng, trong đó khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt để Đà Nẵng trở thành Trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực.

Từ khi có Nghị quyết 57-NQ/TW, Đà Nẵng đã tập trung, khẩn trương triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, Đà Nẵng được Trung ương giao 75 nhiệm vụ, đến nay đã hoàn thành 32 nhiệm vụ (tỷ lệ 42,7%), đang triển khai 43 nhiệm vụ và Đà Nẵng thuộc Top 5 cơ quan, địa phương triển khai có tỷ lệ nhiệm vụ hoàn thành cao nhất cả nước.

vt_chuyen doi so 1.png
Tính đến nay, Đà Nẵng có đến có 91% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã xây dựng và triển khai chính sách và chỉ đạo, điều hành cũng như đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại địa phương.

Trong giai đoạn 2021-2030, Đà Nẵng đã phê duyệt danh mục 66 dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến 2.348 tỷ đồng; dự chi 2% (khoảng 349 tỷ đồng) tổng chi ngân sách địa phương cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; triển khai mạnh nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đặc biệt, để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Đà Nẵng đã hình thành 3 Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; 12 vườn ươm; 3 không gian sáng chế; 8 không gian làm việc chung; 3 không gian đổi mới sáng tạo Đà Nẵng - Seoul (đặt tại Đà Nẵng và tại Seoul), Đà Nẵng - Singapore (đặt tại Đà Nẵng và tại Singapore), Đà Nẵng - Vùng Vịnh lớn Trung Quốc (đặt tại Đà Nẵng); Đà Nẵng - Australia (đặt tại Australia), 6 quỹ đầu tư khởi nghiệp, nhiều câu lạc bộ khởi nghiệp… cùng với việc hỗ trợ ươm tạo, tăng tốc, phát triển cho 189 dự án và thành lập 83 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tại thông qua các chương trình hỗ trợ và chương trình ươm tạo.

vt_cong vien phan mem 20.png
Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng, một trong những dự án đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo

Ngoài ra, Đà Nẵng đã triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh một cách sâu rộng; tỷ lệ kinh tế số năm 2024 chiếm 22% GRDP (cao hơn trung bình toàn quốc); nhân lực công nghệ số chiếm 7,7% (gấp gần 3 lần trung bình toàn quốc; tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số trên 1.000 dân là 2,35 doanh nghiệp (gấp gần 3 lần trung bình toàn quốc)…;

Về chính quyền số, Đà Nẵng có đến có 91% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến là 55%; 100% gia đình có internet cáp quang và 4G; 99% hộ gia đình có điện thoại thông minh…

Kiến nghị nhiều nội dung để Đà Nẵng "cất cánh"

Cũng tại hội nghị, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng đã đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung để Đà Nẵng sớm đạt mục tiêu, hoàn thành các nhiệm vụ được Trung ương giao.

Thứ nhất, đối với việc mở rộng phạm vi thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox), Đà Nẵng đề xuất Bộ KH&CN xem xét hướng dẫn, tham mưu Chính phủ có văn bản về hệ thống thử nghiệm đặt tại các khu/trung tâm; nhưng người dùng có thể ở trong và bên ngoài Khu/Trung tâm; Mở rộng áp dụng cơ chế này tại các địa điểm mới (ví dụ: Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu Thương mại tự do, Trung tâm tài chính,...).

Thứ hai, Đà Nẵng đề nghị sớm thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia tại Đà Nẵng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ, kết nối mạnh mẽ hơn cộng đồng khởi nghiệp trong nước và quốc tế; hình thành các cụm đổi mới sáng tạo tại thành phố Đà Nẵng làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho khu vực.

Đặc biệt, để trở thành trạm trung chuyển dữ liệu quốc tế (Digital-Hub) của khu vực và hình thành Trung tâm tài chính quốc tế, Đà Nẵng cần được hỗ trợ đầu tư hạ tầng trọng điểm, trong đó, cần quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn đầu tư hoặc đề nghị các doanh nghiệp lớn (Viettel, VNPT, FPT Telecom) hợp tác đầu tư xây dựng: Công viên Khoa học Quảng Đà (500 triệu USD); trung tâm dữ liệu quy mô cấp vùng tại Đà Nẵng (200 triệu USD); xây dựng thêm Tuyến cáp quang biển cập bờ mới tại Đà Nẵng (60 triệu USD) nhằm tạo không gian nghiên cứu, sản xuất, phát triển công nghệ, thu hút doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời cung cấp dịch vụ DR-Site cho miền Trung, dịch vụ điện toán đám mây, tính toán hiệu năng cao…

Bên cạnh đó, cho phép Đà Nẵng đặt trạm mặt đất vệ tinh tầm thấp và cấp phép hoạt động nhằm giúp người dân các vùng lõm sóng, trắng sóng khu vực miền núi còn khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, chủ trương, chính sách qua internet vệ tinh nhanh chóng, kịp thời khi hạ tầng viễn thông mặt đất chưa được đầu tư.

vt_du an fab lab 6.png
Dự án Phòng thí nghiệm phục vụ sản xuất công nghệ đóng gói tiên tiến (Fab-Lab) tại Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng được đánh giá là bước đi mới trong tiến trình phát triển khoa học công nghệ tại Đà Nẵng theo Nghị quyết 57/TW

Ngoài ra, Đà Nẵng kiến đề nghị được tiếp tục hỗ trợ các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chiến lược và ứng dụng quản lý; đưa các sáng kiến đột phá của thành phố vào danh mục quốc gia; hoàn thiện khung pháp lý và tiêu chuẩn kỹ thuật cho đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ mới; mở rộng đối tượng và chính sách visa cho chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế; hỗ trợ triển khai một số bài toán, nhiệm vụ lớn trong triển khai thử nghiệm các sản phẩm tài sản số, tiền kỹ thuật số, NFT; hình thành hệ sinh thái tài chính số, góp phần triển khai Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng thành công;

Cuối cùng, Đà Nẵng kiến nghị Bộ KH&CN hỗ trợ triển khai hành chính công một cấp và hành chính công chủ động ở Đà Nẵng để địa phương tối ưu hóa quy trình hành chính, giảm thiểu thủ tục và tăng cường sự tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.

Mục tiêu phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Đà Nẵng

Đến năm 2030, Đà Nẵng có 8 chỉ tiêu đề xuất vượt so với Nghị quyết số 57-NQ/TƯ gồm: kinh tế số đạt tối thiểu 35-40% GRDP địa phương; mỗi năm có ít nhất 10 công trình đoạt giải thưởng khoa học và công nghệ cấp quốc gia/khu vực; có ít nhất 95% hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến; tỉ lệ thanh toán trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công đạt 90%; tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, toàn trình của người dân và doanh nghiệp đạt tối thiểu 85%; có ít nhất 95% đảng ủy, chính quyền xã, phường sử dụng phần mềm quản trị điều hành thống nhất..

Bên cạnh đó, có 2 chỉ tiêu đóng góp trực tiếp vào kết Nghị quyết số 57-NQ/TƯ toàn quốc, 19 chỉ tiêu thêm theo đặc thù yêu cầu phát triển của Đà Nẵng gồm: triển khai thêm ít nhất 2 khu công nghệ thông tin tập trung; có thêm 1 trạm trung chuyển dữ liệu quốc tế (digital hub); có thêm trung tâm dữ liệu quốc tế; có ít nhất 5 sản phẩm thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) được triển khai trên địa bàn; thí điểm và tiến đến triển khai kinh doanh tài sản số bằng NFT; kinh tế số mỗi ngành, lĩnh vực) chiếm tối thiểu 20%; thu hút một số doanh nghiệp có doanh thu ít nhất 1 tỷ USD đặt trụ sở nghiên cứu, sản xuất tại TP; có ít nhất 1 doanh nghiệp công nghệ số với nhân lực 15.000 người hoặc đạt doanh thu 2 tỷ USD/năm; quản lý đô thị, giao dịch với người dân và doanh nghiệp trên môi trường; 100% các cơ quan nhà nước thực hiện chỉ đạo, điều hành, quản trị nội bộ trên môi trường điện tử, ..)

Đến năm 2045, Đà Nẵng có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 60% GRDP (Nghị quyết số 57-NQ/TƯ là 50%); có tối thiểu có 3 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến (mục tiêu toàn quốc có 10 doanh nghiệp); thu hút thêm ít nhất 1 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại địa phương.