|
Một ngôi trường quốc tế tại Khu đô thị Ciputra, Hà Nội. |
+, Thưa ông, chúng ta đã có những quy định nào về phân loại các trường và danh xưng “trường quốc tế”?
- Điều 48 Luật giáo dục 2005 quy định Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình sau đây:
a) Trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên;
b) Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động;
c) Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Trong Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 01/7/2020) cũng quy định 03 loại hình nhà trường tương tự như trên.
|
Luật sư Đặng Văn Cường trao đổi với phóng viên
|
Như vậy, tại Việt Nam, chưa có quy định về trường quốc tế và cũng không có văn bản hay tiêu chuẩn cụ thể nào cho những ngôi trường này và không có khái niệm, quy định nào về trường quốc tế, theo đó cũng không có tiêu chuẩn cụ thể nào cho loại hình này.
Về việc đặt tên trường, theo quy định của Điều 5 Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010 của Bộ GD&ĐT, tên trường được quy định như sau: trường tiểu học và tên riêng của trường. Cũng theo Điều 5 Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ GD&ĐT, điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, việc đặt tên trường được quy định như sau: trường trung học cơ sở (hoặc: trung học phổ thông; tiểu học và trung học cơ sở; trung học cơ sở và trung học phổ thông; tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; trung học phổ thông chuyên) và tên riêng của trường.
Đối với cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, theo điều 29 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ, tên trường phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng; tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
|
Một ngôi trường khác gắn mác "quốc tế" nhưng thực chất do một công ty giáo dục Việt Nam đầu tư.
|
+ Việc các trường tự gắn mác là “trường quốc tế” trong khi không được pháp luật quy định có phải là lừa dối khách hàng?
- Pháp luật không có quy định về việc đặt tên "quốc tế", mà các trường đặt theo tên nước ngoài tự nhận là trường "quốc tế" chỉ nhằm mục đích để thu hút người học, vì có thể trong chương trình dạy của họ có một số giáo viên nước ngoài và chương trình dạy có một phần dạy theo chương trình của nước ngoài.
Do đó, cách đặt tên này không sai, vì không vi phạm thuần phong mỹ tục. Khái niệm trường quốc tế ở Việt Nam chưa định nghĩa được, vì chưa có văn bản nào quy định thế nào là trường quốc tế nên rất khó để xử lý các trường vi phạm về hành vi lừa dối khách hàng.
+ Vậy trong trường hợp nào các trường sẽ bị xử phạt?
- Cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt các trường về việc đặt tên không đúng quy định với mức phạt từ 10 đến 15.000.000 đồng theo khoản 2, Điều 66 Nghị định 158/2013/NĐ-CP về vi phạm quy định về biển hiệu.
|
Không có trường chuẩn quốc tế, thì đã có quảng cáo "khóa học quốc tế chuẩn Hoa Kỳ".
|
Nếu pháp luật đã có quy định rõ ràng thế nào là trường quốc tế, thế nào là trường tư thục mà các trường vẫn gian dối, giả mạo để tăng mức học phí, thì khi đó có thể xử lý hình sự về hành vi lừa dối khách hàng. Tuy nhiên, vì chưa có quy định về trường quốc tế nên chưa thể xử lý hình sự với các trường vi phạm, chỉ có xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trưng biển hiệu không đúng quy định.
Ngoài ra Điều 197 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bởi vậy, nếu các cơ quan chức năng có đủ căn cứ để xác định trường tư thục đã quảng cáo gian dối và hành vi này từng bị xử phạt hành chính và vẫn tiếp tục vi phạm, sẽ bị xử lý hình sự theo điều 197 Bộ luật hình sự nêu trên.
Trong trường hợp người vi phạm chưa bị xử phạt hành chính hoặc chưa bị kết án thì hành vi vi phạm lần đầu chỉ có thể xử phạt hành chính theo quy định tại điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Nếu đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích mà lần sau còn vi phạm thì mới xử lý hình sự.
+, Ông nhận định như thế nào về trách nhiệm của các bên trong vụ việc tại Trường Tiểu học Gateway vừa qua?
- Vụ việc vô ý làm chết người này có dấu hiệu tội phạm, bởi vậy việc cơ quan cảnh sát điều tra, công an quận Cầu Giấy khởi tố vụ án vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi vi phạm của từng cá nhân có liên quan và vi phạm của Trường Tiểu học này để đề nghị hình thức xử lý cho phù hợp.
|
Luật sư Đặng Văn Cường
|
Cá nhân nào được giao nhiệm vụ đưa, đón, quản lý học sinh mà không làm hết trách nhiệm do cẩu thả, người đó sẽ bị khởi tố bị can về tội vô ý làm chết người, phải chịu chế tài hình sự và phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân (sau khi nhà trường đã bồi thường cho gia đình nạn nhân gồm chi phí mai táng, tiền bù đắp tổn thất về tinh thần...).
Trong trường hợp người vi phạm là người có quan hệ lao động của Trường (có hợp đồng lao động), vi phạm quy tắc hành chính hoặc quy tắc nghề nghiệp dẫn đến hậu quả em bé tử vong thì sẽ khởi tố theo Điều 129 Bộ luật hình sự về tội vô ý làm chết người, do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.
Nếu người vi phạm không phải là người của nhà trường, cơ quan điều tra không chứng minh được hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính thì vẫn có thể xử lý về tội vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật hình sự nêu trên, mức phạt từ 1 năm đến 5 năm tù.
+ Trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong vụ việc này như thế nào, thưa ông?
|
Ngôi trường "quốc tế" này có cùng chủ đầu tư với Trường Tiểu học Gateway.
|
- Đối với các cơ quan quản lý về giáo dục và chính quyền địa phương, vụ việc là bài học sâu sắc trong công tác quản lý. Chúng ta không thể để xảy ra tình trạng một trường học tư thục lại ngang nhiên gắn mác quốc tế để thu học phí cao ngất ngưởng như vậy; không thể để cán bộ, nhân viên đưa đón học sinh mà lại không được đào tạo, không có hợp đồng lao động; các xe tư nhân đội lốt xe hợp đồng, xe bus của cơ sở giáo dục để đưa đón học sinh ngang nhiên, công khai...
Rất nhiều sai phạm đã được phát hiện, được chỉ ra sau vụ việc này và trách nhiệm pháp lý với tổ chức, cá nhân là không thể tránh khỏi, trong đó có trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Đơn vị quản lý giáo dục và chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, không phát hiện, không xử lý những sai phạm trên, thì phải chịu trách nhiệm trong công tác quản lý. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ xác minh, làm rõ trong quá trình điều tra và sẽ kiến nghị hình thức xử lý phù hợp với các cá nhân, tổ chức có liên quan trong vấn đề quản lý giáo dục, mức xử lý có thể là kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Xin cảm ơn ông!