Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi trần tình về mối quan hệ với Bắc Kinh

VietTimes -- Trong họp báo tại trụ sở Huawei tại Thâm Quyến đầu tuần qua, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi đã giải thích lý do thôi thúc ông gia nhập quân đội và Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhà sáng lập Huawei, Nhậm Chính Phi: "Chúng tôi thà đóng cửa Huawei còn hơn làm bất kỳ điều gì tổn hại đến lợi ích của khách hàng để trục lợi riêng". Ảnh: Bloomberg.
Nhà sáng lập Huawei, Nhậm Chính Phi: "Chúng tôi thà đóng cửa Huawei còn hơn làm bất kỳ điều gì tổn hại đến lợi ích của khách hàng để trục lợi riêng". Ảnh: Bloomberg.

Nhà sáng lập Huawei và lý do gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc

Trước khi đưa Huawei trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi là thành viên của Quân Giải Phóng Nhân dân Trung Quốc được gửi tới Đông Bắc, với nhiệm vụ: Xây dựng nhà máy sợi tổng hợp để mỗi người dân Trung Quốc có quần áo mới để mặc.

Trả lời phỏng vấn tại trụ sở Huawei ở Thâm Quyến, nhà sáng lập 74 tuổi chia sẻ: “Tôi đã gia nhập quân đội trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa [từ năm 1969 đến năm 1976]. Thời điểm đó, sự hỗn loạn diễn ra ở khắp nơi, kể cả trong nông nghiệp và công nghiệp”. Ông Phi nói thêm: “Trung Quốc đã phải đối mặt với thời kỳ khó khăn. Nó được phản ánh qua khẩu phần ăn và quần áo của người dân”.

Ông Phi kể lại mỗi người dân Trung Quốc được phát cho một phần ba mét vải, chỉ đủ vá lỗ hổng trên quần áo. “Bởi vậy, quần áo thời trẻ của tôi luôn có các miếng vá”.

Ông Nhậm Chính Phi lớn lên ở một thị trấn miền núi thuộc tỉnh Quý Châu, khu vực nghèo nhất Trung Quốc. Qua lời kể, ông đã khắc họa bức tranh đói nghèo, hoàn toàn tương phản với hình ảnh của Trung Quốc ngày nay.

Đây chính là động lực của ông Phi khi gia nhập đội ngũ kỹ thuật viên của Quân đội Giải Phóng Nhân dân Trung Quốc, và sau đó là Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Nhậm Chính Phi là con trai của gia đình nhà giáo nghèo. Ông may mắn sống sót qua nạn đói lớn nhất Trung Quốc, từ năm 1958 đến năm 1961. Nhà sáng lập Huawei cho biết mặc dù ông luôn ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng sẽ “không bao giờ làm tổn hại đến bất kỳ quốc gia nào”.

Ông cũng phủ nhận mối liên hệ giữa quan điểm chính trị cá nhân với hoạt động của Huawei. Huawei “chắc chắn sẽ từ chối” yêu cầu cấp quyền truy cập cửa hậu (backdoor) của chính phủ Trung Quốc trên các thiết bị mạng.

Trụ sở của Huawei tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: SCMP.
Trụ sở của Huawei tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi khẳng định rằng: “Chúng tôi thà đóng cửa Huawei còn hơn là làm bất kỳ điều gì tổn hại lợi ích của khách hàng để trục lợi riêng”.

Thật vậy, số phận đã đưa ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ban đầu, ông Phi đã bị loại khỏi danh sách xét duyệt do cha của ông bị cho là người đi theo chủ nghĩa tư bản trong cuộc Cách mạng Văn hóa.

Năm 1978, sau khi được chọn tham dự Hội nghị Khoa học Quốc gia vì phát minh ra công cụ thử nghiệm tại nhà máy sợi tổng hợp, ông Nhậm Chính Phi mới được người giám sát và các tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc chấp nhận.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và khắc thiệt hại sau một thập kỷ chống chí thức; ông Phi đã thăng tiến rất nhanh. Ông đã lên tới chức phó giám đốc của một viện nghiên cứu về xây dựng, với cấp bậc tương đương trung đoàn phó, trước khi xuất quân năm 1983. Năm 1987, ông Nhậm Chính Phi đã thành lập Huawei với số vốn 21.000 NDT.

"Văn hóa Chó sói" ở Huawei

Khi được hỏi về kinh nghiệm trong quân ngũ đã định hình phong cách quản lý ở Huawei như thế nào, ông Nhậm Chính Phi đã kể về điều kiện khắc nghiệt mà ông và những người xung quanh đã phải chịu đựng khi đóng quân ở thành phố Liêu Dương, nơi nhiệt độ có thể giảm xuống dưới -20oC.

Nhà sáng lập Huawei nói rằng ban đầu “mọi người phải ngủ trên cỏ” vì không có nhà để ở. Và thậm chí khi chỗ ở được xây dựng sau đó, thì nó cũng chỉ là lán nhỏ tồi tàn để tránh mưa gió. Khẩu phần ăn hàng tháng của mỗi người là 150g dầu ăn, bắp cải hoặc củ cải và miến gạo.

Nhà máy sợi tổng hợp là nơi cung cấp cho ông Phi cái nhìn đầu tiên về công nghệ tiên tiến, bởi tại đây có lắp đặt thiết bị tự động hóa do một công ty của Pháp sản xuất.

“Chúng tôi đã học được cách chịu đựng khó khăn”. Ông Nhậm Chính Phi nói: “Chúng tôi đã học được công nghệ tiên tiến nhất từ thế giới, trong khi sống một cuộc sống có thể coi là nguyên thủy”.

Ngày nay, Huawei được biết đến trong giới kinh doanh Trung Quốc vì “Văn hóa Chó sói”, đại diện cho sự can đảm và mạnh mẽ. Được biết, nhân viên Huawei cũng thường ngủ quên tại văn phòng vì kiệt sức.

Ông Phi đã lấy dẫn chứng về cách nhân viên Huawei mạo hiểm mạng sống để khôi phục 680 trạm viễn thông trong vòng 2 tuần, tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa sóng thần dẫn tới rò rỉ hạt nhân xung quanh nhà máy điện tại Fukushima vào năm 2011.

Bên cạnh đó, nhiều nhân viên Huawei cũng mắc bệnh sốt rét khi làm việc tại một số quốc gia bùng phát dịch.

CFO Mạnh Vãn Chu, con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, đang được tại ngoại để chờ kết quả dẫn độ về Mỹ. Ảnh: SCMP
CFO Mạnh Vãn Chu, con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, đang được tại ngoại để chờ kết quả dẫn độ về Mỹ. Ảnh: SCMP

Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi cho biết con gái cả của ông, đồng thời là Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu là một trong hai nhà lãnh đạo của Huawei bay tới Fukushima vào thời điểm thảm họa xảy ra.

Bà Mạnh Vãn Chu hiện đang được bảo lãnh tại ngoại ở Vancouver, Canada trong thời gian chờ kết quả dẫn độ về Mỹ. Chính quyền Mỹ cáo buộc bà, đại diện cho Huawei, có hành vi gian lận vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.  

Theo South China Morning Post