Nhà sáng lập Fecebook – Mark Zuckerberg vừa thông báo trên trang cá nhân: MXH lớn nhất thế giới này sẽ tiến hành xác minh danh tính và vị trí của các nhà quảng cáo nhằm ngăn chặn tin tức và tuyên truyền giả mạo.
Theo Mark, Facebook vừa triển khai công cụ kiểm soát mới và loại bỏ hàng vạn tài khoản quảng cáo giả mạo. Hiện nay, Facebook đang triển khai thêm hai bước nữa, cụ thể:
Thứ nhất, nếu nhà quảng cáo muốn quảng cáo các tin tức liên quan đến chính trị hoặc phát hành thông tin sẽ phải được xác minh danh tính và vị trí. Nếu không vượt qua xác minh này, tài khoản đó sẽ bị cấm chạy các quảng cáo liên quan đến chính trị, phát hành, thậm chí cả quảng cáo thông thường. Facebook đang thử nghiệm điều này ở Mỹ và sẽ triển khai mở rộng trong thời gian tới.
Để quảng cáo liên quan đến chính trị hoặc phát hành tin tức minh bạch, Facebook sẽ xây dựng một công cụ cho phép người đọc có thể xem tất cả các quảng cáo mà một trang đang chạy. Facebook đang thử nghiệm điều này tại Canada và sẽ triển khai trên toàn thế giới trong mùa hè này.
Thứ hai, Facebook sẽ yêu cầu người quản lý các trang lớn cũng phải được xác minh. Điều này sẽ giúp phát hiện các nhà quảng cáo sử dụng tài khoản giả mạo, hoặc viral những thông tin sai lệch.
CEO Facebook cam kết sẽ thực hiện điều này trước những cuộc bầu cử quan trọng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, ông cho biết sẽ ủng hộ Dự luật quảng cáo liên quan đến chính trị, yêu cầu các công ty công nghệ thu thập thêm về nguồn gốc của các quảng cáo đó. Dự luật này được đưa ra vào cuối năm ngoái, nhằm ngăn chặn sự can thiệp của những thế lực dùng MXH để gây ảnh hưởng tới chính trị của Mỹ.
Chia sẻ về vấn đề này, một chuyên gia an ninh mạng đánh giá đây là động thái “chữa cháy” của Facebook, sau bê bối để lộ thông tin cá nhân của 87 triệu người dùng lọt vào tay công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica (Anh), thực ra MXH lớn nhất thế giới có thể thực hiện điều này từ trước đó rất lâu nếu họ muốn. Chuyên gia này cho biết, tại Việt Nam, gần 2 tuần qua đã có rất nhiều phải hồi về việc Facebook tạm khóa các tài khoản quảng cáo mà họ nghi ngờ có bất thường. Sau đó, các tài khoản quảng cáo này muốn mở lại buộc phải cung cấp giấy tờ tùy thân (một phần) nhằm xác minh danh tính.
Vị này cho rằng động thái trên thể hiện Facebook đang rất cố gắng ngăn chặn tin tức giả mạo. Tuy nhiên, những phát ngôn của Mark cho thấy Facebook mới chỉ tập trung vào các trang (fanpage) lớn và nhà quảng cáo còn việc ngăn chặn trên các diễn đàn (forum) kín hay các trên các trang cá nhân (có ảnh hưởng lớn) vẫn chưa được nhắc đến, mà đây lại là một trong những nguồn chính phát tán và lây lan thông tin giả mạo, nhất là tại VN.
Bên cạnh đó, “fake news” có thể lây lan rộng chính nhờ cơ chế hiển thị của Facebook, những vấn đề được Facebook cho rằng người dùng quan tâm sẽ được hiển thị với thời gian và tần suất nhiều hơn. Vì thế những thông tin xấu độc sẽ lây lan mạnh hơn nếu được tổ chức bài bản và tinh vi. Để giải quyết điều những vấn đề trên, “Facebook sẽ mất khá nhiều thời gian và nhân lực, đồng thời họ phải chấp nhận giảm bớt doanh số quảng cáo của mình, bởi điều đó sẽ làm Facebook kém hấp dẫn và quảng cáo Facebook ít hiệu quả hơn” – chuyên gia an ninh mạng này nhận định.
Facebook đang gặp phải bê bối lớn nhất kể từ khi công ty này được thành lập. Theo ước tính, dữ liệu người dùng bị rò rỉ trong vụ việc Cambridge Analytica đã nâng lên con số 87 triệu.
Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi có tới hơn 400.000 tài khoản bị ảnh hưởng. Đứng đầu là Mỹ với hơn 70 triệu tài khoản, do những dữ liệu này được đánh giá là được sử dụng để tạo ra các tác động trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua.
Trong trường hợp xấu nhất, 4-5 tỷ USD doanh thu quảng cáo hàng năm, tương đương với 9% tổng doanh thu quảng cáo của công ty sẽ bốc hơi sau bê bối này. Hiện vốn hóa cổ phiếu Facebook đang giảm hàng tỷ USD sau mỗi giờ giao dịch. Sau 1 tuần, dù phục hồi trong phiên gần nhất nhưng cổ phiếu Facebook đã giảm tới 14% khiến Mark mất đi hơn 10 tỷ USD. Không những vậy, phong trào tẩy chay facebook đang lớn nhất từ trước tới nay. Hiện cả Mark và Facebook đang đứng trước trước nguy cơ các quốc gia đưa ra những biện pháp mạnh tay nhằm quản lý chặt hơn MXH này.
Tại Brazil, Cơ quan Công tố Liên bang đã tiến hành điều tra việc Công ty tư vấn chính trị trên có truy cập bất hợp pháp thông tin cá nhân của người dùng Facebook thông qua một chi nhánh tại Sao Paulo hay không.
Trong khi đó, Argentina cũng đã bắt đầu một cuộc điều tra nội bộ tại Cơ quan Bầu cử Quốc gia - cơ quan đã giám sát bầu cử và kiểm kê các đóng góp, chi phí của các chiến dịch, sau vụ bê bối rò rỉ thông tin người dùng Facebook có liên quan tới Cambridge Analytica.
Vào 11/4 tới, Mark Zuckerberg sẽ phải có mặt tại phiên điều trần của Quốc hội Mỹ liên quan vụ rò rỉ dữ liệu nghiêm trọng này.