Nhà nước vẫn nợ nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp

VietTimes -- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc bức xúc vì Luật sửa đổi các luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh đã không được đưa vào chương trình nghị sự năm 2017, còn Luật sư Trương Trọng Nghĩa thì cho rằng chưa có luật Biểu tình là Nhà nước nợ nhân dân.
Nhiều quy định của các luật về doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh đang trong tình trạng “ông chẳng bà chuộc”.
Nhiều quy định của các luật về doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh đang trong tình trạng “ông chẳng bà chuộc”.

Nhiều quy định trong luật chẳng giống ai

Dự kiến năm 2017 QH sẽ xem xét và thông qua 31 dự án, trong đó có 29 dự án luật, 1 nghị quyết và 1 pháp lệnh. Như vậy là 2 dự án luật mà dư luận rất quan tâm trong thời gian qua là Luật sửa đổi các luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh và Luật Biểu tình đã không được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2017 của QH.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (TM&CNVN) Vũ Tiến Lộc nói thẳng: “Tôi thật sự thất vọng về việc chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội đã không có nội dung xem xét thông qua Luật sửa đổi các luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh như Chính phủ đã đề nghị”

Mặc dù sau đó, về việc này, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu có giải thích: “Đây là dự án luật đã được UBTV QH thảo luận rất kỹ tại phiên họp 50 của UBTV QH khóa XIII. Chính phủ đưa ra đề nghị, chưa có tờ trình, chưa có hồ sơ, chưa bảo đảm tất cả các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. UBTV QH tán thành với chủ trương của Chính phủ cần phải tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh, đưa đất nước ta tiếp tục phát triển”.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thất vọng về việc chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Vì sao vị Chủ tịch Phòng TM&CN VN lại tỏ ra bức xúc như vậy?

Ông Lộc cho rằng: “Nhiều quy định của các luật về doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh đang trong tình trạng “ông chẳng bà chuộc” về cách thức tiếp cận, chồng chéo về nội dung, thiếu tính đồng bộ và nhất quán, không tương thích, thiếu liên thông, luật chồng lên luật, bộ lẫn địa phương, Chính phủ làm thay doanh nghiệp. Luật nhà ở không thống nhất với Luật đất đai, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư đi một đằng, luật chuyên ngành đi một nẻo.

Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp được thiết kế theo phương án chọn bỏ, trong khi luật chuyên ngành lại làm theo cách chọn cho. Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư bảo hậu kiểm nhưng luật chuyên ngành vẫn thiên về tiền kiểm. Luật đầu tư quy định bộ, ngành không được ban hành điều kiện kinh doanh, trong khi một số luật chuyên ngành vẫn giao cho bộ, ngành để ra giấy phép mới. Luật doanh nghiệp nói doanh nghiệp không cần con dấu, trong khi luật chuyên ngành vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải đóng dấu vào tài liệu, giấy tờ gửi cho các cơ quan nhà nước, v.v...”.

Chưa dừng lại ở đó, ông Vũ Tiến Lộc còn trở nên gay gắt hơn: “Thú thực, so với ASEAN và quốc tế thì một số quy định trong luật pháp của ta chẳng giống ai, môi trường kinh doanh vẫn còn chằng chịt những ràng buộc vô lý, chi phí kinh doanh cao cả chính thức và phi chính thức, buộc nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp phải sang tận Singapore để khai sinh.

Chỉ riêng trong danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện vừa được quy định tại Luật đầu tư năm 2014 cộng đồng kinh doanh đã kiến nghị và các cơ quan chức năng đã thống nhất phải bãi bỏ ít nhất 70 ngành nghề và 10 ngành nghề khác phải được điều chỉnh cho phù hợp vì các ngành nghề kinh doanh kể trên không thực sự cần thiết vì không hội đủ các điều kiện theo quy định của Hiến pháp, không rõ mục tiêu quản lý và thiếu tính khả thi, nhưng Chính phủ vẫn phải thể chế hóa bằng nghị định chỉ bởi đã được quy định trong luật và trong không ít trường hợp người dân và doanh nghiệp, thậm chí cả cơ quan quản lý cũng không biết đường nào mà lần, quả trứng có trước hay con gà có trước vì các luật khác nhau lại quy định khác nhau”.

Đồng thời Chủ tịch Phòng TM&CN VN cũng chỉ ra rằng: “Qua rà xét bước đầu, chúng tôi thấy ít nhất có 50 luật và khoảng 150 điều khoản trong các luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh cần được xem xét sửa đổi, đặc biệt là các thủ tục về đầu tư đất đai, quy hoạch môi trường xây dựng. Đây thực sự đang là những nút thắt cần phải tháo gỡ sớm để tạo thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì những lý do như đã nêu trên Chủ tịch Phòng TM&CN VN khẩn thiết đề nghị: “Việc rà xét sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh do vậy là một yêu cầu cấp bách của thực tiễn và cũng là yêu cầu nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam về tự do hóa trong thương mại và đầu tư theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới TPP, EVFTA đã được ký kết và đi vào thực tiễn trong thời gian tới”.

Ông Lộc nói tiếp: “Chúng ta đang rất cần có tư duy mới và linh hoạt cả trong chương trình xây dựng pháp luật và quy trình làm luật ở QH vì chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi và hội nhập với tốc độ chóng mặt. Chỉ cần chậm một kỳ họp QH, tức là chúng ta chậm thêm 6 tháng. Chúng ta mất đi cơ hội và niềm tin của người dân, cản trở tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo việc làm cho con em chúng ta đến nửa kế hoạch một năm. Đấy thực sự là lãng phí lớn và là trách nhiệm của cả Chính phủ và QH”.

Chưa thông qua Luật Biểu tình là nợ dân

Luật sư Trương Trọng Nghĩa đã yêu cầu phải đưa dự thảo Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2017. Luật sư Nghĩa nói: “Tôi đề nghị cho ý kiến dự thảo Luật biểu tình vào kỳ họp thứ 4 tức là tháng 10/2017 và thông qua vào kỳ họp thứ 5 hoặc kỳ họp thứ 6/2018”.

Trước đây, khi còn trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Tấn Dũng đã từng nhấn mạnh: “Hiện nay chúng ta vẫn hạn chế một số quyền con người, trong đó có quyền biểu tình và bằng văn bản dưới luật như hiện nay là trái với Hiến pháp”. Còn theo Luật sư Trường Trọng Nghĩa thì “việc ban hành Luật Biểu tình là nhằm triển khai Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân”.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng việc hạn chế một số quyền con người như hiện nay là trái với Hiến pháp

Luật sư Nghĩa nói: “Công việc này các nghị quyết của Bộ Chính trị từ năm 2005, các nghị quyết Đảng gần đây đã đề ra làm luật là để có hành lang pháp lý cho nhân dân thực hiện quyền hiến định của mình và Nhà nước thực thi trách nhiệm quản lý của mình. Quyền biểu tình, gọi chính xác theo Công ước quốc tế là quyền tụ họp hòa bình. Nhiều nước cũng dùng cụm từ này. Hiến pháp năm 1946 (lúc đó chưa có Công ước về quyền con người) đã dùng từ là “quyền hội họp”.

Ngay sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập được ít ngày thì ngày 13/9/1945, Hồ Chủ tịch đã ra sắc lệnh về quyền biểu tình. Quyền đó được thực thi, chỉ cần xin phép chính quyền địa phương trước 2 ngày. Chúng ta biết 10 ngày sau Cách mạng Tháng 8 thì tình hình căng thẳng như thế nào.

Biểu tình cần được hiểu theo nghĩa rộng, theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013. Công ước quốc tế là tụ họp hòa bình bao gồm cả tụ họp để hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch. Tụ họp để đáp ứng nhu cầu tâm linh như tang lễ, lễ hội, nhu cầu bày tỏ nguyện vọng, chính kiến, tình cảm. Tính công khai và tính tập thể là 2 đặc trưng chủ yếu của quyền này. Biểu tình theo nghĩa này không chỉ và không nhất thiết phải ở ngoài đường phố, ngoài công viên và không được phép xâm phạm quyền, lợi ích của người khác, xã hội, đất nước. Vì vậy, quyền biểu tình là quyền hiến định. Theo Hiến pháp Nhà nước phải có nghĩa vụ tôn trọng, công nhận, bảo vệ, bảo đảm các quyền ấy. Do đó, chúng ta phải làm luật để tạo hành lang pháp lý cho nhân dân thực hiện quyền và Nhà nước thực hiện trách nhiệm của mình, không phải có Luật biểu tình thì người dân mới có quyền này, chưa có luật là Nhà nước nợ nhân dân”.

Theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền, quan hệ xã hội càng phức tạp thì càng cần phải quản lý bằng luật. Vì vậy, ông Trương Trọng Nghĩa khẳng định: “Chúng ta đã và đang quản lý bằng luật các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền đình công, bãi công, quyền tự do tín ngưỡng, quyền bí mật đời tư, quyền tự do bí mật thư tín, quyền suy đoán vô tội, quyền bào chữa bằng luật thì không có lý do gì không thể và không sớm làm việc này đối với quyền tụ họp hòa bình và quyền lập hội”.

Theo ông Nghĩa, “Với trình độ lập pháp của Chính phủ, QH và đội ngũ chuyên gia pháp lý hiện nay, chúng ta hoàn toàn có cơ sở và khả năng trả món nợ lập pháp này đối với nhân dân. Trong lúc chờ đợi tôi đề nghị có sự phân biệt rõ những kẻ lợi dụng quyền biểu tình hay người biểu tình để chống phá nhà nước, gây mất an toàn, an ninh cho quốc gia, cho xã hội. Với đa số người dân yêu nước, có trách nhiệm với xã hội thực hiện quyền hiến định của mình, cần phải có chính sách, biện pháp minh bạch, nhất quán về việc này. Phải xử những kẻ xấu và bảo vệ công dân tốt trong việc quản lý biểu tình”.