Nhà máy bột giấy Lee&Man có khả năng bị đóng cửa

Bộ Công Thương đã đề xuất với Chính phủ không cho phép tiếp tục triển khai dự án Nhà máy sản xuất bột giấy của Công ty TNHH Lee&Man (Hậu Giang) do không đáp ứng được các điều kiện về môi trường. 
Dự án của Công ty TNHH Lee&Man tại huyện Châu Thành (Hậu Giang). Ảnh:TL
Dự án của Công ty TNHH Lee&Man tại huyện Châu Thành (Hậu Giang). Ảnh:TL

Nếu đề xuất này được thông qua thì công ty đến từ Hồng Kông (Trung Quốc) sẽ chỉ còn lại một nhà máy sản xuất giấy.

Theo Bộ Công Thương, khu vực Tây Nam bộ có địa hình thấp, hệ thống sông ngòi đan xen nên không phù hợp khi trồng cây nguyên liệu giấy và việc sản xuất bột giấy từ gỗ phải dùng nhiều hóa chất nên nguy cơ ô nhiễm môi trường là rất lớn.

Không phải đến bây giờ, cơ quan chức năng mới phát hiện ra chuyện này. Cách đây 9 năm, khi Công ty TNHH Lee&Man nộp đơn xin đầu tư dự án nhà máy sản xuất bột giấy 330.000 tấn/năm tại Châu Thành (Hậu Giang), Hiệp hội chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản báo cáo Bộ NN&PTNN đề nghị bộ có ý kiến chính thức vì dự án có nguy cơ gây bức tử sông Hậu, ảnh hưởng nặng nề đến nguồn lợi thủy sản khu vực ĐBSCL. Lý do là nhà máy sản xuất bột giấy sẽ thải ra môi trường xút (NaOH), chất thải đặc biệt nguy hiểm sau cyannua, thạch tín mà lại không đầu tư hệ thống xả thải đảm bảo yêu cầu an toàn.

Tại dự án gồm hai nhà máy thì sản xuất bột giấy là dự án lớn, chiếm hơn nửa diện tích và dự kiến sẽ xả ra môi trường khoảng 28.500 tấn xút mỗi năm ra sông Hậu.

Khi dân cư các khu vực ven sông Hậu lên tiếng phản ứng về dự án này, VASEP lại tiếp tục gửi kiến nghị lên Bộ Tài nguyên và Môi trường, dẫn đến việc Chính phủ yêu cầu bộ này và UBND tỉnh Hậu Giang thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các điều kiện môi trường tại đây.

Về việc chỉ đề xuất dừng dự án nhà máy sản xuất bột giấy, theo Bộ Công Thương, vì dự án nhà máy sản xuất giấy Lee&Man được UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư khi mà thiết kế cơ sở chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt là sai phạm nhưng nếu đáp ứng được các điều kiện môi trường thì vẫn có thể cho phép đi vào hoạt động. Bởi lẽ quy trình sản xuất giấy bao bì từ giấy các tông ít sử dụng hóa chất hơn, khả năng ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn là nguyên phụ liệu đã được loại ra trong quá trình tuyển lựa nguyên liệu giấy.

Trao đổi với TBKTSG Online vào chiều nay 22-7 về đề xuất trên của Bộ Công Thương, ông Hồ Văn Phú, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang, cho biết sở này chưa nhận được bất cứ thông tin gì. “Tôi vẫn đang đợi kết quả thanh tra”, ông nói.

Trong lúc đó, ông Võ Tá Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, cũng cho biết chưa nắm được thông tin về việc Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ dừng dự án nhà máy bột giấy của Lee&Man. Tuy nhiên, theo ông Thắng, “địa phương có được dự án thì tốt, còn không được thì cũng phải chấp nhận, chứ lỡ dòng sông Hậu sau này bị “tê liệt” thì hậu quả lớn lắm. Vì thế, bộ xử lý thế nào mình cũng thống nhất thôi”, ông Thắng cho biết.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 1,2 tỉ đô la Mỹ, trong đó dự án nhà máy bột giấy có công suất 330.000 tấn sản phẩm/năm với tổng vốn đầu tư 348 triệu đô la Mỹ; dự án nhà máy giấy bao bì cao cấp có công suất 420.000 tấn/năm với số vốn đầu tư 280 triệu đô la Mỹ.

Dự án được UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt là vi phạm các quy định về quy trình cấp phép vì dự án này thuộc nhóm A, phải trình thiết kế cơ sở lên bộ chứ địa phương không được phép phê duyệt.

Dự án này, ngay từ khi xin cấp phép, cũng đã không nhận được sự đồng tình của Bộ NN&PTNN với lý do không nằm trong “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010” và vùng sông Hậu cũng không quy hoạch nguyên liệu giấy.

Theo TBKTSG