|
Tin nhắn tuyên truyền bầu cử được gửi tới các thuê bao di động. |
Các nhà mạng lớn như Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, Gmobile và hai mạng di động "ảo" I-Telecom, Reddi đều đã triển khai âm thông báo nêu trên tới thuê bao trên toàn mạng lưới. File âm thanh trên do Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) trực tiếp gửi các doanh nghiệp để cài đặt.
Theo thông tin từ Cục Viễn thông, âm thông báo mặc định tuyên truyền về bầu cử sẽ kéo dài đến hết ngày 23/5. Sau đó, âm thông báo tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 sẽ được phát trở lại.
Trước đó, nhằm thực hiện tuyên truyền về bầu cử, Cục Viễn thông đã đề nghị các nhà mạng gửi tin nhắn tuyên truyền tới thuê bao trên toàn mạng lưới. Cụ thể, đợt 1 các nhà mạng gửi tin nhắn trong 4 ngày 14, 16, 18, 20/5 từ tài khoản "HĐBCQG", với nội dung: "Sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân bầu vào Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026!". Theo thống kê hết đợt 1, ba nhà mạng lớn Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone đã gửi khoảng 1,5 tỉ bản tin tới thuê bao trên toàn mạng lưới.
Đợt 2, nhà mạng gửi tin nhắn vào buổi sáng các ngày 21, 22, 23/5, với nội dung: "Hội đồng Bầu cử quốc gia đề nghị cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23-5-2021!".
Bên cạnh đó, các nhà mạng cho biết đã chuẩn bị phương án nhằm vận hành khai thác mạng lưới an toàn, hiệu quả trong mọi tình huống. Đồng thời, các đơn vị sẵn sàng các phương án tối ưu như mở băng thông đường truyền internet, lắp đặt bổ sung trạm wifi, tăng cường phát sóng lưu động, bảo đảm an ninh các dịch vụ kết nối… Các nhà mạng cũng quán triệt đến toàn thể đội ngũ nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện ngăn chặn các hành vi lợi dụng mạng lưới viễn thông và internet phát tán nội dung trái pháp luật, bảo vệ các trang thông tin điện tử khỏi các cuộc tấn công mạng.