|
Kế sách lâu dài chống dịch hiệu quả là phải đầu tư, nghiên cứu ra loại vaccine thích ứng. |
Trong những ngày hè nắng lửa, trong nước xuất hiện những “cơn lốc xoáy” từ “cơn bão” mang tên dịch tả lợn châu Phi càn quét khắp nông thôn và thành thị, gây hậu quả vô cùng lớn với người dân và xã hội.
Kể từ khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại Hưng Yên và Thái Bình ngày 19/2/2019, tính đến nay, đại dịch này đã lan ra 4.068 xã, 413 huyện của 55 tỉnh, thành; khiến hơn 2,5 triệu con lợn (gần 150.000 tấn) bị tiêu hủy. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phải kêu gọi doanh nghiệp, người dân dự trữ thịt lợn là thông tin báo hiệu không mấy lạc quan cho kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp do bộ này xây dựng từ cuối năm 2018 đã không còn mấy ý nghĩa.
|
Kể từ khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại Hưng Yên và Thái Bình ngày 19/2/2019, tính đến nay, đại dịch này đã lan ra 4.068 xã, 413 huyện của 55 tỉnh, thành; khiến hơn 2,5 triệu con lợn (gần 150.000 tấn) bị tiêu hủy.
|
Xin chưa bàn tới những yếu tố kỹ thuật, tác hại của dịch tả lợn châu Phi về kinh tế và sức khỏe con người, môi trường mà chỉ bàn tới các vấn đề phòng, chống dịch đã thấy có nhiều bất cập.
Ngay từ khi Trung Quốc công bố dịch tả lợn châu Phí thì ngành NN&PTNT ở ta đã có những động thái chuẩn bị, nhằm huy động lực lượng, phương tiện, khinh phí để dập dịch. Đáng chú ý là, sau một thời gian dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu giảm lây lan thì Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và phổ biến đến từng chi bộ; Thủ tướng Chính phủ cũng ra chỉ thị, gửi công điện chỉ đạo dập dịch quyết liệt.
Thế nhưng, gần 4 tháng qua, sự nỗ lực của ngành nông nghiệp chỉ như muối bỏ biển, không mang lại nhiều kết quả như mong đợi. Các biện pháp tiêm phòng, cô lập ổ dịch, tẩy trùng, tiêu hủy... được các địa phương tiến hành nhưng dịch vẫn cứ lan nhanh, sống khỏe. Hậu quả là vốn và công sức đầu tư, “nồi cơm” của nhiều hộ gia đình nông thôn và thành thị ở ta mất trắng. Anh Mai Lợi ở Tây Đô, Hưng Hà, Thái Bình, chủ một trang trại nuôi lợn cho biết, gia đình vừa gượng dậy và củng cố chăn nuôi sau đợt giá lợn chạm đáy không được bao lâu thì giờ lại đến dịch này. Anh quyết định chuyển nghề vì không còn niềm tin.
|
Nhà nước đã đầu tư rất nhiều cho công tác phòng chống dịch lợn châu Phi, nhưng xem ra vẫn như muối bỏ bể.
|
Với người Việt Nam, thịt lợn trong bữa cơm hàng ngày chiếm tỷ trọng lớn. Thế nên, trong cơ cấu ngành chăn nuôi, nuôi lợn chiếm phần đa và có số lượng người tham gia lao động lớn hơn nhiều ngành khác. Với cách chăn nuôi thiếu vốn và nhỏ lẻ, nhiều cách thức lạc hậu và chưa ứng dụng nhiều khoa học công nghệ, ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam còn yếu trước đại dịch. Dù Nhà nước đã dành kinh phí hỗ trợ chống dịch nhưng chẳng thấm tháp gì so với cái mất người dân bỏ ra. Nhiều hộ nông dân thả lợn chết trên sông, kênh rạch, không tiêu hủy, thậm chí nhiều thương lái cố tình bán lợn dịch ra thị trường là điều kiện để dịch lợn phát sinh, không kiểm soát được. Điều này đã cho thấy công tác tuyên truyền phòng, chống dịch và quản lý thị trường của ta rất kém hiệu quả.
Trong công tác phòng, chống, dù đã có kế hoạch ứng phó khẩn cấp, dù có sự phối hợp chuẩn bị khá kỹ của ngành thú y và chăn nuôi cùng chính quyền các địa phương nhưng hiệu quả vẫn rất thấp. Đặc biệt, khi đại dịch xảy ra, chẳng thấy nhiều bóng dáng các nhà khoa học nông nghiệp được nhắc đến. Dưới góc độ pháp lý, việc triển khai thí điểm bảo hiểm đàn lợn cho người dân đã được Nhà nước triển khai nhiều năm nhưng chưa được đánh giá về tính hiệu quả, nhân rộng.
Khi nghiên cứu kế hoạch ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi do Bộ NN&PTNT xây dựng và được Chính phủ phê duyệt từ tháng 10/2018, nhiều người ngán gẩm khi thấy tổng kinh phí dành cho chống dịch của năm 2018 và 2019 rất mất cân đối, cụ thể: Kinh phí dành mua hóa chất sát trùng phục vụ phòng, chống dịch chỉ là 927.000.000/48.868.659.832 (chiếm khoảng 0,017%), nhưng kinh phí để tuyên truyền là 4.301.000.000/48.868.659.832 (chiếm 0,88%), lớn hơn tới 7 lần so với mua hóa chất sát trùng. Ấy nhưng, chẳng biết tuyên truyền thế nào mà ý thức chống dịch của dân vẫn chẳng hề nâng cao, lợn dịch vẫn cứ tuồn vào các chợ để tiêu thụ.
Cũng thông tin thêm là, đến ngày 14/6, Bộ NN&PTNT công bố kết quả bước đầu mà nhóm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện cho thấy, có triển vọng về việc tìm ra vaccine ngăn dịch tả lợn châu Phi. Theo các chuyên gia, nếu có tìm ra loại vaccine thích ứng phòng, chống dịch cũng phải mất cả năm trời nữa mới đưa vào ứng dụng rộng rãi được. Trong khi đó, kế hoạch hành động do ngành NN&PTNT xây dựng để đối phó với dịch được ban hành từ cuối năm 2018 và trước đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã bị dịch này, trong đó có Trung Quốc ở sát nách Việt Nam.
|
Rất cần các nhà khoa học nông nghiệp đầu tư công sức, trí tuệ và tâm huyết, sớm tìm ra loại vaccine thích ứng để cứu nông dân.
|
Trong khi nông dân, người chăn nuôi lợn loay hoay, chính quyền đôn đốc phòng, chống dịch thì ngành thức ăn chăn nuôi và các doanh nghiệp ở lĩnh vực này chưa có những động thái ủng hộ người nông dân bị thiệt hại. Đây được xem là điều đáng chê trách.
Phòng, chóng dịch tả lợn châu Phi cũng giống như phòng, chống bão lụt, thiên tai. Việc đầu tiên là phải xác định được kịch bản của dịch ở các mức độ khác nhau để qua đó huy động lực lượng, phương tiện, kinh phí, tập trung nguồn lực tại chỗ, xử lý dứt điểm và hiệu quả. Việc xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp chung chung, tỷ trọng kinh phí dành cho việc dập dịch mất cân đối, không xác định được nơi nào có nguy cơ dịch cao cũng như tỷ lệ dịch ở từng giai đoạn khiến ngành nông nghiệp loay hoay trong vòng luẩn quẩn: Phát hiện, cô lập, dập dịch, tiêu hủy lợn mà không có những biện pháp kỹ thuật quyết liệt, mạnh mẽ hơn thì hậu quả người dân và xã hội gành chịu là không tránh khỏi.
Thế nên, để người nông dân không bị tổn thất, không phải trả giá đắt cho đầu tư thất bại từ đại dịch tả lợn châu Phi, rất cần các nhà khoa học nông nghiệp đầu tư công sức, trí tuệ và tâm huyết, sớm tìm ra loại vaccine thích ứng. Đó là kế sách lâu dài chống dịch hiệu quả và cũng chẳng phải lên kịch bản xử lý chống dịch cho tốn kém.