Trách nhiệm phát ngôn trên MXH:

Nhà báo nêu quan điểm cá nhân trái chiều với tòa soạn: Hãy về nhà viết MXH kiếm sống!

VietTimes – Khi đã làm việc cho một tờ báo, không thể nói MXH là trang cá nhân của tôi, tôi muốn viết gì thì viết. Nếu muốn vậy, bạn đừng làm nghề nữa, về nhà viết MXH kiếm sống thôi!
Nhà báo Đinh Bích Ngọc.
Nhà báo Đinh Bích Ngọc.

Nhà báo Đinh Bích Ngọc – người có thâm niên gần 20 năm làm báo và truyền thông cho thương hiệu thương mại và cả thương hiệu cá nhân cho nhiều người nổi tiếng – thẳng thắn nêu quan điểm trong cuộc trao đổi riêng với VietTimes về chủ đề trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội (MXH) của nhà báo.

Cuộc chơi nào không có luật?!


- Xét về tổng thể, hiện nay thông tin trên MXH đã có những thay đổi rõ rệt. Trước đây MXH gần chỉ để giải trí thì nay đã trở thành công cụ làm việc. Ngay như Tổng thống Donald Trump cũng sử dụng Twitter như một phương tiện để đưa ra những tuyên bố, chủ trương. Còn ở Việt Nam, câu chuyện về tự do ngôn luận, “mỗi người dân là một nhà báo” đang trở thành trào lưu. Liệu có phải bối cảnh ấy khiến vai trò của nhà báo, của người nổi tiếng trở nên mờ nhạt, thưa chị?

Nhà báo Đinh Bích Ngọc: Tôi thấy trào lưu “mỗi người dân là một nhà báo” như bạn nói tự nhiên thấy chạnh lòng quá. Từ rất lâu rồi, nhiều người làm báo đã coi mạng xã hội là nơi để lấy tin, coi đó là nguồn tin mà đôi khi còn không cần kiểm chứng độ xác thực. Vậy vai trò của người định hướng dư luận, định hướng xã hội ở đâu?

Nhà báo có điều kiện, nguồn tin và địa vị pháp lý, thẩm quyền đưa tin cao hơn. Nhờ thế nhà báo xác lập độ tín nhiệm cao hơn.

Thay vì có thể coi ý kiến của cư dân mạng là nguồn tham khảo, thì nhiều người đã coi đó là nguồn chính thống, kể cả đối với những người làm báo. Không phải ai dùng mạng xã hội cũng hiểu và ý thức được những gì mình viết ra sẽ có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến người khác. Thậm chí không hiểu cả về luật pháp, dẫn đến đôi khi đưa tin, chia sẻ tin tức nào đó chỉ để… cho vui mà không nghĩ đến hệ lụy sau đó.

Còn tất nhiên rồi, nhà báo hay người nổi tiếng thì cũng là con người, đôi khi vì nóng giận hay vì vui quá cũng hay quên mất vai trò, vị trí của mình đối với xã hội. Nhưng họ phải tỉnh táo để hạn chế những phát ngôn sai lầm. Nhất là đối với người nổi tiếng, khi bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng xã hội đều cần sự cẩn trọng hơn người bình thường bởi tầm ảnh hưởng của họ với đám đông là rất lớn.

Với nhà báo, như tôi đã nhắc, vai trò của họ rất có uy tín, bởi vậy nói ra điều gì cũng cần cân nhắc thật kỹ. Thể hiện quan điểm vừa là thể hiện kiến thức, vừa thể hiện văn hóa của mỗi người. Vậy hãy cố gắng trước khi viết gì, nói gì, hãy suy nghĩ thấu đáo mới nên chia sẻ.

Người nổi tiếng, khi bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng xã hội, cần sự cẩn trọng hơn người bình thường bởi tầm ảnh hưởng của họ với đám đông là rất lớn. Ảnh minh họa: BCA.
Người nổi tiếng, khi bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng xã hội, cần sự cẩn trọng hơn người bình thường bởi tầm ảnh hưởng của họ với đám đông là rất lớn. Ảnh minh họa: BCA.

- Vậy theo chị, nhà báo, người nổi tiếng nên lưu ý gì khi bày tỏ quan điểm cá nhân trên MXH?

Nhà báo Đinh Bích Ngọc: Rất khó nói được điều này. Không ai có thể dạy ai phải làm thế nào, vì mỗi người có ý thức, kiến thức và nền tảng văn hóa khác nhau. Trước khi nghĩ đến cộng đồng, xã hội, còn cần phải nhớ là đừng làm gì để ảnh hưởng đến hình ảnh cũng như công việc của chính bản thân mình khi viết gì đó trên mạng xã hội.

- Đã có nhiều ý kiến dấy lên tranh luận về việc cần phải yêu cầu phóng viên không được thể hiện quan điểm cá nhân trên MXH trái chiều với quan điểm của tòa soạn. Theo chị, việc này có nên không? Việc này có lợi - hại như thế nào?

Nhà báo Đinh Bích Ngọc: Cá nhân tôi ủng hộ điều này. Đừng có thể hiện mình giỏi hay mình hay. Là nhà báo, trước hết phải đúng đã!

Và bạn tin không, không có tòa soạn nào có quan điểm đi ngược lại với quy định của Nhà nước và Pháp luật cả. Khi đã làm việc trong một tòa soạn, không thể nói là mạng xã hội là trang cá nhân của tôi, tôi muốn viết gì thì viết. Nếu muốn vậy, bạn đừng làm nghề nữa, về nhà viết mạng xã hội kiếm sống thôi. Mà ngay cả như thế, bạn cũng không thể đi ngược lại với quy định của pháp luật được.

Cuộc chơi nào chẳng có luật?!

Bôi nhọ người khác vì muốn trở thành hot-facebooker 


- Trong bối cảnh nhiều luồng thông tin trên MXH, những thông tin bôi nhọ, nói xấu lại có ưu thế về lan tỏa hơn những thông tin đích thực. Đối với những người đang trở thành chủ đề nói xấu, bôi nhọ nên có phản ứng như thế nào để bảo vệ chính mình, xin chị cho ý kiến?

Nhà báo Đinh Bích Ngọc: Bản chất của mạng xã hội là để kết nối bạn bè, là ngôi nhà trên không gian internet mà ở đó chúng ta có thể trưng bày những đồ vật, món ăn, suy nghĩ, nhận định điều gì đó… như một cuốn nhật ký cá nhân nhưng muốn mọi người cùng nhìn thấy và chia sẻ cảm xúc với mình.

Gần đây nhiều người còn sử dụng mạng xã hội như một kênh kinh doanh online hiệu quả. Nhưng cũng chính vì thế, đôi khi ai cũng muốn thành hot-facebooker để có thể thu hút nhiều người xem trang của mình.

Điều đó hoàn toàn không xấu nhưng nếu chủ tài khoản… quên mất luật pháp như một số cô gái vừa qua đã làm liên lụy nến hình ảnh của Trấn Thành bằng một status có tính chất bôi nhọ hình ảnh và danh dự của nghệ sĩ, thì đó là vi phạm pháp luật và không thể chấp nhận được. Trấn Thành đã làm việc thông qua luật sư để xử lý vụ việc một cách nhanh chóng để bảo vệ bản thân, đó là hành động thông minh và đúng đắn.

Hay ca sĩ Phương Mỹ Chi cũng thế, ngay khi đọc được tin nhắn bôi xấu gia đình mình, cô bé lập tức nhờ luật sư vào cuộc để xử lý mọi việc theo pháp luật và chủ tài khoản kia là một phụ nữ lớn tuổi đã phải cúi đầu xin cô bé tha thứ.

Đó là những bài học đắt giá cho những người sống mà không hiểu và coi thường luật pháp.

- Hơn chục năm trước, MC Đan Lê (VTC) bất ngờ trở thành nhân vật trong một clip sex để giật gân, câu khách của một tờ báo. Sau khi tòa soạn không hợp tác xử lý thông tin, Đan Lê đã khởi kiện ra TAND Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội và thắng kiện. Nhiều người nói đây là vụ việc điển hình cho cách xử lý thông tin khi bị tung tin bôi nhọ, thông tin xấu độc. Với quan điểm cá nhân, chị coi cách giải quyết ở tòa án này có phải là tối ưu không?

Nhà báo Đinh Bích Ngọc: Mỗi người có một cách để xử lý tai nạn. Không ai muốn phải mang nhau ra tòa án để giải quyết, tôi tin là kể cả Đan Lê cũng thế thôi.

Chẳng qua là kỳ cùng đắc dĩ chứ ai muốn tự đưa mình vào sự mệt mỏi làm gì. Con người, ngoài ý thức phải sống có đạo đức và đúng pháp luật, thì còn cần phải biết xin lỗi khi lỡ làm sai. Nếu thế thì cũng đã đỡ hơn nhiều rồi. Trấn Thành cũng không cần cho mấy cô bé kia ra tòa, vì bạn ấy rất thương người và làm mọi việc có lý có tình mặc dù hành vi của những cô gái kia làm tổn hại rất lớn không chỉ tinh thần mà cả vật chất của Thành. Nhưng Thành đủ tử tế để cố gắng tự xoa dịu mình và fans.

Còn việc của Đan Lê thì không thể không nhờ đến tòa án. Cô ấy làm thế là quá đúng. Muốn thương cũng không được nữa rồi.

Đừng làm điều pháp luật không cho phép, dù bạn là ai

Nhà báo Đinh Bích Ngọc (hàng sau) trong cuộc hội ngộ giữa Hoàng Thùy Linh, Mạc Hồng Quân và Phạm Đức Huy.
Nhà báo Đinh Bích Ngọc (hàng sau) trong cuộc hội ngộ giữa Hoàng Thùy Linh, Mạc Hồng Quân và Phạm Đức Huy.

- Đồng ý với chị rằng Đan Lê đã có quyết định rất đúng trong tình huống cụ thể của cô ấy. Thực tế, hơn chục năm qua, đã có rất nhiều vụ việc tương tự xảy ra nhưng đã có bao nhiêu nạn nhân dám lên tiếng để tự vệ? Nhiều ý kiến cho rằng việc nạn nhân của các vụ bị xâm hại đời tư thường có tâm lý ngại đụng chạm đến báo chí bằng biện pháp kiện ra tòa. Trong khi đó, khởi kiện ra tòa mới chính là con đường nên chọn khi bị báo chí xâm phạm đời tư. Chị bình luận gì về điều này?

Nhà báo Đinh Bích Ngọc: Tôi nghĩ chắc trước đây mới như thế, chứ hiện nay người ta không còn cảm giác phải sợ hay ngại khi bị xâm hại đời tư nữa. Tất nhiên rồi, nếu không còn cách nào, hãy tự bảo vệ mình bằng luật pháp.

- Là một nhà báo, một người có ảnh hưởng trong giới truyền thông, mỗi bài đăng trên trang cá nhân của chị đều thu hút cộng đồng. Xin chị bật mí, có điều gì tự lưu ý với chính mình mỗi khi post thông tin trên Facebook?

Nhà báo Đinh Bích Ngọc: Cảm ơn bạn đã quá lời khi nhận định về tôi. Tôi chỉ là nhà báo được biết đến nhiều trong giới showbiz bởi nếu tính từ ngày viết báo thì cũng hơn 20 năm rồi. Tôi hay viết về nghệ sĩ và đang làm việc cho nhiều người nổi tiếng cho nên cũng có vẻ có uy tín (cười).

Mạng xã hội là cơ quan thông tấn cá nhân được công khai với nhiều người chứ không chỉ là nhật ký cho riêng mình cho nên không phải cứ thích viết gì thì viết. Ngay cả khi bạn viết nhật ký vào cuốn sổ chẳng hạn, nhưng nếu bạn xâm hại đến danh dự, uy tín của người khác hoặc viết điều gì trái quy định của nhà nước và pháp luật, một ngày nào đó bạn sẽ phải đối diện với luật pháp. Nhất là khi mình là nhà báo, lại hợp tác làm việc với nhiều người nổi tiếng như cầu thủ hay hoa hậu, thì càng không thể làm gì sai trên trang mạng cá nhân của mình được. Làm gì cũng cần có văn hóa.

Bản thân là người làm báo, tôi tự hào và ý thức rất rõ về nghề nghiệp của mình. Định hướng dư luận xã hội, đưa tin trung thực và góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn là sứ mệnh của mỗi nhà báo. Nói thì có vẻ to tát, nhưng đó là sự thật. Đừng làm điều pháp luật không cho phép, có như thế bạn mới có được một cuộc sống đúng nghĩa.

- Xin cảm ơn chị!