Dẫu có tuổi song tin ông ra đi vẫn là bất ngờ với gia đình, người thân, những người làm báo, các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội.
Hồi đầu tháng 7 mới đây, ông vẫn tham dự hội nghị lấy ý kiến góp ý cho luật Báo chí sửa đổi do UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của QH với nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết, trăn trở.
Bắt đầu làm báo chuyên nghiệp từ 8/1957, nhà báo Hữu Thọ có tên khai sinh Nguyễn Hữu Thọ nổi lên là cây bút phóng sự điều tra về nông nghiệp, nông thôn và tiểu phẩm thế sự có dấu ấn trong lòng bạn đọc.
Sự nghiệp báo chí của ông trải dài cho đến khi tham gia công tác quản lý làm Tổng biên tập báo Nhân Dân, rồi Chủ nhiệm khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên ủy viên TƯ Đảng các khoá VII, VIII, ủy viên UB Đối ngoại QH các khoá IX, X; Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa TƯ (1995-2001); Trợ lý Tổng bí thư (2001-2006).
Dấu ấn trong sự nghiệp tư tưởng của nhà báo Hữu Thọ được ghi qua các giải thưởng như Giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất (8/1970) cho kịch bản phim "Lúa trên đất lửa" (đồng tác giả với Phan Trọng Quỳ); bằng danh dự và huy chương Vàng của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ); huân chương kháng chiến hạng nhất; huy chương "Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam"; huy chương "Vì sự nghiệp báo Nhân Dân".
Sau khi nghỉ công tác, nhà báo Hữu Thọ vẫn dành nhiều tâm huyết, trăn trở, chia sẻ kinh nghiệm cho các thế hệ làm báo từ chính thực tiễn nghiệp cầm bút của mình.
Dành sự trân trọng về nghề nghiệp, tư tưởng đối với nhà báo lão thành, VietNamNet thường xuyên mời ông tham gia các cuộc tọa đàm, giao lưu trực tuyến với độc giả trên nhiều vấn đề.
Trong dịp VietNamNet kỷ niệm 15 năm tuổi, nhà báo Hữu Thọ đã dành những dòng viết tâm huyết gửi gắm các thế hệ làm báo mới.
Đó là "Đã dám làm, dám xông xáo thì thế nào cũng có lúc sẩy chân nhưng mong muốn của chúng tôi là VietNamNet đừng vì thế mà nhụt chí, nhất là trong việc tham gia đấu tranh chống tiêu cực và tham gia phản biện trung thực theo yêu cầu của Đảng, làm cho tờ báo ngày càng có uy tín với người đọc và bổ ích với xã hội".
Thẳng thắn, trực diện, gai góc, không ngại chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế biện chứng cùng đóng góp những kiến nghị tâm huyết trong các vấn đề là phong cách thường trực của nhà báo Hữu Thọ.
Trong cuộc hội thảo quốc gia "90 năm Báo chí Cách mạng VN - Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm", ông từng thẳng thắn nêu bên cạnh những nhà báo tài năng, tận tụy, khiêm tốn, xã hội cũng đang nói đến những hiện tượng tiêu cực trong ứng xử của nhà báo như trịch thượng, ngạo mạn, cố chấp, không chịu nhận sai...
"Đó là hai căn bệnh "lệch thị" - chỉ nhìn một phía, và "nghẽn tai" - chỉ nghe một chiều. Hai bệnh đó không chỉ có ở nhà báo, nhưng với nhà báo thì nó thành tác phẩm có sức lan tỏa trong xã hội, rất nguy hiểm".
Trong một lần trao đổi, nhà báo Hữu Thọ từng chia sẻ quan điểm về nghề báo rằng: "Khi trong lòng còn hồ nghi thì ngòi bút nên do dự".
Và con người ông trong báo chí, tư tưởng có thể nhìn rõ qua lời Đề từ sách "Người hay cãi": "Tôi không biết viết thế nào để thành công vì mỗi bài báo là một sự thử thách, nhưng tôi chắc chắn bài báo sẽ thất bại nếu làm vừa lòng mọi người".
Theo VNN