Đã có bộ máy quyền lực thì phải có cơ chế giám sát. Một đảng duy nhất cầm quyền càng phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, chống lạm quyền |
Nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu |
Không được quên nhân dân
* Trưởng thành từ một người lính rồi lên đến cương vị tổng bí thư, xin ông chia sẻ suy nghĩ của mình trong dịp kỷ niệm 85 ngày thành lập Đảng.
- Thành lập ngày 3-2-1930, đến mùa thu năm 1945 Đảng ta có 5.000 đảng viên đã lãnh đạo nhân dân làm cuộc cách mạng long trời lở đất, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc. Và chỉ 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, thực dân Pháp với dã tâm xâm chiếm nước ta một lần nữa đã nổ súng tấn công các trụ sở của chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta tại Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Lúc bấy giờ tôi mới 14 tuổi, tham gia Đội thiếu niên cứu quốc ở quê tôi và làm đội trưởng. Trong những năm tháng hoạt động cách mạng sôi nổi ở quê nhà, trước khi được Đảng bổ sung vào quân đội, tôi gặp các anh bộ đội đến đóng quân ở làng mình thì thấy có những anh bộ đội đi chân đất, trang phục chỉnh tề chưa có, súng thật chỉ vài khẩu, còn lại trong tiểu đội toàn đeo súng gỗ.
Thế mà thành đội quân đánh thắng hai cuộc chiến tranh ác liệt, thống nhất Tổ quốc.
Giành được độc lập, thống nhất rồi, Đảng tiếp tục lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới. Từ trong chiến tranh giải phóng cũng như trong hòa bình xây dựng, người dân tin yêu Đảng không chỉ qua những thắng lợi của cách mạng mà cả thái độ dám nhận sai lầm, khuyết điểm để sửa chữa, để vượt qua như trong cải cách ruộng đất, trong quan liêu, bao cấp trước đổi mới…
Trong những ngày này, tôi rất xúc động khi nhớ lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng. Bác nói: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng Đảng ta thật là vĩ đại”.
Cuộc sống của dân tộc, sự phát triển của Đảng ta giúp tôi thấm thía một điều mà tôi đã nhiều lần chia sẻ với đồng chí, đồng đội và đồng bào, xin một lần nữa chia sẻ nhân dịp này: Đó là nếu không có Đảng, quân đội rèn luyện, không có dân chăm nuôi, bảo vệ thì làm sao có ngày hôm nay. Dù ở đâu, làm gì, còn công tác hay không cũng không được quên nhân dân. Ai quên quá khứ là quên chính mình.
* Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, bên cạnh những thành quả đạt được, điều gì của đất nước hôm nay khiến ông còn băn khoăn, trăn trở?
- Nếu nói băn khoăn, trăn trở thì còn nhiều. Đâu đã kê cao tay ngủ yên được. Cách mạng đã đưa nước ta từ chỗ không có tên tuổi trên bản đồ thế giới đến chỗ có thế và lực như ngày hôm nay. Nhưng nhìn ra thế giới, trong so sánh với bạn bè thì ta còn nhiều thua kém. Những năm gần đây đà phát triển kinh tế có phần chững lại. Có những yếu tố khách quan do biến động và khủng hoảng kinh tế thế giới. Về các yếu tố bên trong, cũng có người nói đổi mới đã hết cỡ rồi, theo nghĩa đã hết động lực. Tôi cho không phải vậy. Chúng ta cần xem xét kỹ trong 30 năm qua đã diễn ra những biến đổi sâu sắc, nếu nhận thức và đánh giá tình hình không đúng thì rất khó theo kịp những biến chuyển phức tạp của thời cuộc.
Trong so sánh thì không nên chỉ so sánh ta với chính ta, mà phải so sánh ta với các nước khác. Tất nhiên chưa thể so sánh với Mỹ, với Trung Quốc, với Nhật Bản, châu Âu mà nên so với các nước cùng trình độ. Về phát triển kinh tế và quy mô nền kinh tế (GDP) là điều dễ nhìn thấy nhất. Ngay trong Đông Nam Á ta vẫn đang ở trong nhóm nước thứ ba cùng với Lào, Campuchia. Cho nên các chuyên gia mới cảnh báo không cẩn thận thì chúng ta đang rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, nôm na là cứ loanh quanh ở một trình độ mà không vượt lên được trong khi thiên hạ tiến nhanh hơn.
Tụt hậu - hãy tức với chính mình
* Nhưng có ý kiến cho rằng nước ta với hoàn cảnh khách quan là chiến tranh kéo dài với những hậu quả rất nặng nề?
- Chúng ta đã ra khỏi chiến tranh với tư thế người chiến thắng 40 năm rồi, sau đó có các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, nhưng nhìn lại cũng đã có 30 năm đổi mới, mấy chục năm xây dựng trong hòa bình. Đất nước đã thu được những thành tựu quan trọng, tuy nhiên về kinh tế thì vẫn đứng trong nhóm nước thứ ba ở Đông Nam Á. Ai đó nhận xét ta chậm về kinh tế là đúng, nên lắng nghe và không có gì phải giận dữ. Tôi hiểu rằng mọi so sánh đều khập khiễng. Nhưng ta thử nhìn sang Hàn Quốc, cũng từng trải qua chiến tranh, đất không rộng, dân số và tài nguyên ít hơn ta, dù hoàn cảnh khác nhau vẫn phải thấy rằng họ không thể có được vị trí như ngày hôm nay nếu không phát huy nguồn lực con người, không đi lên bằng kinh tế tri thức.
* Ông muốn nói đến nguy cơ tụt hậu?
- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng và tiếp đó tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng chỉ ra bốn nguy cơ của cách mạng Việt Nam, bao gồm: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới do điểm xuất phát thấp; nguy cơ chệch hướng XHCN nếu không khắc phục được những lệch lạc trong chỉ đạo thực hiện; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác; âm mưu và hành động diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch”. Theo tôi, tư tưởng chủ quan, thỏa mãn có thể dẫn đến tụt hậu mà trong tổ chức, thực hiện kém cũng dẫn đến tụt hậu. Việc xác định bốn nguy cơ nêu trên thể hiện một thái độ rất nghiêm túc của Đảng. Nếu không vượt lên chính mình thì nguy. Đảng đã đưa ra tầm nhìn, đã cảnh báo như vậy, nhưng trên thực tế việc khắc phục chưa được như mong muốn.
Như tôi nói ở trên, khi người ta nhận xét anh rơi vào bẫy thu nhập trung bình thì đừng tức giận người ta, hãy tức chính mình, tức với chính bản thân là tại sao ta lại như thế. Trí tuệ Việt Nam đâu phải thua kém ai. Trong chiến tranh chúng ta yêu nước, dũng cảm, sáng tạo như thế cơ mà. Bây giờ chững lại, không khắc phục sớm thì coi chừng tụt hậu xa hơn. Phải tiếp tục đổi mới đúng hướng, đổi mới toàn diện, đồng bộ và hiệu quả cao hơn.
* Vậy theo ông, vì sao ta vẫn đang đối mặt với nguy cơ tụt hậu?
- Đất nước mình có trên 90 triệu dân, tài nguyên thiên nhiên tuy chưa thật giàu có nhưng còn hơn nhiều nước. Có quan hệ quốc tế rộng mở và được thế giới ủng hộ, tại sao tốc độ đi chưa cao? Nói nguyên nhân khách quan chắc chắn là có, nhưng lý do chủ quan là gì? Phân tích cái chủ quan này không phải để trách cứ lẫn nhau mà tự mình phải hiểu sâu sắc, hiểu thấm thía nguyên nhân. Nhìn lại lịch sử, sau chiến thắng năm 1975 có lúc ta chủ quan để một thời gian trì trệ. Từ nhân dân, từ các cấp lãnh đạo và nhất là các nhà lãnh đạo cấp cao lúc bấy giờ như các anh Lê Duẩn, anh Trường Chinh, anh Võ Văn Kiệt… đã đi sâu vào một số cơ sở có những yếu tố đổi mới, qua đó đã nhìn thấy cái bảo thủ, trì trệ, gây hậu quả cho đất nước. Bây giờ tổng kết 30 năm đổi mới đã rút ra những bài học cơ bản. Tôi thấy đúng rồi nhưng muốn nhấn mạnh vào hai bài học.
Một là, lịch sử Đảng ta cho thấy trong hoạch định đường lối có lúc rơi vào tả khuynh. Trước năm 1945, thời kỳ chưa giành được chính quyền đã có lúc tả khuynh xảy ra ở một số nơi.
Hai là, bài học nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Phải phân tích đúng tình hình dựa trên sự thật thì mới có cách giải quyết đúng. Ví dụ đánh giá đúng tình hình đất nước ta đang đứng ở đâu? Vì sao? Phải thảo luận với nhau một cách kỹ càng. Một vấn đề quan trọng ở đây là đánh giá và dự báo tình hình thế giới cũng phải đánh giá cho đúng.
Lắng nghe dân để xây dựng Đảng
* Trở lại với vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Cách đây ba năm, chúng tôi có dịp phỏng vấn ông khi trung ương sắp ban hành nghị quyết Trung ương 4, ông đã nhấn mạnh rằng phải làm cho bằng được nếu không sẽ làm suy giảm niềm tin không chỉ trong nhân dân mà ngay trong Đảng. Vậy đến nay ông có nhận xét gì về việc thực hiện nghị quyết Trung ương 4?
- Khi Đảng ta ban hành nghị quyết Trung ương 4 thì đảng viên và nhân dân phấn khởi, hào hứng, tin tưởng nếu làm được như các giải pháp của nghị quyết đề ra thì rất tốt. Đến nay đã làm được nhiều việc, nhưng theo tôi trong tổ chức thực hiện chưa đạt yêu cầu đề ra.
* Cụ thể chưa đạt yêu cầu gì, thưa ông?
- Trong bốn nhóm giải pháp thì giải pháp đầu tiên là tự phê bình và phê bình đã được tiến hành thẳng thắn, trung thực chưa? Mỗi cấp ủy, mỗi đảng viên đã tự soi mình vào tinh thần của nghị quyết Trung ương 4 để tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, thẳng thắn, chân thật hay chưa? Thực tế cho thấy có những cấp ủy đánh giá nói chung là tốt, không có vấn đề gì, cuối cùng lại ra bao nhiêu chuyện. Tôi cho rằng Đảng ta từ Bộ Chính trị trở xuống cứ lấy tinh thần cộng sản xem phê bình và tự phê bình đã đến nơi đến chốn chưa?
Rồi vấn đề tập trung dân chủ, dân chủ phải tốt, tập trung phải nghiêm, hai cái này đã gắn chặt với nhau chưa? Rồi tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, vậy thì tập thể và cá nhân đã hòa quyện với nhau chưa hay vẫn còn dựa dẫm, vẫn có những kẽ hở làm cho các nguyên tắc cơ bản của Đảng không được thực hiện một cách nghiêm túc. Mà đã không thực hiện nghiêm túc thì kỷ luật trong Đảng sẽ lỏng lẻo và đạo đức cũng dễ hư hỏng, chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy. Bằng mặt không bằng lòng, ở trong hội nghị, trong nội bộ không nói mà ra ngoài lại nói. Như Bác Hồ đã nói trong hội thì im lặng nhưng ngoài hội thì nhiều mồm.
* Trong thực hiện phê bình và tự phê bình có ý kiến e ngại ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ?
- Phải nói ngược lại mới đúng. Đã không nói thẳng nói thật với nhau thì mới không có đoàn kết. Anh là đảng viên và là đảng viên của một Đảng duy nhất cầm quyền thì sự gương mẫu phải rất cao, nhất là những người đang được giao các chức vụ quan trọng trong Đảng và trong bộ máy nhà nước. Hàng triệu dân nhìn vào. Thời kỳ trước đây có những vị bộ trưởng không phải đảng viên, ông thứ trưởng là ủy viên trung ương mà vẫn làm việc tốt, rất đoàn kết. Ông bộ trưởng không phải đảng viên vẫn làm tốt vai trò của mình, ông thứ trưởng là ủy viên trung ương cũng phát huy được vai trò lãnh đạo của Đảng chứ không phải áp đặt. Có lúc tôi nêu ra chuyện này, một số đồng chí lão thành viết thư phê bình mất lập trường, nhưng tôi nghĩ về sau việc này nên làm.
* Nghĩa là không nhất thiết bộ trưởng phải là đảng viên?
- Đúng vậy.
* Như ông vừa nói ở trên là trong Đảng có những đảng viên được phân công giữ các chức vụ trong bộ máy Đảng và Nhà nước, còn lại đa số là đảng viên thường. Như vậy đòi hỏi những đảng viên có chức vụ quyền hạn phải nêu cao gương mẫu và phải có cơ chế kiểm tra, giám sát đủ mạnh?
- Đã có bộ máy quyền lực thì phải có cơ chế giám sát. Một đảng duy nhất cầm quyền càng phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, chống lạm quyền. Tôi nói ví dụ các ủy viên trung ương trước khi đi họp trung ương phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến của các đảng viên khác và của nhân dân. Tuy không hoàn toàn như đại biểu Quốc hội trước và sau mỗi kỳ họp đều có tiếp xúc cử tri, nhưng cần có cơ chế, có cách thức tổ chức để các ủy viên trung ương tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của các đảng viên, các lão thành cách mạng và người dân trước mỗi kỳ họp trung ương. Phải biết lắng nghe dân để xây dựng Đảng.
* Hội nghị trung ương vừa qua đã lấy phiếu tín nhiệm các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ông có nhận xét gì về kết quả lấy phiếu?
- Tuy chưa có công bố công khai kết quả nhưng tôi nghĩ việc lấy phiếu tín nhiệm chắc chắn là tốt để đánh giá cán bộ.
* Cũng tại hội nghị trung ương vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta, mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy… Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
- Không phải cứ nói đổi mới chính trị nghĩa là thay đổi chế độ. Chế độ tư bản cũng đổi mới chứ nhưng có phải là thay đổi chế độ tư bản đâu. Đổi mới chính trị là về cơ chế, chính sách, phát huy dân chủ.
Phải đánh giá sự lãnh đạo của Đảng qua từng thời kỳ để đánh giá ưu, khuyết điểm và rút ra các bài học kinh nghiệm thiết thực nhằm bổ sung chỉ đạo cho phù hợp hơn, sát sao hơn, qua đó thúc đẩy sự phát triển không ngừng của đất nước.
Tôi nói ví dụ như kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân mà nặng anh nào, nhẹ anh nào cũng không được. Cả “hai anh” đều phải có cơ chế, chính sách cho tốt. Cái đó phải sửa. Chúng ta đổi mới có nguyên tắc, đổi mới nhưng không đổi màu.
* Thưa nguyên tổng bíthư, ông chờ đợi điều gì ở Đại hội Đảng tới đây? - Với truyền thống vẻ vang 85 năm của Đảng ta, được nhân dân yêu mến, tín nhiệm,đó là điều hạnh phúc nhất của Đảng.Tuy hiện nay trong Đảng có những khuyết điểm, yếu kém, có những hiện tượng ảnh hưởng đến niềm tin của dân, nhưng tôi tin rằng với trọng trách được nhân dân giao phó thì đại hội tới đây cũng sẽ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, làm rõ cái mạnh, cái yếu. Điều quan trọng là quyết tâm phát huy mặt tốt, khắc phục một cách nghiêm túc những yếu kém tồn tại lâu nay. Đó chính là để Đảng ta phục vụ công sinh thành của dân đối với Đảng.Tôi vẫn nhớ những câu thơ của Tố Hữu: “Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ. Không quê hương, sương gió tơi bời. Đảng ta sinh ở trên đời. Một hòn máu đỏ nên người hôm nay”. Điều mà Đảng ta và bản thân tôi luôn khắc ghi rằng nhân dân là người sinh thành ra mình. Đảng phải phục vụ nhân dân vô điều kiện và phải biết ơn nhân dân ngàn lần. |
Theo: Tuổi Trẻ