Nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn: Những chuyến thực tế xoay chuyển vận nước của Tổng bí thư Trường Chinh

Từ người có tư tưởng khá cứng rắn, TBT Trường Chinh thông qua những chuyến thực tế trên khắp đất nước đã thay đổi quan điểm, mở đường cho đổi mới.

 

Ông Phan Diễn - Nguyên thường trực ban Bí thư Trung ương Đảng
Ông Phan Diễn - Nguyên thường trực ban Bí thư Trung ương Đảng

Giáo sư Đào Xuân Sâm: Cuộc giằng co đổi mới - bảo thủ trước thềm Đại hội VI

Trong lãnh đạo đất nước có hai luồng ý kiến tranh luận gay gắt, một cho rằng phải thay đổi toàn diện, một cho rằng "bí" quá thì lùi tạm thời.

Nghiên cứu kinh tế Việt Nam từ năm 1961, giáo sư Đào Xuân Sâm, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng có những dự cảm bất an về một cuộc khủng hoảng khi thấy nông dân vào hợp tác xã thì ngày càng lười đi, doanh nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ, nhà nước bao cấp về mọi mặt...

Ông đã đúng khi sau năm 1975, mô hình kinh tế miền Bắc được áp dụng cho cả nước, cho dù chế độ kế hoạch hoá tập trung có nhiều điểm không phù hợp với quy luật thực tiễn, đặc biệt với miền Nam lúc bấy giờ. Không lâu sau, mô hình này đã đón nhận những phản ứng từ cuộc sống.

GS Đào Xuân Sâm. Ảnh: Hoàng Phương.GS Đào Xuân Sâm. Ảnh: Hoàng Phương.

Thả ra rồi lại siết vào

Năm 1979-1980, những cuộc "phá rào" diễn ra ở nhiều nơi như TP HCM, Long An, Hải Phòng… phần nào giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và từng bước công phá vào thành trì của cơ chế quan liêu, bao cấp. Lúc này nhiều lãnh đạo địa phương cũng như Trung ương đã nghĩ đến phải thay đổi cơ chế quản lý kinh tế. Vì thế Trung ương không "tuýt còi" mà theo tinh thần "để cho làm thử xem sao".

Tại Hội nghị lần thứ 6, khóa IV (tháng 9/1979), Trung ương đề ra chủ trương cởi trói cho sản xuất, phê phán lệch lạc trong cải tạo công thương nghiệp, để kinh tế tư nhân phát triển có sự kiểm soát của nhà nước, sửa đổi hệ thống giá…

Song đến năm 1982-1983, xuất hiện nhiều tiêu cực như tranh mua tranh bán, chộp giật trên thị trường, nhà nước không quản được những nguồn hàng hóa, vật tư quan trọng. Cho rằng thị trường khai mở quá mức, Trung ương lại ban hành một loạt văn bản siết chặt, uốn nắn những hoạt động được cho là chệch hướng, yêu cầu Hà Nội, TP HCM nhanh chóng lập lại trật tự cũ.

Trong giới lãnh đạo lúc này có hai luồng ý kiến, một cho rằng phải thay đổi toàn diện, một cho rằng "bí" quá thì lùi tạm thời, lo liệu khá lên một chút rồi nhà nước lại quản lý theo chế độ kế hoạch tập trung như cũ. Nhưng, tựu chung lại tất cả đều thống nhất một quan điểm: Phải tìm cách tháo gỡ, nếu không thì chết đói.

"Hết tiến lại lùi, siết rồi lại thả. Loay hoay, chập chờn lắm", GS Đào Xuân Sâm nhớ lại.

Còn theo ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó ban tổ chức Trung ương, trong những năm tháng trước Đại hội VI có nhiều ý kiến trái ngược thể hiện qua các cuộc tranh luận gay gắt. Lãnh đạo các tỉnh phía Nam có nhiều người ủng hộ đổi mới, nhưng ý kiến trái chiều cũng không ít.

"Thậm chí, có người còn đưa ra quan điểm hộp đen, hộp đỏ và xếp những người có tư duy đổi mới vào hộp đen", ông Hương kể.

Bài tham luận của GS Đào Xuân Sâm đăng trên mục Diễn đàn kinh tế của báo Nhân dân năm 1986. Ảnh:Hoàng Phương.Bài tham luận của GS Đào Xuân Sâm đăng trên mục Diễn đàn kinh tế của báo Nhân dân năm 1986. Ảnh:Hoàng Phương.

"Quả bom" trên báo Đảng

Bước sang năm 1984, tình thế bức bách hơn đòi hỏi dứt khoát phải chọn một hướng đi. Khi đó Liên Xô tiến hành công cuộc cải tổ phần nào tác động tích cực đến Việt Nam.

Tháng 7/1984, tại Hội nghị Trung ương 6, khóa V, Chủ tịch Hội đồng nhà nước Trường Chinh có bài phát biểu được đánh giá là thể hiện bước ngoặt trong tư duy của ông: "Chế độ bao cấp trong những năm qua làm cho bức tranh kinh tế của chúng ta trở thành giả tạo. Nay phải tiến hành hạch toán kinh doanh thật sự… Dù muốn hay không, cũng phải thừa nhận sự tồn tại khách quan của giá thị trường, đó là giá thực tế mà cả xã hội đang phải sống hàng ngày với nó, việc mua bán, trao đổi dù theo cách nào, bất cứ ở đâu cũng đều đang lấy nó làm chuẩn để đo lường và so sánh".

Cho đến đầu năm 1986, chủ đề nóng bỏng trên các diễn đàn vẫn là còn giữ giá kế hoạch hay chuyển tất cả sang giá thị trường. Một trong những người dũng cảm lên tiếng "mọi khó khăn không phải do thị trường mà do lối tư duy duy ý chí" chính là GS Đào Xuân Sâm, khi ấy là giảng viên trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

Trong một hội thảo do Ban bí thư tổ chức tháng 3/1986, GS Sâm say sưa trình bày tham luận về kinh doanh xã hội chủ nghĩa và quyền tự chủ của người kinh doanh. Ông nhấn mạnh, muốn kinh doanh phải khai mở thị trường, còn không vẫn là bao cấp, giả tạo. Các thành phần tham gia thị trường đều bình đẳng trước pháp luật, không thể nói quốc doanh là chủ nghĩa xã hội còn tư nhân là tư sản mại bản.

GS Sâm nói về cuộc vật lộn khai mở tư duy về kinh tế đa thành phần

Bài tham luận được hội thảo hoan nghênh. Báo Nhân dân sau đó sử dụng tham luận của ông đăng ba kỳ liên tiếp trên mục Diễn đàn kinh tế. Lúc bấy giờ việc báo Đảng truyền tải cách nhìn nhận mới này được ví như "quả bom". Và rồi bài báo bị cấm, tòa soạn bị kiểm điểm. Những ngày sau, hàng loạt ý kiến của giới lý luận lên án quan điểm của GS Sâm. Nghiêm trọng hơn, Tổng cố vấn Liên Xô P.A.Paskar khi làm việc với các lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã phản ứng gay gắt về bài viết.

"Sau này tôi nghe kể lại có vị lãnh đạo cấp cao còn nói Tay này nã trọng pháo vào bộ Tổng. Đứng trước án kỷ luật nhưng tôi không bị lung lay bởi niềm tin mình đúng", ông Sâm nhớ lại.

Viết lại báo cáo chính trị

Tháng 7/1986, Tổng bí thư Lê Duẩn từ trần. Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, ông Trường Chinh được giới thiệu vào vị trí đứng đầu Đảng. Khi xem xét dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội VI, Tổng bí thư Trường Chinh nhận thấy dự thảo còn xa mới thể hiện được các quan điểm đổi mới, nhất là đổi mới tư duy kinh tế.

Tổ biên tập văn kiện Đại hội VI chụp ảnh cùng Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (hàng đầu, thứ năm từ trái sang) và nguyên Tổng bí thư Trường Chinh (hàng đầu, thứ sáu từ trái sang) sau Đại hội. Ảnh: Ông Phan Diễn cung cấp.Tổ biên tập văn kiện Đại hội VI chụp ảnh cùng Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (hàng đầu, thứ năm từ trái sang) và nguyên Tổng bí thư Trường Chinh (hàng đầu, thứ sáu từ trái sang) sau Đại hội. Ảnh: Ông Phan Diễn cung cấp.

Ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban bí thư, từng là thư ký của Tổng bí thư Trường Chinh nhớ lại, lúc này chỉ còn mấy tháng nữa là đến Đại hội VI. Báo cáo chính trị chuẩn bị trước đó đã đưa xuống cho các đảng bộ bên dưới thảo luận, góp ý, nếu viết lại thì gần như phải "lật tung mọi thứ lên". Hơn nữa báo cáo chính trị liên quan đến kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm (1986 - 1990), vốn đã chuẩn bị xong với sự giúp đỡ của nhiều nước XHCN khác.

"Lúc bấy giờ nền kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào sự chi viện bên ngoài, ta làm lại kế hoạch thì phải thuyết phục các nước bạn điều chỉnh cho phù hợp, trong khi họ đã làm kế hoạch xong rồi", ông Phan Diễn kể.

Cuối tháng 7/1986, Tổng bí thư Trường Chinh lên đường sang Liên Xô. Trong chuyến đi kéo dài hơn 15 ngày, ông bàn với lãnh đạo Liên Xô và các nước XHCN điều chỉnh lại kế hoạch hợp tác kinh tế với Việt Nam trong 5 năm 1986-1990 đã được xác định trước đó.

Sau khi trở về, vào cuối tháng 8, ông chủ trì cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị bàn về các quan điểm kinh tế. Tại đây, các nhà lãnh đạo đi đến thống nhất 3 quan điểm cơ bản.

Một là, thay vì ưu tiên phát triển công nghiệp nặng theo cách làm của các nước XHCN, từ nay trong bố trí cơ cấu kinh tế phải lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu, "trước mắt lo lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu".

Hai là, trong cải tạo xã hội chủ nghĩa phải xác định cơ cấu kinh tế nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ, cho phép kinh tế tư nhân phát triển.

Ba là, trong khi lấy kế hoạch là trung tâm, phải đồng thời sử dụng đúng đắn các quan hệ hàng hóa tiền tệ.

"Việc thừa nhận sai lầm khi kế hoạch hoá mọi thứ, không công nhận quy luật giá trị, không công nhận kinh tế thị trường thể hiện bước chuyển cực kỳ lớn trong tư duy của tập thể lãnh đạo. Trước đó chỉ vài tháng, ai nhắc đến kinh tế tư nhân, giá cả thị trường…có thể bị coi là phản động, có thể bị bắt ngay lập tức", ông Phan Diễn nói.

Với kết luận này, toàn bộ đường lối kinh tế của Việt Nam đã thay đổi. Từ sự thống nhất trên, Tổng bí thư Trường Chinh cùng nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện báo cáo chính trị trình Đại hội VI.

Theo VNE