Chúng tôi tới thăm ông vào một chiều cuối năm. Trời Hà Nội se lạnh, lất phất mưa. Căn biệt thự nhỏ nằm ở cuối con đường Tô Ngọc Vân (Hà Nội) dẫn vào khu biệt thự Tây Hồ nên khá tĩnh lặng. Ông từ tốn mở cổng, nở nụ cười rất tươi. Vẫn là ông, nhà ngoại giao lịch lãm, dễ gần và hết sức thân thiện. Vẫn cái nụ cười mà trong suốt hơn 40 năm làm nghề ngoại giao luôn thường trực trên môi ông. Chỉ có điều giờ đây ông đi lại đã chậm dần. Ông bắt tay từng người chúng tôi hỏi han rất chân tình: “Sắm sửa tết nhất thế nào rồi?”.
Vâng, Tết Bính Thân đang đến. Ngoài kia, dọc theo đường Xuân Diệu, Nghi Tàm và đường Tô Ngọc Vân đã đầy hoa đào và quất. Người bán, người mua, xe cộ đi lại nườm nượp.
Ông đưa chúng tôi vào phòng khách. Ông mở cái túi nhỏ lấy ra hai cái tai nghe vừa đưa lên cài vào tai vừa bảo: “Nói to thì còn nghe được, chứ nói nhỏ là phải đeo tai nghe. Già rồi, năm nay 78 rồi”. Thấy chiếc Cup của giải Golf nghiệp dư Hà Nội trong tủ kính tôi hỏi ông dạo này ông có chơi golf đều không, ông bảo gần năm nay ông ngừng chơi.
“Mình vừa đặt cái máy trợ tim”- ông đưa tay vỗ nhè nhè vào phía ngực trái- “Có hỏi bác sĩ là tôi còn chơi golf được nữa không, bác sĩ nói chơi được, nhưng nhẹ thôi, không được xuynh”.
Trước khi tới thăm ông, biết ông bắt đầu tham gia cách mạng là ở làng Đỏ (nay là phường Hưng Dũng, Thành phố Vinh), tôi tìm lại tấm hình hai ông bà lão thành cách mạng của làng này mà 15 năm về trước tôi đã có bài viết và đăng tấm ảnh này trên Báo Nông thôn ngày nay, tặng ông. Cầm tấm ảnh ông nhìn tôi trân trân: “Cậu là tác giả bài báo này à? Thế mà bao nhiêu năm nay tôi tìm tác giả bài báo mà tìm chưa ra. Bà nhà tôi cắt bài báo in ra mấy bản ép plastic”.
Ông chỉ vào cụ ông trong tấm ảnh: “Đây là cụ Nguyễn Khắc Hạp. Ông là người họ hàng nhà tôi, một cựu tù chính trị ở Ban Mê Thuột. Ông vừa là người anh, người đồng chí, cấp trên trực tiếp của tôi và có thể nói, ông là một trong những người có ảnh hưởng quyết định đến cuộc đời tôi”.
Trầm ngâm một lúc, rồi ông kể cho chúng tôi về một thời trai trẻ sôi nổi ông đi làm cách mạng. Ông bảo Chi bộ đảng làng Đỏ là một trong những chi bộ đảng đầu tiên của cả nước. Bí thư chi bộ này không ai khác là vị cựu tù chính trị Ban Mê Thuột, đảng viên kiên trung Nguyễn Khắc Hạp.
Vừa tròn 16 tuổi Nguyễn Mạnh Cầm được chính Bí thư chi bộ Nguyễn Khắc Hạp giác ngộ cách mạng, giao nhiệm vụ rải truyền đơn và tham gia giành chính quyền tại xã Yên Dũng Thượng (nay là phường Hưng Dũng).
Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được giao phụ trách công tác thanh niên kiêm ủy viên thư ký của UBND lâm thời “làng Đỏ”. Một năm sau khi tham gia cách mạng chàng thanh niên Nguyễn Mạnh Cầm được kết nạp vào Đảng. Năm ấy ông Cầm vừa tròn 17 tuổi.
Năm 1947, Nguyễn Mạnh Cầm được điều lên làm Bí thư thanh niên huyện kiêm Chánh văn phòng Huyện ủy Hưng Nguyên (Nghệ An).
Năm 1948, Nguyễn Mạnh Cầm theo học lớp văn hóa kháng chiến do các nhà văn hóa và nhà văn nổi tiếng như Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan và Nguyễn Tuân… trực tiếp giảng dạy. Kết thúc khóa học, ông được điều động sang làm cán bộ Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Liên khu 4.
"Như là định mệnh"
“Tôi bước vào nghề ngoại giao như là định mệnh. Được cử ra chiến khu học lớp cán bộ nguồn. Một hôm Cụ Hồ đến nói chuyện với lớp học. Bác nói nhiều, nhưng đại ý là hiện nay đang còn kháng chiến, nhưng vài năm nữa chúng ta sẽ hòa bình. Vì vậy chúng ta phải chuẩn bị cán bộ nguồn”- ông Cầm kể.
Mùa hè năm 1950 Nguyễn Mạnh Cầm được cử sang Bắc Kinh học… tiếng Nga. “Tôi được một cô giáo người Nga tên là Lisa Kishkina dạy. Bà là vợ ông Lý Lập Tam. Ông Tam là Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Trưởng Ban chấp hành nắm thực quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (mặc dù trên danh nghĩa Hướng Trung Phát vẫn là Tổng Bí thư), nhưng sau đó bị quy là tả khuynh và năm 1930 bị Quốc tế cộng sản điều sang Matxcơva để kiểm điểm và uốn nắn tư tưởng.
Tại đây ông đã kết hôn với bà Lisa Kishkina. Năm 1946 ông trở về Trung Quốc làm công tác Công hội, Bộ trưởng Bộ Lao động. Năm 1967 ông bị sát hại trong cuộc Cách mạng Văn hóa và năm 1980 mới được phục hồi danh dự.
Sau gần hai năm tu nghiệp, về nước, tôi được cử sang Liên Xô để củng cố và mở rộng phạm vi hoạt động của sứ quán Việt Nam tại Matxcơva. Lúc này Đại sứ của chúng ta là cụ Nguyễn Lương Bằng”- ông Cầm kể. Ông Cầm chính thưc bước vào nghề ngoại giao từ đó.
Năm 1956, ông Nguyễn Mạnh Cầm từ Liên Xô về nước làm Trưởng phòng Liên Xô, Bộ Ngoại giao. Năm 1973, từ Phó chánh văn phòng Bộ Ngoại giao, ông được điều lên làm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, theo dõi Hội nghị Paris. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông được giao theo dõi việc thi hành Hiệp định. Một thời gian sau, ông được cử đi làm Đại sứ tại Hungary kiêm nhiệm Đại sứ tại Áo và Iran.
Sau đại thắng Mùa xuân 1975, đất nước thống nhất, năm 1976 do sự hợp nhất Sứ quán Cộng hòa miền Nam Việt Nam với Sứ quán Việt Nam dân chủ cộng hòa thành Sứ quán của nước Việt Nam thống nhất đồng thời lúc đó, Việt Nam đặt quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) nên Nguyễn Mạnh Cầm được điều sang làm Đại sứ và trực tiếp xây dựng Sứ quán Việt Nam tại Tây Đức.
Năm 1981 ông được điều về làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, rồi Thứ trưởng Bộ Ngoại thương. Năm 1986, tại Đại hội đảng VI, ông được bầu vào BCH Trung ương và được điều quay trở lại Bộ Ngoại giao làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Matxcơva thay ông Đinh Nho Liêm.
Ông Cầm là Đại sứ cuối cùng của Việt Nam lại Liên Xô (trước khi Liên Xô tan rã). Đang làm Đại sứ ông Cầm được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao thay người tiền nhiệm Nguyễn Cơ Thạch.
Chạy... không thăng chức
Ông Cầm là nhà ngoại giao lịch thiệp, hay chính xác hơn là một chính khách ngoại giao.
Con đường “quan lộ” của ông có thể nói là khá thuận lợi, mặc dù có lúc ông từng từ chối… thăng tiến chức mà không được. Tỷ như cái vụ làm Thứ trường Bộ Ngoại thương.
"Nghe tin được bổ nhiệm làm Thứ trưởng, thật tình tôi hơi hoảng. Mình là cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp nay chuyển sang làm ngoại thương, buôn bán thì làm sao mà hoàn thành công việc được”- nhấp một ngụm trà, ông đưa bàn tay phải đập nhè nhẹ lên phía ngực trái, nơi được gắn cái máy trợ tim bé tý. Ông kể tiếp: “Tôi hơi hoang mang nên đi tìm gặp một số nhà lãnh đạo đàn anh cũng là chỗ thân tình nhờ các anh ấy nói giúp với Bộ Chính trị là tôi không muốn đảm nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Ngoại thương. Tuy nhiên khi gặp anh Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an thời bấy giờ, đồng thời cũng là anh vợ tôi, thì anh chân thành khuyên tôi: “Không trốn tránh được đâu”. “Cụ Thọ” (Lê Đức Thọ, Trưởng Ban Tổ chức TW- NV) đã quyết xong rồi!”.
Cuối cùng cụ Đồng (Thủ tướng Phạm Văn Đồng-NV) gọi tôi lên Khu biệt thự Hồ Tây. Lúc này Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang nghĩ dưỡng tại đây. Ông để sẵn quyết định trên bàn nhưng chưa ký, nói:
“Đồng chí là đảng viên, Đảng phân công nhiệm vụ lại chối à?”. Thế là ông đành… trở thành Thứ trưởng Bộ Ngoại thương.
Rồi nữa, sau Đại hội Đảng VII năm 1991, ông Nguyễn Cơ Thạch thôi làm Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ Chính trị nhắm Thứ trưởng Trần Quang Cơ, nhưng ông Cơ xin với Bộ Chính trị cho được tiếp tục làm Thứ trưởng vì đã cao tuổi và sức khỏe lại yếu. “Sau khi anh Cơ từ chối chức Bộ Trưởng tôi được đề nghị bổ nhiệm thay anh Thạch. Anh Đỗ Mười khi ấy đang là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng gọi tôi lên. Tôi thưa với anh Mười là đề nghị anh báo cáo lại với Bộ Chính trị là tìm người khác xứng đáng hơn. Anh Mười bảo: “Anh có 35 năm làm nghề ngoại giao, 5 năm ngoại thương. Mà ngoại giao thời gian tới là làm kinh tế, thương mại. Anh là người vừa có kinh nghiệm ngoại giao, vừa có kinh nghiệm ngoại thương. Hai cái ấy kết hợp lại thì tuyệt vời còn gì. Vì thế Bộ Chính trị mới chọn anh”.
Thế là ông Cầm “lại phải” trở thành Bộ trưởng Ngoại giao 2 nhiệm kỳ, vào Bộ Chính trị và là Phó thủ tướng phụ trách kinh tế đối ngoại.
Người dịch “Số phận một con người”
Có thể nói giai đoạn ông Nguyễn Mạnh Cầm làm Ngoại trưởng là thời kỳ có nhiều biến động và phức tạp nhất trong công tác đối ngoại. Ông trực tiếp tham gia và đóng góp lớn lao vào các sự kiện trọng đại như Hiệp định hòa Bình Campuchia, Bình thưởng hóa quan hệ Việt- Trung, Việt Nam- Hoa Kỳ, Thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- ASEAN, Hiệp định hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) và khởi đầu cho quá trình đàm phán để Việt Nam gia nhập WTO.
Vâng, trong một buổi chiều cuối năm Mùi, tại tư dinh của ông, ông đã kể cho chúng tôi nghe rất nhiều về một giai đoạn ngoại giao đầy sôi động ấy.
Năm 2005 ông rời vũ đài chính trị. “Về hưu rồi mình muốn nghỉ ngơi và tập trung vào viết lách, nhưng anh em vừa động viên, vừa “ép” phải nhận cái chức Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam”- ông cười. Có thể nói trong 10 năm qua Hội Khuyến học do ông làm Chủ tịch đã làm được rất nhiều trong sự nghiệp khuyến học, khuyến tài; đặc biệt là Giải thưởng Nhân tài đất Việt được đánh giá cao.
Từ chuyện khuyến học chúng tôi chuyển sang chuyện văn chương. Ông là người am tường văn học, nhất là văn học Nga. Điều đó thì nhiều người biết, nhưng không phải ai cũng biết, ngoài công việc của một chính khách ngoại giao, ông còn là một dịch giả. Tác phẩm “Số phận một con người” của nhà văn Nga nổi tiếng M. Sôlôkhốp từng là một trong những tác phẩm nổi tiếng, được nhiều thế hệ người Việt Nam yêu thích là do Nguyễn Mạnh Cầm dịch khi còn đang là một phiên dịch viên tại Sứ quán Việt Nam ở Liên Xô.
“Số phận một con người”- số phận của Xôcôlốp (nhân vật chính của truyện ngắn - NV) chính là số phận của nước Nga một thời máu lửa. “Khi dịch truyện này mình đang làm phiên dịch tại Đại sứ quán Liên Xô. Những lúc thư giãn mình hay đọc chuyện, sách báo Nga. Đọc truyện này của Sôlôkhốp thấy hay quá, hợp với gu người Việt Nam mình quá nên tớ dịch và chuyển về nước để in”- ông Cầm nhớ lại.
Truyện này được Nhà xuất bản Văn học in vào các năm 1959-1960-1961; và in lại trong cuốn “Đêm duy nhất”, truyện ngắn Nga hiện đại, NXB Hội Nhà văn, 2003.
Rời tư dinh của nhà ngoại giao kỳ cựu Nguyễn Mạnh Cầm chúng tôi cứ trăn trở: nếu không theo nghiệp ngoại giao, mặc dù ông có một sự nghiệp ngoại giao hơn 50 năm cực kỳ ấn tượng, thì rất có thể, ông đã là một nhà văn - dịch giả nổi tiếng. Chỉ nghe ông nói về văn chương, và ông chỉ mới có một tác phẩm dịch “Số phận một con người” thôi, nhưng cũng đủ để chúng tôi tin là thế.
Lê Ngọc Thủy Tiên