Ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT) công bố kết luận về các sai phạm tại Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), PV Pháp Luật TPHCM đã ghi nhận các ý kiến của người trong cuộc về vấn đề này. Chúng tôi xin trích nguyên văn.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Chủ tịch HĐTV Vinachem: Tôi đã nghỉ hưu 7 năm không còn nhớ nữa! Chuyện kinh doanh thua lỗ của doanh nghiệp có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, ví dụ như công tác quản trị, tỉ giá, nguyên liệu đầu vào, tình hình kinh tế trong nước, thế giới,... Việc triển khai dự án được Chính phủ thời kỳ đó chấp thuận và chúng tôi có báo cáo đầy đủ theo Nghị quyết HĐQT. Trong quá trình dự án đang triển khai thì tôi nghỉ hưu, các giai đoạn sau đó những thành viên kế tiếp chịu trách nhiệm.
Về dự án đạm Ninh Bình, theo chỉ đạo, dự án triển khai trong vòng 36 tháng (tạm tính), sau đó điều chỉnh lên 40 tháng vì thời gian tạm tính là thời điểm chưa thống nhất với nhà bản quyền. Khi lãnh đạo cấp trên đồng ý cho đàm phán trực tiếp với các nhà bản quyền thì điều chỉnh lên 40 tháng và tất cả nội dung trên chúng tôi đều báo cáo với họ. Làm sao chúng tôi làm mà không báo cáo với cấp trên được. Dự án chậm ngày nào thì chịu xử phạt ngày đó, nên chẳng ai muốn chậm dự án...
Là Đảng viên, tôi tuân thủ các mức kỷ luật mà tổ chức Đảng đưa ra, với trách nhiệm là người đứng đầu tập đoàn, tôi phải chịu trách nhiệm.
Một nguyên Tổng Giám đốc Vinachem (Xin giấu tên):
Tôi đã giải thích với cơ quan kiểm tra. Trong tập đoàn ai cũng biết tính tôi làm việc vô tư trong sáng và không vụ lợi cá nhân và làm thất thoát vốn Nhà nước. Thời điểm đó, các yếu tố kinh tế tác động nhiều đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như giá dầu giảm, giá phân bón giảm, giá than tăng... Chuyện lỗ, lãi có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thời điểm đó thua lỗ là điều không may.
Như đã thông tin, chiều 31-7, UBKT đã công bố các vi phạm tại Vinachem. Theo đó, Ban Thường vụ Đảng ủy Vinachem nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015 thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên; không xem xét, xử lý trách nhiệm đối với một số cán bộ, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tập đoàn có vi phạm, khuyết điểm để các đơn vị hoạt động không hiệu quả, thua lỗ nhiều năm. Điều động, luân chuyển, bổ nhiệm một số trường hợp vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước.
Thiếu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư. Đối với dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, mặc dù đã được các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn cảnh báo Dự án hiệu quả thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, song HĐTV và Tổng Giám đốc Tập đoàn vẫn trình cấp có thẩm quyền quyết định triển khai, dẫn đến Nhà máy liên tục thua lỗ với số tiền trên 2.500 tỉ đồng. Nhiều dự án Tập đoàn đầu tư không hiệu quả, trong đó có 4/5 dự án lỗ lũy kế trên 4.200 tỉ đồng.
HĐTV và Tổng Giám đốc Tập đoàn thiếu kiểm tra, giám sát để Ban quản lý dự án Đạm Ninh Bình thay đổi thiết bị xuất xứ từ các nước EU, G7 sang thiết bị của Trung Quốc không đúng với hợp đồng;....
Cùng với đó, UBKT cũng đãchỉ ra các khuyết điểm của các cá nhân liên quan là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Vinachem. Đó là ông Nguyễn Anh Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Vinachem. Ông Dũng thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ; trong quản lý vốn, tài sản, đất đai và đầu tư của Tập đoàn, gây hậu quả rất nghiêm trọng; để Tập đoàn và một số công ty không bảo toàn được vốn Nhà nước giao.
Thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện Dự án DAP số 2 Lào Cai. Chịu trách nhiệm chính về những vi phạm trong việc triển khai dự án đạm Hà Bắc.
Ông Nguyễn Gia Tường, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Vinachem chịu trách nhiệm chung về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn. Chịu trách nhiệm cùng với tập thể HĐQT, HĐTV Tập đoàn về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ; trong việc ban hành các nghị quyết, quyết định các dự án và quản lý đất đai; buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong quản lý vốn, tài sản, đất đai và đầu tư của Tập đoàn.
Bên cạnh đó, các nguyên lãnh đạo cũng bị nêu tên gồm: Ông Đỗ Quang Chiêu, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam (tiền thân của Vinachem); ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty, nguyên Chủ tịch HĐTV Vinachem; ông Đỗ Duy Phi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng Giám đốc; Ông Nguyễn Đình Khang, nguyên Phó Bí thư Đảng uỷ, nguyên Tổng Giám đốc.
Các vị này chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm trong chỉ đạo thực hiện dự án Đạm Ninh Bình ở giai đoạn đầu. Thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý vốn, tài sản, đất đai, đầu tư. Chịu trách nhiệm khi ký các quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án trái với ý kiến chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ. Thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện Dự án Đạm Hà Bắc, Dự án DAP số 2 Lào Cai.
Theo UBKT, những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Anh Dũng, Đỗ Quang Chiêu, Nguyễn Quốc Tuấn, Đỗ Duy Phi là rất nghiêm trọng, đến mức phải thi hành kỷ luật. Khuyết điểm, vi phạm của các ông Nguyễn Gia Tường, Nguyễn Đình Khang chưa đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật, UBKT yêu cầu hai vị này kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc.