Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và cả ở Việt Nam, chuyển đổi số là từ khoá mà nhiều doanh nghiệp tìm đến nhằm nâng cao sức chống chịu trước khó khăn do bệnh dịch. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không áp dụng các biện pháp công nghệ phù hợp, không có những phương pháp mới để kết nối với nhân viên trong bối cảnh đại dịch để liên tục thúc đẩy tinh thần làm việc của họ thì việc áp dụng chuyển đổi số có nguy cơ phản tác dụng.
Theo đánh giá của ông Phạm Hồng Phong - Tổng Giám đốc điều hành của Oracle Việt Nam, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, đại dịch COVID-19 và yêu cầu làm việc tại nhà còn tạo ra những tác động tiêu cực đến tinh thần của mọi người. Trên thực tế, một nghiên cứu thuộc dự án AI at Work (Trí tuệ nhân tạo tại Nơi làm việc) của Oracle đã chỉ ra rằng, 2020 quả thực là năm áp lực nhất trong lịch sử, gây ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe tinh thần của hơn 78% nhân viên trên toàn cầu.
Những hạn chế về công nghệ tại các doanh nghiệp có thể khiến những công việc thường ngày trở nên thực sự khó khăn khi nhân việc phải làm việc tại nhà trong tình hình dịch bệnh. Khi mà chúng ta không thể thực hiện những việc vốn đơn giản trong điều kiện làm việc bình thường như đi bộ sang phòng ban khác để xin các loại giấy tờ, thì sự giao tiếp không thông suốt giữa các nhóm có thể khiến công việc bị trì trệ.
Mặc dù tác động của đại dịch lên các ngành nghề và lĩnh vực là khác nhau, nhưng nhiệm vụ chung tất yếu mà các doanh nghiệp phải nhanh chóng thực hiện trong tình hình hiện nay là tự nhìn nhận và đánh giá lại, thậm chí là đổi mới chu trình hoạt động của mình nhằm đảm bảo kinh doanh không gián đoạn trong mọi tình huống.
"Công nghệ còn đóng vai trò trọng yếu trong việc đảm bảo tính liên tục trong hoạt động kinh doanh cho các công ty trên toàn cầu trước bối cảnh đại dịch, góp phần tăng cường sức chống chịu trong mỗi khâu vận hành của doanh nghiệp" - ông Phạm Hồng Phong nêu quan điểm.
Một khảo sát gần đây của Oracle chỉ ra rằng, các công nghệ hiện đại như Trí tuệ nhân tạo (AI) đã mở ra những phương thức làm việc mới. Trong đó, 75% nhân viên nói rằng AI đã giúp cải thiện tinh thần làm việc của họ. Cụ thể, những lợi ích hàng đầu của AI bao gồm: cung cấp thông tin cần thiết một cách hiệu quả (31%); tự động hóa nhiều khâu trong công việc, giảm nhẹ gánh nặng nhằm hạn chế tình trạng kiệt quệ sức lực cho nhân viên (27%) và giảm áp lực công việc bằng cách hỗ trợ nhân viên sắp xếp các nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên (27%).
Tình hình đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Trên thực tế, bài học lớn nhất cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng này là tăng cường khả năng đối phó nhanh chóng trước những tình huống khó lường. Để thực hiện được điều này, sức chống chịu phải được doanh nghiệp chú trọng hàng đầu.
Trong đó, việc tận dụng những giải pháp hiện đại, đảm bảo quá trình vận hành trơn tru, liền mạch, nâng cao năng lực của khối hành chính – văn phòng,.., đều là những yếu tố quan trọng tạo nên sức chống chịu và khả năng hồi phục của doanh nghiệp. Bằng cách cải thiện tính minh bạch trong đánh giá hiệu quả kinh doanh, các công ty có thể đưa ra những dự đoán giá trị dựa vào thông tin được cập nhật kịp thời, đồng thời tận dụng chúng để đề ra các giải pháp kịp thời trong bối cảnh đại dịch.