Doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức an toàn thông tin khi làm việc từ xa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Những thách thức an toàn thông tin ngày càng gia tăng khiến an ninh mạng trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Các mối đe dọa an toàn thông tin gia tăng

Làm việc từ xa đang trở thành xu hướng khi đại dịch bùng phát (Ảnh: Viewsonic)
Làm việc từ xa đang trở thành xu hướng khi đại dịch bùng phát (Ảnh: Viewsonic)

Làm việc từ xa đã trở thành xu hướng tất yếu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Những thách thức và bất ổn đã buộc các doanh nghiệp trên toàn cầu phải lựa chọn phương thức làm việc từ xa trong bối cảnh mới.

Theo kết quả nghiên cứu của một hãng thiết bị mạng toàn cầu với chủ đề “Tương lai làm việc từ xa an toàn” tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi dịch Covid -19 bùng phát, 56% số doanh nghiệp trong khu vực có trên một nửa lực lượng lao động làm việc từ xa. Tại Việt Nam, tỷ lệ này đạt 51%, tăng mạnh so với con số 20% trước đại dịch.

Theo nghiên cứu, các doanh nghiệp tại Việt Nam chưa chuẩn bị kỹ cho quá trình chuyển đổi đột ngột sang làm việc từ xa một cách an toàn khi đại dịch bùng phát. Số liệu từ nghiên cứu cho thấy, 54% các doanh nghiệp tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã có sự chuẩn bị cho việc hỗ trợ làm từ xa. Trong khi đó, con số tương ứng ở thị trường Việt Nam chỉ là 30%.

Các doanh nghiệp cho biết mối đe dọa, cảnh báo an ninh mạng gia tăng đáng kể do các tác nhân độc hại cố gắng lợi dụng lỗ hổng bảo mật tiềm ẩn khi nhân viên truy cập vào hệ thống mạng doanh nghiệp và các ứng dụng đám mây từ xa.

Theo đó, khoảng 69% doanh nghiệp tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhận thấy các mối đe dọa, cảnh báo bảo mật tăng trên 25%. Còn tại Việt Nam, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, 91% doanh nghiệp chứng kiến số lượng mối đe dọa, cảnh báo bảo mật tăng trên 25%.

Những thách thức an ninh mạng lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt phải đối mặt có thể kể đến là phần mềm độc hại, truy cập an toàn và quyền riêng tư dữ liệu...

Các chuyên gia cũng cho biết, bảo mật điểm cuối đặt ra thách thức cho các tổ chức, doanh nghiệp. Số liệu tại Việt Nam cho thấy 65% doanh nghiệp cho rằng thiết bị cá nhân đặt ra thách thức cần bảo vệ trong môi trường làm việc từ xa. Tiếp theo là thông tin khách hàng (61%), máy tính xách tay hoặc máy tính để bàn tại văn phòng (60%) và các ứng dụng đám mây (59%).

Doanh nghiệp ưu tiên cho an ninh mạng

Các tổ chức, doanh nghiệp phải đối mặt với những mối đe dọa và cảnh báo an ninh mạng đang ngày càng gia tăng do thách thức trong quá trình chuyển đổi môi trường làm việc. Điều này khiến an ninh mạng trở thành ưu tiên hàng đầu và có mức độ quan trọng hơn so với trước khi đại dịch bùng phát.

Khảo sát cho thấy, có tới 93% doanh nghiệp Việt Nam đánh giá rằng an ninh mạng là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh hiện nay, trong khi con số trung bình của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là 85%.

Nhận thức về an ninh mạng thay đổi cũng khiến các doanh nghiệp trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng có thay đổi đáng kể trong hành động. Các doanh nghiệp nhận định, dịch Covid-19 dẫn đến sự gia tăng đầu tư vào an ninh mạng trong tương lai.

Các chuyên gia cho hay, các tổ chức, doanh nghiệp đang xem xét lại chiến lược an ninh mạng với trọng tâm là thế trận phòng thủ an ninh mạng tổng thể. Đây là khoản đầu tư được ưu tiên hàng đầu về tầm quan trọng trong việc chuẩn bị môi trường làm việc sau dịch Covid-19.

Một số khoản đầu tư ưu tiên khác được các tổ chức, doanh nghiệp tham gia khảo sát đề cập đến bao gồm: truy cập mạng, bảo mật đám mây, xác minh người dùng và thiết bị.

Theo ICTNews