Nguy cơ bùng phát dịch sởi ở Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh thành

VietTimes -- Không nằm ngoài dự báo của Bộ Y tế từ trước Tết, dịch sởi hiện đang gia tăng với số mắc ngày một nhiều. Chỉ trong dịp Tết, cả nước đã có thêm gần 700 người mắc sởi. Hiện dịch đã xuất hiện ở 43 tỉnh, thành. Đáng lưu ý khi 90% số mắc sởi đều do chưa tiêm phòng hoặc không tiêm đủ mũi.

Diễn biến bất thường

Nhưng dịch sởi năm nay có diễn biến bất thường của là không chỉ trẻ em trong độ tuổi mà cả ở trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng, tức dưới 9 tháng tuổi cũng mắc; hơn nữa, người lớn cũng mắc, trong đó nhiều phụ nữ có thai. Trong khi đó, hiện nay đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết mưa ẩm nên rất dễ khiến các bệnh hô hấp như sởi, ho gà, cúm, thủy đậu bùng phát. Vì vậy, ngành y tế dự báo số ca mắc sởi có thể tăng nhanh trong thời gian tới.

Theo Bộ Y tế, ngay đầu năm 2019, dịch sởi đã diễn biến phức tạp tại nhiều nước, nhất là tại Uraina và Hoa Kỳ, đến mức chính quyền bang Washington đã công bố tình trạng khẩn cấp, nhằm huy động các nguồn lực để khống chế dịch sởi. Các nhà chuyên môn cho rằng, dịch sởi bùng phát tại nhiều nước hiện nay là do tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi không đạt yêu cầu. Thực tế là ở nhiều nơi phụ huynh không cho con tiêm phòng vì nhiều lý do.

Còn ở Việt Nam, ông Trần Đắc Phu-Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tại những vùng sâu, vùng xa, hay khu vực đô thị có số trẻ di biến động lớn, nên nhiều trẻ chưa được tiêm vaccine sởi đầy đủ sẽ có nguy cơ cao bùng phát dịch cao, như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La ...

Ông Trần Đắc Phu cũng cho biết, dịch sởi thường có chu kỳ 4 - 5 năm/lần và năm 2019 nằm trong chu kỳ dịch, vì cộng dồn số người chưa được tiêm phòng sởi tăng lên, khiến tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng thấp. Đó là nguyên nhân khiến dịch dễ bùng phát.

Sởi biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ
Sởi biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ

Theo BS.CKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, Hà Nội hiện đã có 146 ca mắc sởi, tăng cao so với con số 8 người mắc của năm 2018. Dịch sởi hiện đã có mặt ở 23 quận, huyện trên địa bàn, trong đó, 53,1% là trẻ trên 5 tuổi. Như nhiều địa phương khác, trong số các ca mắc sởi ở Hà Nội, chiếm tới 89,1% là chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội dự báo số ca mắc sởi ở Hà Nội có thể gia tăng trong thời gian tới.

Miễn dịch cộng đồng thấp được xác định là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên dịch sởi. Vì thế, từ cuối năm 2018, Bộ Y tế đã tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi - rubella cho 4,2 triệu trẻ từ 1 - 5 tuổi tại các vùng nguy cơ cao của hơn 400 huyện thuộc 57 tỉnh, thành phố, nhằm sớm khống chế dịch này.

Riêng ở Hà Nội, Sở Y tế cũng khuyến cáo người dân chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm, bằng việc cho trẻ tiêm chủng đầy đủ. Các trẻ trong độ tuổi tiêm phòng cần đến các điểm tiêm chủng tại trạm y tế xã/phường để được tiêm miễn phí 8 loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (viêm gan, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm phổi, sởi, Rubella).

Lo ngại quá tải và nhiễm chéo trong bệnh viện

Song, bên cạnh công tác dự phòng, trước sự gia tăng của dịch sởi, Bộ Y tế lo ngại các bệnh viện sẽ quá tải bệnh nhân sởi và điều này dễ dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo tại các cơ sở điều trị, nếu không có các giải pháp kiểm soát như phân luồng khám, chữa bệnh cũng như bố trí các khu cách ly. Thực tế này từng xảy ra trong vụ dịch năm 2014 khiến gần 150 trẻ tử vong ở Bệnh viện Nhi Trung ương, khi đa phần các bé được xác định do lây chéo sởi trong bệnh viện dẫn đến giảm sức đề kháng, dễ lây bệnh khác.

 Từ kinh nghiệm thực tế, PGS.TS Trần Minh Điển -Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, giai đoạn chưa được phát hiện bệnh là dễ lây bệnh nhất. Vì vậy bệnh nhân cần được cách ly, phòng ngừa và quản lý phơi nhiễm thật tốt, phải giám sát, kiểm soát trẻ trong 14-18 ngày đủ để đảm bảo chắc chắn trẻ không lây nhiễm.

PGS.TS Trần Minh Điển nhấn mạnh: Trẻ mắc sởi phải được điều trị ở khu vực riêng, thông khoáng khí. Không nên đưa trẻ đi chụp chiếu, xét nghiệm ở khu vực khác hoặc ngoài khu vực cách ly, vì như thế là đem virus sởi phát tán ra bên ngoài.

Theo ông Trần Đắc Phu, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm, do virus rút sởi gây ra, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc chưa tiêm đủ liều. Bệnh sởi rất dễ lây, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh, hoặc qua tiếp xúc trực tiếp hay qua bàn tay bị nhiễm các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh.

Để phòng chống bệnh sởi, ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động đưa trẻ từ 9 tháng tuổi đi tiêm phòng sởi đủ mũi. Ngoài ra, để tránh bị lây bệnh, các bậc cha mẹ không cho trẻ tiếp xúc với những người nghi mắc bệnh sởi; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, giữ vệ sinh cho trẻ hàng ngày. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn kịp thời.

“Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện”- Ông Trần Đắc Phu lưu ý./.