1. Triết lý nằm phẳng - Tang Ping là gì, rộ lên từ khi nào?
"Tang Ping" (躺平/Thảng bình; 'thảng' là 'nằm', 'bình' là 'bằng, phẳng') hay triết lý nằm phẳng, nằm ườn, mặc kệ đời xuất phát từ một bài viết trên mạng xã hội Trung Quốc hồi giữa tháng 4. Tác giả bài viết thuộc thế hệ 9x sử dụng từ tổ này với lời giải thích: "Quyết tâm bỏ qua mọi nỗ lực để hoàn thành một công việc hay mục tiêu nào đó. Tôi muốn tạo ra lẽ sống cho riêng mình: nằm yên mặc kệ tất cả. Chỉ khi nằm xuống, con người mới có thể trở thành thước đo của vạn vật."
Tác giả tự giới thiệu mình thất nghiệp hai năm qua, nhưng điều này không làm anh cảm thấy chán nản. Thay vì đưa mình vào guồng quay kỳ vọng của gia đình hay chạy theo thành công của bạn bè, người này chọn cách nằm yên bởi "ngày càng thất vọng với văn hóa làm việc vắt kiệt sức của xã hội hiện đại."
Triết lý "nằm phẳng" ngay lập tức tạo ra một làn sóng hưởng ứng trên Internet. Rất nhiều người trẻ sinh ra trong những năm 90, 95, 00 đều bày tỏ rằng họ không muốn phấn đấu nữa. Họ chỉ muốn nằm xuống vì họ cảm thấy rằng dù cố gắng thế nào đi chăng nữa thì họ cũng chẳng thể mua nổi ngôi nhà cho riêng mình, và công sức của họ chỉ khiến tầng lớp tư bản ngày càng giàu có.
Sự bùng nổ của phong trào 996 (9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần) khiến nhiều người lao động phải hy sinh cuộc sống cá nhân cũng như sức khỏe của mình để cống hiến chất xám và sức lực cho công ty. Điều này gây ra sự suy giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí là cái chết theo nghĩa đen cho nhiều nhân viên.
Giá nhà đất tăng chóng mặt đã khiến khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng nghiêm trọng. Điều này cũng khiến hầu hết những người trẻ tuổi cảm thấy rằng dù họ có chăm chỉ đến đâu cũng không thể mua được một căn nhà, nhất là ở những thành phố lớn.
Theo quan niệm ngày nay của người Trung Quốc, không có chuyện yêu và cưới mà không có nhà, xe, tiền tiết kiệm. Ngay cả khi người phụ nữ đã đồng ý, gia đình nhà gái vẫn có thể không bằng lòng.
Điều này khiến những người trẻ tuổi càng thêm đau khổ về tinh thần.
Họ cảm thấy không còn chỗ đứng, không còn cách nào để kết hôn, cũng như không thể tạo điều kiện giáo dục tốt cho con cái, đây cũng là lý do khiến tỷ lệ kết hôn ngày càng giảm trong những năm gần đây.
Do đó, thay vì làm việc chăm chỉ thì thà nằm bẹp còn hơn, đó là một kiểu bất lực trước các vấn đề cơ bản của xã hội đương đại.
2. Hậu quả của lối sống nằm bẹp, mặc kệ sự đời, Tang Ping
Ảnh: Caixin Global |
Nếu người trẻ ngày càng thiên về chọn cách sống "nằm phẳng" thì sẽ mang lại những tác hại gì cho cá nhân và xã hội?
Thứ nhất, gây trì trệ kinh tế và đi kèm là giảm số lượng công ăn việc làm của toàn xã hội. Nếu ngày càng nhiều người trẻ chọn thỏa hiệp và ngừng phấn đấu, ganh đua, giá nhà đất và giá cả có tăng như thế nào cũng không liên quan gì đến họ thì làm sao những thương gia có thể bán được hàng? Nếu không bán được, nền kinh tế sẽ bị đình trệ và những công việc cần thiết đương nhiên sẽ ngày càng ít đi.
Hiện nay, ở nhiều thành phố Trung Quốc, rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường không thể tham gia vào những vị trí công việc tương ứng với chuyên ngành được học của mình.
Nhiều người sẽ chọn giao đồ ăn hoặc làm trái ngành nghề.
Về lâu dài, nó sẽ ảnh hưởng ngày càng nhiều đến tư duy và tâm lý nghề nghiệp của giới trẻ, khiến giới trẻ cảm thấy việc học tập là vô nghĩa, từ đó giảm ham muốn tu dưỡng, phấn đấu.
Thứ hai, người trẻ sẽ bỏ phí "độ tuổi đẹp nhất" mà lẽ ra phải dùng cho 'vùng vẫy', cho những nỗ lực vươn lên lớn nhất của đời người .
Nếu những người trẻ tuổi thực sự tin rằng nằm xuống có thể giải quyết được vấn đề thì cuối cùng, họ sẽ phải trả giá cho quyết định của mình. Bởi khi lớn lên, người trẻ phải đối mặt với sự già đi của cha mẹ, với các khoản chi tiêu khác nhau của gia đình, cuối cùng người trẻ cũng vẫn phải dựa vào bản thân mà bản thân thì lại ẽo ợt do bao nhiêu năm triền miên nằm ườn.
Sức khoẻ thể chất và tinh thần của con trong độ tuổi 25-35 là phù hợp nhất cho những nỗ lực cường độ cao nhất. Do vậy người trẻ sẽ mất đi giai đoạn phấn đấu mạnh mẽ nhất của cuộc đời nếu chọn cách "nằm phẳng".
Một khi đã bước qua độ tuổi thích hợp nhất để phấn đấu cao độ, mà vẫn thiếu trình độ và năng lực, thì có lẽ sẽ không còn cơ hội định vị bản thân trong xã hội nữa.
Khi đến một độ tuổi nhất định, có nhiều thứ muốn đạt được người ta sẽ phải chịu vất vả gấp mười lần so với khi còn trẻ. Vậy tại sao người trẻ không chọn "chiến đấu" ở độ tuổi sức khỏe dồi dào, có thể chịu đựng khó khăn và gian khổ?
Nằm phẳng không giải quyết được vấn đề gì. Nó có thể được sử dụng như một biện pháp xoa dịu cảm xúc tạm thời của thế hệ trẻ, nhưng nó không nên bị tiêu cực hóa, trào lưu hoá thành cách sống, lối sống, thành trào lưu văn hoá.
3. Người trẻ Trung Quốc có thực sự muốn "nằm phẳng", Tang Ping không?
Ảnh: The Strait Times |
Kết quả từ cuộc khảo sát do Cơ quan Truyền thông Thanh niên Trung Quốc thực hiện đối với sinh viên đại học cho thấy 70,34% số người được hỏi cho rằng "nằm phẳng" chỉ là câu nói dối lòng, thực tế, họ làm việc chăm chỉ hơn bất cứ ai khác. 14,76% số người được khảo sát chỉ đơn giản muốn theo đuổi trào lưu mới chứ không có ý định buông bỏ thật sự, và 11,30% số người được hỏi mặc dù không muốn "nằm phẳng" nhưng muốn bày tỏ quan điểm về "nằm phẳng" và tranh luận cùng cư dân mạng.
Hơn 70% thế hệ sinh sau năm 2000 cho rằng những người luôn nói "Tang Ping" kỳ thực đều âm thầm nỗ lực. Ảnh: Cơ quan Truyền thông Thanh niên Trung Quốc |
Theo Linh Hàng, một thực tập sinh tại Minsheng Securities, hầu hết những bạn trẻ xung quanh cô đều hay nói "suýt nằm phẳng", "thiếu chút nữa thì nằm phẳng", song đó chỉ là cách nói đùa và tự an ủi bản thân. "Không ai thực sự nằm phẳng cả. Hầu hết mọi người đều nói rằng thỉnh thoảng hãy thư giãn, 'nằm phẳng', công việc hôm nay chưa hoàn thành thì ngày mai làm tiếp, đơn giản chỉ là cách nói thôi," cô giải thích.
Ngô Quân Hạo, thạc sĩ tại Đại học Hạ Môn cảm thấy dạo này có chút tâm lý muốn "nằm phẳng". Lý do là anh đang phải đối mặt với một lựa chọn quan trọng của cuộc đời – tiếp tục thực tập, chuẩn bị tìm việc làm hay tập trung vào chương trình tiến sĩ và chuẩn bị cho nghiên cứu. "Mọi người đều không muốn 'nằm phẳng' khi đã có mục tiêu. Chỉ những khi họ không biết mục tiêu ở đâu thì mới nảy sinh tâm lý muốn chạy trốn, không muốn đi thi nữa. Cứ như bản thân tôi thì bất cứ khi nào muốn 'nằm phẳng', thì cảm giác tội lỗi lại trỗi dậy," anh nhận xét và chia sẻ.
Miệng thì nói bản thân muốn nằm, buông bỏ nhưng hành động của cơ thể thì lại không thế – anh ta không thể không hẹn đàn anh khóa trên để xin lời khuyên và nói chuyện với giáo sư hướng dẫn về những lựa chọn cho tương lai.
Còn Dư Sênh, một cử nhân ở Đại học Kinh tế Tài chính Trung ương thì nói: "Ở một mức độ nào đó, 'nằm phẳng' là để cho bản thân có thời gian thư giãn. Đó không hẳn là điều xấu. Nó có thể giúp bạn có cơ hội hít thở sâu và bắt đầu lại."
Dư Sênh cho biết anh có rất nhiều bạn học xuất sắc xung quanh, những người có đầu óc và kỹ năng đỉnh cao nhưng lại rất khiêm tốn. "Tôi có một người bạn cùng lớp học ngành khoa học máy tính tại Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh. Anh ấy luôn than phiền về khả năng của mình. Nhưng khi vào đợt tuyển dụng mùa thu, anh ấy gần như nhận được thư mời làm việc với mức lương tối đa từ tất cả các công ty lớn". "Khi bên cạnh là những người giỏi hơn và làm việc chăm chỉ hơn mình, bạn sẽ thấy bản thân như được thúc giục phải cố gắng nhiều hơn nữa," Dư Sênh nhận định.
Điều tra thực tế cũng cho thấy, mặc dù nhiều người chỉ trích ngành công nghiệp Internet vắt kiệt sức lực của nhân viên, nhiều người trẻ vẫn mong muốn gia nhập ngành này sau khi tốt nghiệp. Cũng theo báo cáo trên, 64.33% sinh viên sắp tốt nghiệp định hướng đến ngành công nghiệp chuyển đổi số, ba công ty hàng đầu được sinh viên đại học khao khát nhất là ByteDance, Alibaba và JD.com.
Bất chấp mặt trái của văn hóa 996, người trẻ vẫn khao khát cơ hội làm việc tại những công ty công nghệ thông tin hàng đầu. Ảnh: Cơ quan Truyền thông Thanh niên Trung Quốc |
Như vậy, trái với một số cách hiểu có phần đơn giản và phiến diện, ý nghĩa của "nằm phẳng"/ Tang Ping không phải bao giờ cũng tiêu cực. Cũng có khi, có nơi nó được dùng để chỉ một loại xúc cảm, chỉ việc cho phép bản thân sống thoải mái hơn, và khi đối mặt với vấn đề hắc búa chưa thể giải quyết ngay, có thể cần nghỉ ngơi, giảm bớt áp lực trước khi tập trung tâm sức để vượt qua.
Nói tóm lại, làn sóng nằm phẳng, nằm ườn, buông bỏ, Tang Ping chỉ mới chớm xuất hiện ở Trung Quốc. Tang Ping sẽ là mối nguy hại lớn cho xã hội nếu tiến triển thành một thứ văn hoá chủ lưu ở người trẻ, may thay hiện nó mới chỉ đang ở mức thiểu số, và đa phần bạn trẻ hiện chỉ coi Tang Ping là một cách nói, một lối dụng ngữ để gọi tên những nơi những khi con người cần nghỉ ngơi, hồi sức mà thôi.
Thanh Hà (tổng hợp)