
Theo báo cáo Nhu cầu Giải trí số Việt Nam 2024-2025 do Appota vừa công bố chiều 5/6, video ngắn trên các nền tảng như TikTok, YouTube Shorts và Instagram Reels trở thành hình thức giải trí phổ biến nhất.
Trong đó, trung bình cứ 100 smartphone tại Việt Nam, có đến 65 chiếc đã cài TikTok và người dùng sử dụng 58 phút mỗi ngày cho nền tảng này. Số liệu này cho thấy tốc độ tăng trưởng rất cao của TikTok tại Việt Nam.
Báo cáo cũng dẫn số liệu từ Statista cho thấy với tốc độ tăng trưởng trung bình về số người dùng TikTok tại Việt Nam lên tới 10−15% mỗi năm, đến cuối năm 2025, con số này có thể đạt khoảng 65−70 triệu người dùng, chiếm hơn 60% dân số trưởng thành có truy cập Internet.

Người trẻ Việt hiện nay không chỉ tiếp nhận thông tin thụ động, không còn thỏa mãn với việc chỉ xem hay nghe. Họ muốn tham gia, phản hồi và định hình nội dung. Các hình thức giải trí mang tính tương tác cao như livestream, game, video ngắn (short-form content) đang chiếm ưu thế, nhờ khả năng tạo kết nối tức thì và mang đến trải nghiệm cá nhân hóa.
Thời gian trung bình dành cho xem video dài trên YouTube là 70 phút/ngày, trong khi xem phim qua các nền tảng OTT lên tới 120 phút/ngày. Những con số này cho thấy nếu được đặt đúng ngữ cảnh và đúng thời điểm, nội dung dài vẫn giữ được sức hút mạnh mẽ.
Thời gian sử dụng YouTube và các nền tảng OTT cũng thể hiện thái độ ưu tiên sử dụng nền tảng miễn phí và dễ tiếp cận của người dùng Việt Nam. Trong đó, Youtube và TikTok dẫn đầu về mức độ sử dụng.
Zing MP3, NhacCuaTui là lựa chọn phổ biến để nghe nhạc miễn phí. Còn Spotify và Netflix có mức thâm nhập thấp hơn do thói quen tiết kiệm chi tiêu cho nội dung số.

50% người Việt sẵn sàng chi tiền giải trí số
Báo cáo chỉ ra một xu hướng không thể bỏ qua là sự chấp nhận chi tiêu cao hơn cho các gói giải trí có tính cá nhân hóa. Các nền tảng như Netflix, Spotify, Apple Music đã đầu tư mạnh vào AI để đề xuất nội dung đúng “gu” người dùng. Trong khi đó, các dịch vụ streaming game, âm nhạc, video cũng đang tối ưu trải nghiệm một chạm – giúp người dùng giảm thao tác thủ công khi thanh toán.
Theo khảo sát từ Appota, khoảng 50% người dùng sẵn sàng chi trả cho các gói premium nếu nội dung được “đo ni đóng giày” cho nhu cầu và sở thích cá nhân. Mức chi tiêu trung bình cho giải trí số hiện dao động từ 100.000 – 500.000 đồng/tháng – một con số không nhỏ nếu xét đến độ phổ cập của việc này.

Không dừng lại ở giải trí cá nhân, các gói gia đình cũng trở nên phổ biến khi nhóm người dùng cùng chia sẻ chi phí, tối ưu hóa giá trị nhận được. Báo cáo Appota cho thấy tỷ lệ dùng chung tài khoản tăng lên đáng kể, phản ánh một cộng đồng người dùng tinh gọn trong chi tiêu nhưng vẫn đề cao chất lượng trải nghiệm.
Một điểm đáng chú ý khác là hành vi chi tiêu ngay trong quá trình trải nghiệm. Trong các buổi livestream bán hàng, livestream game hay concert online, người xem không chỉ tương tác mà còn sẵn sàng mua hàng, mua vật phẩm hoặc ủng hộ bằng quà tặng (vật phẩm ảo). Tất cả đều được thực hiện ngay trong lúc xem.
Việc thanh toán diễn ra tức thì, không cần rời khỏi nền tảng, đang góp phần rút ngắn hành trình ra quyết định và tăng tỉ lệ chuyển đổi một cách ấn tượng.
Báo cáo cho thấy đến năm 2024, 80% người dùng đã chuyển sang thanh toán số thay vì thanh toán qua tiền mặt, COD như trước. Đây chính là điểm hội tụ giữa giải trí và thương mại số, nơi người trẻ vừa tiêu thụ nội dung, vừa mua sắm, vừa thể hiện cá tính chi tiêu.
Theo Statista, doanh thu từ thị trường truyền thông số (digital media) tại Việt Nam dự kiến đạt 1,013 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng CAGR khoảng 7,97% từ 2025−2027, đạt 1,181 tỷ USD vào năm 2027.
Theo báo cáo của DataRe-portal, 79,1% dân số Việt Nam sử dụng Internet trong năm 2024. Là thị trường phát triển tiềm năng nhờ dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng internet cao.
Doanh thu từ thị trường truyền thông số tại Việt Nam dự kiến đạt 1,031 tỷ vào năm 2025. Thị trường truyền thông số Việt Nam (một thành tố quan trọng trong ngành giải trí số) cho thấy tăng trưởng ổn định, phù hợp với xu hướng toàn cầu.

Triệt phá cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả quy mô lớn, tiêu thụ hơn 100.000 đơn hàng trên Shopee, TikTok
