|
Luật sư Trần Quốc Thuận |
Người Việt ở nước ngoài làm đại biểu QH: Cách nào?
Gần đây trên các diễn đàn, nhiều nhân sĩ, trí thức Việt Nam ở nước ngoài kêu gọi cần phải “mở rộng cửa” để kiều bào ta có quyền ứng cử và bầu cử vào QH Việt Nam. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
- Về mặt pháp lý thì không có điều luật nào, quy định nào ngăn cấm kiều bào ta tham gia ứng cử và bầu cử cả. Hiến pháp Việt Nam cũng đã xác định “mọi công dân Việt Nam đủ 18 tuổi đều có quyền bầu cử và trên 21 tuổi đều có quyền ứng cử”. Hôm trước có người cũng hỏi tôi: “Nếu có nhiều người Việt Nam ở hải ngoại gửi đơn về tham gia ứng cử thì sao?”. Thì phải tạo điều kiện cho họ tham gia hiệp thương để có cơ hội ra ứng cử chứ còn sao nữa! Vì theo luật có điều nào căn cấm kiều bào tham gia ứng cử đâu. Rồi thì các công dân Việt Nam đang công tác, làm việc tại nước ngoài có quyền tham gia ứng cử, bầu cử không? Về nguyên tắc thì, như tôi nói ở trên, không có điều luật nào cấm cả.
Nhưng quả thực, nếu có hàng vài ngàn người Việt Nam ở nước ngoài gửi đơn và hồ sơ về tham gia ứng cử thì liệu có gây khó khăn cho công tác hiệp thương không, thưa luật sư?
- Nếu điều đó diễn ra thì cũng là một phép thử đối với các nhà làm luật nước ta và việc làm này sẽ thúc đẩy quá trình cải cách bầu cử ở nước ta. Tôi xin khẳng định lại, về mặt luật pháp, không ai cấm kiều bào ra ứng cử cả. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, còn rất nhiều khó khăn. Ví dụ, việc lấy ý kiến cử tri nơi làm việc thường xuyên sẽ phải tiến hành như thế nào? Lấy ý kiến cử tri nơi cư trú thì sao? Ai sẽ đứng ra chủ trì, hoặc tổ chức để lấy ý kiến cử tri nơi ứng cử viên đó cư trú? Hoặc cần thu thập bao nhiêu chữ ký thì đủ điều kiện tham gia ứng cử? Còn nếu làm được việc này và hồ sơ hợp lệ như quy định thì phải thu xếp để họ tham gia hiệp thương ra ứng cử.
Nếu việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú có thể thực hiện được thì vẫn còn một vấn đề phức tạp nữa là họ sẽ tham gia ứng cử ở đâu: ở một cụm bầu cử trong nước hay tổ chức cụm bầu cử ở nước ngoài?
- Đây quả thực là vấn đề phức tạp. Việc tổ chức cụm bầu cử ở nước ngoài hiện chưa thể thực hiện được và nếu có thực hiện được thì cũng phải nghiên cứu kỹ, rồi thì phải điều chỉnh luật và phải có thời gian, lộ trình cụ thể. Còn tổ chức để ứng cử viên là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào một cụm bầu cử nào đó trong nước thì đơn giản hơn và có thể thực hiện được, nếu chúng ta muốn.
Giả sử, nếu họ trúng cử, họ đại diện cho ai, đại diện cho cử tri nơi họ cư trú đã xác nhận đủ tư cách cho họ tham gia ứng cử, hay cử tri nơi bầu ra họ?
- Theo luật định thì đương nhiên đại biểu phải bảo vệ quyền lợi cho cử tri bầu ra họ.
Nhưng làm sao một đại biểu QH cư trú và làm việc tại nước ngoài lại có đủ điều kiện, thông tin để bảo vệ quyền lợi cho một bộ phận cử tri trong nước, thưa ông?
-Thực ra đó không phải là vấn đề phức tạp. Đại biểu có 2 nhiệm vụ với cử tri, đó là tiếp xúc cử tri trước kỳ họp để lấy ý kiến và sau kỳ họp để báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri. Rồi nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của cử tri, nếu có, và gửi tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết; đồng thời họ phải có cơ chế để có thể thực hiện được công tác giám sát việc giải quyết để trả lời cử tri.
Có nghĩa là họ không đại diện cho cử tri ở nước ngoài nơi họ cư trú?
- Vai trò của Đại biểu QH là đại diện cho cử tri nơi bầu ra họ và đại diện cho cử tri cả nước. Mà người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Vì thế, có thể hiểu cử tri cả nước thì đã bao gồm cả người Việt ở nước ngoài rồi.
Với những lý do mà ông vừa đưa ra thì việc người Việt Nam ở nước ngoài muốn trở thành đại biểu QH quả thật không đơn giản và khó thực hiện trong ngày một ngày hai. Vậy có cách nào để một kiều bào có thể trở thành đại biểu ngay trong QH khóa XIV này, thưa ông?
- Chỉ có một cách là QH ra một nghị quyết chỉ định đại biểu. Thực ra đây là vấn đề không mới. Chúng ta đều biết, QH đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tổng số đại biểu là 403, trong đó có 333 đại biểu được bầu và 70 đại biểu không thông qua bầu cử. Số đại biểu này được các đại biểu biểu quyết thông qua tại phiên họp thứ nhất, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vậy nếu QH ra nghị quyết chỉ định đại biểu là kiều bào thì thủ tục sẽ được tiến hành như thế nào cho hợp pháp, theo ông?
-Thí dụ có thể tiến hành như thế này: bộ phận người Việt ở nước ngoài giới thiệu các ứng cử viên. Sứ quán, lãnh sự ta ở nước ngoài hoặc Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài xác nhận, giới thiệu cho MTTQ để tổ chức này trình ra QH xem xét, biểu quyết thông qua.
Vậy có thể làm việc này ngay tại lần bầu cử QH khóa XIV này chưa hay phải chờ lần bầu cử quốc hội khóa XV tới?
- Nếu để lần bầu cử sau thì thật đáng tiếc, vì đây là vấn đề đã được đặt ra từ lâu rồi.
Đã đến lúc tổ chức cho kiều bào bầu cử?
Theo ông, liệu đã đến lúc tổ chức cho người Việt Nam ở nước ngoài tham gia bầu cử chưa?
- Ngay từ khi chuẩn bị cho công tác bầu cử QH khóa X đã bàn tới vấn đề này rồi chứ không phải bây giờ mới đặt ra. Bàn đi bàn lại, nói khó quá, rồi cuối cùng thì để lui lại. Việc kiều bào về nước tham gia bầu cử thì đơn giản rồi. Họ chỉ cần đăng ký ở một điểm bất kỳ để tham gia bầu cử. Còn làm thùng phiếu để người Việt ở nước ngoài bầu cử thì bàn nhiều, nhưng nói khó quá, nên thôi.
“Khó quá” là như thế nào? Ông có thể nói cụ thể hơn không?
- Cái khó nhất là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có các khuynh hướng chính trị khác nhau nên rất khó để tổ chức điểm bầu cử diễn ra tốt đẹp. Việc quan trọng trước tiên là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phải hóa giải mọi khúc mắc với nhau để tiến tới hòa giải.
Nhưng liệu có giải pháp là yêu cầu chính quyền sở tại đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử không, thưa ông?
- Đấy cũng là một giải pháp nên được tính đến.
Ở những quốc gia có hoàn cảnh tương tự như chúng ta họ tổ chức cho kiều dân của họ bầu cử như thế nào? Sao chúng ta không khảo sát để rút kinh nghiệm?
- Được biết, ngoại trừ một số trường hợp như Việt Nam, Trung Quốc v.v..., còn lại nhiều quốc gia hiện vẫn có chính sách, luật định và có tổ chức việc bầu cử, ứng cử... cho kiều dân của các nước này ở hải ngoại trong các kỳ bầu cử của nhà nước, chính quyền, hoặc tham gia các hoạt động chính trị khác như trưng cầu dân ý v.v...
Mới đây, chẳng hạn, trong kỳ bầu cử phổ thông đầu phiếu ở Myanmar, kiều dân nước này ở hải ngoại đã được tổ chức để bỏ phiếu thực hiện quyền công dân và chính trị của họ.
Riêng tại Singapore, truyền thông quốc tế ghi nhận có tới khoảng 20.000 người dân Myanmar đã tham gia kỳ bầu cử tại một điểm bỏ phiếu được mở từ sáng đến chiều, trong thời gian gần một tuần lễ cùng thời điểm với bầu cử diễn ra ở trong nước. Tuy nhiên, điều kiện, hoàn cảnh, thể chế chính trị của chúng ta có nhiều khác biệt nên không dễ làm như các nước khác.
Xin cám ơn ông!