Người về muộn đêm 30 tháng Tư

VietTimes – Gần nửa đêm ngày 30/4/1975, có một người đàn ông lặng lẽ, khoan thai bước chân lên chiếc jeep dã chiến, xuôi xa lộ từ Hóc Môn tìm về trung tâm thành phố, khi Sài Gòn đã im tiếng súng, sau 30 năm xa gia đình.
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Tàu gặp lại những đồng đội năm xưa.
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Tàu gặp lại những đồng đội năm xưa.

Trước đó, đơn vị của ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: đánh và giữ cầy cầu Rạch Chiếc, mở đường cho đại quân tiến vào Sài Gòn, chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước. Ông là Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang), Chính ủy cánh Bắc Lữ đoàn đặc công – biệt động 316 - Bộ tham mưu Miền (B2), vừa được thành lập cách đó chưa lâu.

“Nhồng ơi!”, tiếng ông Tư Cang gọi vang từ đầu khu cư xá khi về đến Thị Nghè. Không ai biết ông tìm ai. Con gái ông, Trần Thị Giang (SN 1947), được đặt tên là Nhồng (một loài chim biết nói ở miền Nam), trong một lá thư ông nhận được từ năm 1949.

Năm 1954 ông tập kết ra Bắc, đi biền biệt tới 1962 thì về chiến khu Bời Lời (Tây Ninh) được gặp lại con đúng 1h đồng hồ khi con gái đã 15 tuổi. Gần 30 năm sau, khi tiếng súng hoàn toàn chấm dứt, ông Tư Cang mới chính thức được cất tiếng gọi tên cúng cơm của con mình.

Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang) là Cụm trưởng Cụm H.63, rồi là Chính ủy cánh Bắc của Lữ đoàn 316. Ông Tư Cang là chỉ huy trực tiếp của thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn. Ảnh: GVT.
Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang) là Cụm trưởng Cụm H.63, rồi là Chính ủy cánh Bắc của Lữ đoàn 316. Ông Tư Cang là chỉ huy trực tiếp của thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn. Ảnh: GVT.

Cũng chừng ấy năm, vợ ông, bà Trần Ngọc Ảnh mang tiếng “chửa hoang”, một mình nuôi con khôn lớn. Cả gia đình ông gặp nhau trong đêm muộn 30/4/1975 nhập nhòa ánh sáng lẫn nhòa nước mắt.

Đi qua lò lửa chiến tranh

44 năm sau của đêm 30/4 năm đó, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Nguyễn Văn Tàu đón chúng tôi với nụ cười hiền khô quen thuộc tại căn nhà giản dị nằm khuất nẻo trong một hẻm nhỏ trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q. Bình Thạnh). Câu chuyện sôi nổi của một thời tuổi trẻ lại ùa về.

Năm nay đã 91 tuổi, đại tá Tư Cang cũng yếu đi nhiều, nhưng nét hóm hỉnh của chàng trai quê Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn còn nguyên vẹn. Không nhắc nhiều đến chiến tranh, ông nói rằng hòa bình đã giành được, ổn định của đất nước là quan trọng nhất.

Trước khi nhận lệnh sang lữ đoàn 316, thời điểm cuối năm 1973, đại tá Tư Cang vốn là Cụm trưởng H.63, chỉ huy lưới bảo vệ điệp viên Phạm Xuân Ẩn, người về sau được công chúng biết đến như một “Điệp viên hoàn hảo”, tên một cuốn sách mà nhà sử học người Mỹ Larry Berman sau này viết về vị thiếu tướng tình báo huyền thoại này.

Ông Tư Cang cũng trực tiếp có mặt trong Mậu Thân 1968, trực tiếp nổ súng để chia lửa cho đồng đội đánh vào dinh tổng thống VNCH. Cũng chính ông là người thâm nhập trở lại thành sau đợt 1, trực tiếp kiểm tra, phân tích và viết những báo cáo tuyệt mật để khẳng định “nếu đủ điều kiện, cần tổ chức đánh tiếp đợt 2” để bẻ gãy hoàn toàn ý chí của người Mỹ về cuộc chiến Việt Nam.

Vợ chồng ông Tư Cang nay đã ngoài 90 tuổi, nay mới được quây quần bên nhau sau gần 30 năm ông đi biền biệt. Ảnh: GVT.
Vợ chồng ông Tư Cang nay đã ngoài 90 tuổi, nay mới được quây quần bên nhau sau gần 30 năm ông đi biền biệt. Ảnh: GVT.

Trước tình hình thay đổi nhanh cục diện trên chiến trường miền Nam, ngày 12/3/1974, Tư lệnh Trần Văn Trà ký quyết định thành lập Lữ đoàn đặc công – biệt động 316, với Bộ chỉ huy lữ đoàn và 17 đơn vị chiến đấu.

Lữ 316 gồm 13 cụm biệt động (lấy phiên hiệu từ Z20 đến Z32), 4 tiểu đoàn đặc công (D80 đến D83), trực thuộc Bộ Chỉ huy Miền do Bộ Tham mưu trực tiếp chỉ huy. Mục tiêu của lữ đoàn là đánh và giữ trong ít nhất 48 tiếng 17 mục tiêu chính trong nội thành Sài Gòn và ở Biên Hòa, Vũng Tàu; 12 mục tiêu thứ yếu chờ chủ lực từ phía sau tiến vào trung tâm thành phố hỗ trợ.

Những mục tiêu Lữ đoàn 316 đảm nhận đều là những mục tiêu chiến lược: sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Tổng Nha cảnh sát, Bộ tư lệnh biệt khu thủ đô, dinh Tổng thống VNCH, căn cứ hải quân, cảng Bạch Đằng, trại Phù Đổng (căn cứ thiết giáp), căn cứ Cổ Loa (pháo bình), Bộ tư lệnh cảnh sát dã chiến, Bộ tư lệnh thủy quân lục chiến, kho xăng Nhà Bè, kho bom thành Tuy Hạ, sân bay Biên Hòa, cảng Rạch Dừa và sân bay Vũng Tàu…

Ở hướng Sài Gòn, Lữ đoàn 316 chia làm 3 mũi tiến công. Mũi phía Đông gồm 1 D đặc công và 4 Z biệt động đứng chân ở khu vực Tam An, vùng bưng 6 xã (huyện Thủ Đức) có nhiệm vụ tấn công, chiếm giữ căn cứ hải quân và cảng Bạch Đằng.

Mũi phía Tây gồm 1 D đặc công và 2 Z biệt động đứng chân ở vườn thơm Bà Vụ có nhiệm vụ đánh chiếm Bộ tư lệnh biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát.

Mũi phía Bắc là mũi chủ yếu gồm 1D đặc công cơ giới, 1 D đặc công cơ động và 4 Z biệt động đứng chân ở Củ Chi, Bến Cát có nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tổng tham mưu VNCH, căn cứ pháo binh và căn cứ thiết giáp.

Tất cả chỉ huy của lữ 316 đều là những cán bộ đã trải qua nhiều năm tháng chiến đấu, thông thuộc địa bàn. Ngày nay, tại khu di tích Đồng bưng 6 xã, tọa lạc ngay trên địa bàn Q.9 (TP.HCM), còn tấm bia ghi rõ dấu ấn của một người con xuất sắc của vùng đất này: Nguyễn Văn Tăng (1932-1992, bí danh Tư Tăng), Đại tá, AHLLVTND, nguyên cụm trưởng cụm 3,4,5 biệt động Sài Gòn. Lữ đoàn phó 316 kiêm Chỉ huy cánh Bắc của lữ đoàn ngày tiến vào Sài Gòn 30/4/1975.

Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Văn Tăng (Tư Tăng) là một người con của huyện Thủ Đức. Khu lưu niệm Đồng bưng Sáu xã nay còn ghi khắc tên ông.
Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Văn Tăng (Tư Tăng) là một người con của huyện Thủ Đức. Khu lưu niệm Đồng bưng Sáu xã nay còn ghi khắc tên ông.

Đại  tá Tư Tăng vốn là chiến sỹ đặc công rồi biệt động trong suốt 2 cuộc kháng chiến, từng chỉ huy mũi biệt động đánh chiếm đài phát thanh VNCH Mậu Thân năm 1968. Sinh ra và lớn lên tại Thủ Đức, Tư Tăng từng vào ra thành phố nhiều lầm, có lúc ém ngay tại nội thành một thời gian dài, tạo được nhiều cơ sở và có nhiều kinh nghiệm chỉ huy lối đánh biệt động trong thành phố. Cả ba cụm biệt động do Đại tá Tư Tăng chỉ huy đều được phong tặng danh hiệu AHLLVTND.

Lữ 316, tưởng chừng như được ghép lại từ những mảnh ghép rời rạc: tình báo hành động, đặc công bộ, đặc công thủy, đặc công cơ giới, biệt động, đã đánh những trận quyết chiến cuối cùng với các mục tiêu chiến lược nêu trên, để hoàn thành nhiệm vụ cao nhất: Kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước, vào ngày 30/4 lịch sử 44 năm trước.

Máu thắm cầu Rạch Chiếc

Hướng Đông, từ Đồng Nai, Bình Dương muốn vào Sài Gòn, hoặc ngược lại, có một cây cầu bê tông lớn, một chân đứng trên đất An Phú (Q.2), chân còn lại đứng trên đất Q.9. Trước 1975, đây là một cây cầu sắt nằm trên địa bàn huyện Thủ Đức, dẫn trục chính vào thẳng cầu Sài Gòn để vào trung tâm thành phố, tên cầu Rạch Chiếc.

Khu tưởng niệm 52 cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn đặc công - biệt động 316 đã hy sinh khi đánh và chiếm giữ cầu Rạch Chiếc từ 27-30/4/1975 để đón xe tăng của Quân đoàn 2 tiến vào Sài Gòn.
Khu tưởng niệm 52 cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn đặc công - biệt động 316 đã hy sinh khi đánh và chiếm giữ cầu Rạch Chiếc từ 27-30/4/1975 để đón xe tăng của Quân đoàn 2 tiến vào Sài Gòn.

Dưới chân chiếc cầu này, phía địa bàn quận 2 ngày nay, thuộc phường An Phú, có một khu tưởng niệm nhỏ nằm khuất nẻo nhìn ra phía bờ sông Rạch Chiếc, đối diện bờ Bắc là Q.9, phía trên đêm ngày rầm rập tiếng xe cộ, thì khoảng không phía dưới khá yên tĩnh. Đó là nơi ghi dấu ấn 52 cán bộ, chiến sỹ của D81, Z22, Z23 đã nằm lại 44 năm trước để công chiếm và giữ cầu suốt từ rạng sáng ngày 26/4 đến sáng 30/4/1975, khi xe tăng đã vượt qua được cây cầu chiến lược này.

Cầu Rạch Chiếc là một trong ba cây cầu quan trọng trên xa lộ Hà Nội – Biên Hòa, được đối phương tăng cường hệ thống phòng thủ căn cứ và lực lượng giữ cầu, với quyết tâm “tử thủ”. Đêm đêm, máy bay trinh sát và máy bay lên thẳng thay nhau quần đảo vùng ven Sài Gòn, đặc biệt rà soát dọc xa lộ. Chung quanh cầu địa hình hoàn toàn trống trải, chỉ nhô lên vài cụm dừa nước, ô rô, cóc kèn. Thường trực tại đây có một tiểu đoàn bảo an trên 400 quân, đặt trụ sở chỉ huy ở phía Nam cầu.

Hai đầu cầu đều xây các lô cốt kiên cố bằng bê tông cốt sắt, vòng ngoài có nhiều bót gác đắp công sự bằng gỗ, đất. Bao quanh căn cứ và phía Nam, Bắc cầu có 4-5 lớp hàng rào kẽm gai kết hợp các bãi mìn. Hệ thống đèn pha cực mạnh đêm đến quét sáng như ban ngày.

Cách cầu Rạch Chiếc hơn 1km là căn cứ giang đoàn 306, luôn có 2 tàu chiến nhỏ túc trực dưới chân cầu. Pháo binh cơ giới từ liên trường Thủ Đức, căn cứ Sóng Thần, Nhơn Trạch và bộ binh các đồn bốt kế cận sẵn sàng chi viện để giữ cầu.

Dòng sông Rạch Chiếc hôm nay, sau 44 năm ngày Thống nhất đất nước, nhìn từ khu tưởng niệm 52 liệt sỹ đã ngã xuống trong trận chiến chiếm và giữ cây cầu Rạch Chiếc.
Dòng sông Rạch Chiếc hôm nay, sau 44 năm ngày Thống nhất đất nước, nhìn từ khu tưởng niệm 52 liệt sỹ đã ngã xuống trong trận chiến chiếm và giữ cây cầu Rạch Chiếc.

Hơn 100 cán bộ, chiến sỹ  của D81 đặc công cơ giới xuất phát từ 22/4 từ Suối Đá, Bình Sơn, Long Thành, đêm 23/4 vượt sông Đồng Nai, đêm 25/4 vượt sông Tắc, qua lộ 18 sang Bình Trưng, cụm rạch Bà Rú, đã soi đường về tới Thủ Thiêm, đến vị trí tập kết an toàn chuẩn bị tấn công các mục tiêu đã chuẩn bị trước: quân cảng, Bộ tư lệnh hải quân, đài phát thanh, đài truyền hình.

Khi ban chỉ huy tiểu đoàn đang lo lắng tìm ghe, xuồng cho đơn vị vượt sông Sài Gòn tại bến đò Thủ Thiêm, lòng sông rộng, tàu địch tuần tiễu dày đặc thì nhận được lệnh từ Bộ Tham mưu Miền: toàn đơn vị chuyển nhiệm vụ mới: Cùng Z22, Z23 của lữ đoàn đánh chiếm và giữ cầu Rạch Chiếc ngay trong đêm 27 rạng sáng 28/4 “cho bằng được” đến khi đại quân tiến vào trung tâm thành phố.

Mục tiêu hoàn toàn mới, chỉ có một đêm để điều nghiên, 17h ngày 26/4, toàn bộ cán bộ, chiến sỹ 3 đơn vị đã tập kết tại rạch Bà Rú và gò đất không tên phía bờ Nam, 3h sáng ngày 27/4 D81 nổ súng phía bờ Nam, 3h30’ Z22 và Z23 nổ súng tấn công bờ Bắc. Lối đánh tiềm nhập của đặc công phát huy sở trường, chỉ mất 45 phút đã hoàn toàn chiếm giữ cầu Rạch Chiếc.

Mất cây cầu chiến lược quan trọng ở cửa ngõ dẫn vào trung tâm Sài Gòn, ngay từ hửng sáng, pháo từ các trận địa ở liên trường Thủ Đức, Nhơn Trạch, Sóng Thần cấp tập bắn về phía cầu. Trực thăng vũ trang từng đợt 2-3 chiếc bắn như vãi đạn xuống trận địa chốt chặn cả 2 đầu cầu. Bộ binh đối phương phản kích quyết liệt dưới sự yểm trợ của tăng, thiết giáp. Giang thuyền quần thảo dưới sông bắn lên dữ dội.

Tấn công thông thường không hiệu quả, đối phương lùi ra xa, dùng pháo kích bắn vào các vị trí ta chốt giữ. Sau đó, chúng sử dụng pháo chụp, đạn nổ trên cao từ 5-7m, mảnh chụp xuống khiến lực lượng ta phơi mình trên địa hình trống hy sinh liên tục.

Tấm bia ghi nhớ nằm ngay dưới chân cầu Rạch Chiếc, gần mé sông Rạch Chiếc ngày nay.
Tấm bia ghi nhớ nằm ngay dưới chân cầu Rạch Chiếc, gần mé sông Rạch Chiếc ngày nay. 

Địch đông, hỏa lực mạnh, đến 12h ngày 27/4, tất cả lực lượng phải băng qua sông rộng lui về ém quân. Chỉ trong sáng ngày 27/4, 15 cán bộ, chiến sỹ Z22, Z23 đã nằm lại với cầu Rạch Chiếc. Rất nhiều người trong số họ thuộc lực lượng đặc công thủy của Lữ đoàn 126 Hải quân, vừa được điều động vào Nam chiến đấu, biên chế thuộc lữ đoàn 316, đã vĩnh viễn nằm lại cửa ngõ Sài Gòn, hòa mình vào lòng sông Rạch Chiếc.

Ngay trong đêm 28/4, cả 3 đơn vị tiếp tục mở đợt tấn công tái chiếm cầu Rạch Chiếc. Ngày 29/4, tại hai đầu cầu là 7 cuộc phản kích liên tục bị đẩy lùi. Theo lời thuật lại của trung úy Nguyễn Đức Thọ, người bắn phát B.40 đầu tiên mở màn trận đánh đêm 27/4, “lúc này lực lượng lính thất trận ở Xuân Lộc và Long Thành dồn về rất đông, khi ta nổ súng tất cả vứt vũ khí, quân tư trang bỏ chạy thục mạng”.

Lực lượng 316 làm chủ trận địa, chốt giữ cầu tới 7h sáng 30/4 thì thấy lực lượng đi đầu của Quân đoàn 2 xuất hiện. Tới 9h20’ ngày 30/4/1975, xe tăng của Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 cắm cờ giải phóng hành quân qua cầu, tiến vào trung tâm Sài Gòn.

Nhiệm vụ đánh chiếm và giữ cầu Rạch Chiếc hoàn thành, nhưng 44 năm sau, đại tá Tư Cang vẫn trầm ngâm khi nhắc lại sự hy sinh của 52 cán bộ, chiến sỹ của lữ đoàn năm nào. Ông lý giải rằng đặc công, biệt động là đánh hiểm, đánh nhanh rồi bàn giao ngay.

Trên một địa bàn trống trải như mặt cầu Rạch Chiếc, có chiến sỹ đã phải ôm mìn phi thẳng xuống đánh chìm giang thuyền để chia lửa với đồng đội. Sau trận đánh, chiến sỹ Lê Văn Thất (C32 – E3 – Lữ 126, thuộc Z23), người bị thương không chịu rút, nằm lại bắn cản địa cho đồng đội, khi tìm lại được thì không còn nguyên vẹn. Hoặc như chiến sỹ Nguyễn Văn Mình (Z23) bị đối phương hành hạ đến chết, xác không nguyên vẹn bị vứt ven đường.

“Ngày trước cán bộ phải lặn sâu vào dân, xin cơm dân ăn, xa dân là đói, bám dân mà sống, nhờ một tay người dân che chở", Đại tá Tư Cang kể lại. Ảnh: GVT.
 “Ngày trước cán bộ phải lặn sâu vào dân, xin cơm dân ăn, xa dân là đói, bám dân mà sống, nhờ một tay người dân che chở", Đại tá Tư Cang kể lại. Ảnh: GVT.

Đại tá Tư Cang kể rằng, trong những ngày ém quân đầy gian khổ để đánh cầu Rạch Chiếc, hình ảnh những chiến sỹ lữ đoàn 316 luôn nhớ mãi là môt người phụ nữ trên dưới 40, luôn xuất hiện trên một chiếc xuồng nhỏ mỗi buổi chiều khi trời sập tối, khi anh em đã khát khô cổ họng thì chị lặng lẽ đưa cho vài ký gạo khô, vài cái quần, quý nhất là thùng nước ngọt.

Trên đồng nước phèn mênh mông, mỗi giọt nước ngọt cuối ngày ngọt tới mức mà sau này những người còn sống sau trận đánh tìm về nhà chị là một cái chòi nổi sát mép sông, mới biết chị tên Hồng, là một cơ sở mật của Z23.

“Dù không trực tiếp chiến đấu nhưng chị đã góp phần vào chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, lữ đoàn 316, đơn vị AHLLVTND dành những dòng viết đầy trân trọng như vậy với những người dân đã góp tay cùng họ làm nên lịch sử.

Như cách Đại tá Tư Cang chia tay chúng tôi: “Ngày trước cán bộ phải lặn sâu vào dân, xin cơm dân ăn, xa dân là đói, bám dân mà sống, nhờ một tay người dân che chở. Hòa bình rồi, một đất nước không có chiến tranh, không có phá hoại là tốt nhất để phát triển. Ngày nay, làm cán bộ, đừng bận rộn quá nhiều mà cách xa dân quá”, khi được hỏi ông mong muốn gì nhất sau 44 năm ngày đất nước đã hoàn toàn Thống nhất./.