|
Thông tư liên tịch quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng, vừa được Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ ký ban hành và có hiệu lực từ 1/5. Theo đó, người tố cáo tham nhũng tùy theo mức độ sẽ được khen thưởng bằng nhiều hình thức như phát hiện, ngăn chặn hành vi tham nhũng từ 300 triệu đồng trở lên, hy sinh tính mạng của mình hoặc bị thương tích, tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên sẽ được tặng Huân chương Dũng cảm.
Những người tố cáo, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng mà giúp nhà nước thu hồi được từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, bị thương tích hoặc tổn hại sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến dưới 61% sẽ được tặng bằng khen của Thủ tướng...
Trường hợp thành tích của người được khen thưởng giúp thu hồi được cho Nhà nước tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì có thể áp dụng mức động viên, khuyến khích bằng vật chất cao hơn mức quy định nhưng tối đa không vượt quá 10% giá trị tiền, 3.000 lần mức lương cơ sở (tương đương với 3,4 tỷ đồng).
Ngoài mức thưởng theo quy định nêu trên, các cá nhân được khen thưởng còn được thưởng từ Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ quản lý.
Cũng theo Thông tư, việc khen thưởng người có thành tích tố cáo tham nhũng được thực hiện công khai, trừ trường hợp có liên quan đến bí mật nhà nước hoặc cá nhân được khen thưởng đề nghị không công khai.
Không khen thưởng cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xem xét trách nhiệm hình sự hoặc khi thành tích xuất sắc đã được xác định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm khi xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
Theo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, việc thay đổi mức thưởng tối đa từ 5 tỷ đồng xuống còn 3,4 tỷ đồng là để phù hợp với thực tiễn và với mức lương cơ sở. Vị này cũng cho rằng, đây là hình thức khuyến khích rất tích cực mà một số nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc… đã áp dụng và việc quy định mức động viên, khuyến khích bằng vật chất là phù hợp với quy định của Luật thi đua khen thưởng và quy định về chế độ khen thưởng người tố cáo nói chung.
Theo khảo sát của Tổ chức hướng tới minh bạch thế giới, có tới 60% người Việt Nam tin rằng những người dân bình thường có thể tạo ra thay đổi trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Tuy nhiên, so với các nước được khảo sát trong khu vực Đông Nam Á, người Việt Nam ít có khả năng tố cáo tham nhũng và ít từ chối đưa hối lộ nhất. Cụ thể, chỉ có 38% người Việt Nam được khảo sát sẵn sàng tố cáo tham nhũng.
Với những người sẵn sàng tố cáo, các cơ quan nhà nước dường như là nơi đầu tiên mà người dân tìm đến. 40% số người được hỏi chọn tố cáo tham nhũng với cơ quan chính phủ hoặc đường dây nóng. 36% nói rằng họ sẽ tố cáo trực tiếp tới cơ quan có liên quan và 15% chọn cách tố cáo thông qua các cơ quan truyền thông.
Theo Vnexpress