Người tiêm vaccine COVID-19 vẫn có thể phát tán virus?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một người đã được tiêm vaccine COVID-19, chờ đợi 2 tuần để hệ miễn dịch phản ứng với mũi tiêm. Điều đó có nghĩa bạn có thể đi mọi nơi mà không lo làm lây lan virus?
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 không có nghĩa bạn được bảo vệ 100% (Ảnh: BioNTech)
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 không có nghĩa bạn được bảo vệ 100% (Ảnh: BioNTech)

Tiến sĩ Deborah Fuller, chuyên gia virus học tại ĐH Y Washington, đã giải thích một cách khoa học về sự lây truyền hậu tiêm vaccine – và liệu các biến thể mới của COVID-19 có làm thay đổi điều này hay không.

Tiêm vaccine có ngăn chặn hoàn toàn sự lây nhiễm?

Câu trả lời ngắn là không. Bạn vẫn có thể bị nhiễm COVID-19 sau khi được tiêm vaccine. Nhưng khả năng bị nhiễm bệnh ở mức độ nặng gần như là bằng 0.

Rất nhiều người nghĩ rằng các chủng vaccine đóng vai trò như một tấm “lá chắn” ngăn chặn virus thâm nhập vào tế bào. Nhưng trong phần lớn trường hợp, một người đã tiêm vaccine được bảo vệ khỏi căn bệnh do virus gây ra, nhưng không nhất thiết là không bị nhiễm.

Hệ miễn dịch của mỗi người lại khác nhau, bởi vậy khi một chủng vaccine có mức hiệu quả 95%, có nghĩa rằng 95% người được tiêm sẽ không bị mắc bệnh. Những người này có thể hoàn toàn được bảo vệ khỏi căn bệnh đó, hoặc họ có thể vẫn bị nhiễm bệnh nhưng không xuất hiện triệu chứng bệnh bởi hệ miễn dịch của họ tiêu diệt virus nhất nhanh chóng.

5% những người tiêm vaccine còn lại vẫn có thể bị nhiễm bệnh cùng các triệu chứng bệnh, nhưng lại rất có khả năng bị bệnh nặng đến mức phải nhập viện.

Tiêm vaccine không có nghĩa là bạn được bảo vệ 100% khỏi dịch bệnh, mà trong mọi trường hợp nó giúp hệ miễn dịch của bạn có lợi thế lớn trong việc chống lại virus. Và dù kết quả có ra sao – liệu bạn hoàn toàn được bảo vệ khỏi bị nhiễm hay chỉ ở mức độ nào đó – bạn sẽ được chuẩn bị tốt khi đối mặt với virus này, hơn là khi không tiêm vaccine.

Bị nhiễm bệnh luôn đồng nghĩa với truyền bệnh?

Các chủng vaccine bảo vệ cơ thể khỏi căn bệnh chứ không phải việc bị nhiễm bệnh (Ảnh: AsiaTimes)

Các chủng vaccine bảo vệ cơ thể khỏi căn bệnh chứ không phải việc bị nhiễm bệnh (Ảnh: AsiaTimes)

Sự lây truyền xảy ra khi có đủ hạt chứa virus từ một người bị nhiễm bệnh thâm nhập vào cơ thể một người chưa bị nhiễm. Trên lý thuyết, bất cứ ai bị nhiễm COVID-19 đều có khả năng lây truyền cho người khác. Nhưng một chủng vaccine sẽ giúp giảm tỷ lệ xảy ra sự truyền nhiễm.

Nhìn chung, nếu tiêm vaccine không hoàn toàn ngăn chặn được việc bị nhiễm bệnh, nó vẫn làm giảm đáng kể lượng virus đi ra khỏi mũi và miệng của bạn và làm giảm thời gian bạn phát tán virus. Đây là điều quan trọng. Một người phát tán ra ít virus hơn sẽ có ít khả năng truyền bệnh sang người khác hơn.

Tương tự đối với vaccine ngừa COVID-19. Trong một nghiên cứu mới đây, hiện chưa qua đánh giá, các nhà nghiên cứu Israel đã theo dõi 2.897 người đã được tiêm vaccine để tìm ra dấu hiệu của virus corona chủng mới. Phần lớn nhóm này không bị phát hiện có virus, trong khi một phần nhỏ có virus thì lượng virus của họ cũng chỉ bằng 1/4 so với những người chưa được tiêm vaccine.

Ít virus corona hơn đồng nghĩa với khả năng phát tán nó thấp hơn, và nếu lượng virus trong cơ thể bạn đủ thấp thì khả năng truyền nhiễm gần như bằng 0.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết rõ về tỷ lệ giảm cụ thể đối với virus corona, và do vaccine không hoàn toàn bảo vệ 100% khỏi việc bị nhiễm, CDC các nước vẫn khuyến cáo người dân tiếp tục đeo khẩu trang và giãn cách xã hội ngay cả sau khi tiêm vaccine.

Các biến thể mới của COVID-19 thì sao?

Một nhân viên y tế Indonesia đang chuẩn bị mũi tiêm vaccine COVID-19 của Sinovac (Ảnh: AsiaTimes)

Một nhân viên y tế Indonesia đang chuẩn bị mũi tiêm vaccine COVID-19 của Sinovac (Ảnh: AsiaTimes)

Các chủng biến thể mới của virus Corona đã xuất hiện trong những tháng gần đây. Và một nghiên cứu mới cho thấy các chủng vaccine có ít hiệu quả hơn đối với một số chủng biến thể nhất định, như biến thể B1351 lần đầu được phát hiện ở Nam Phi.

Mỗi lần virus SARS-CoV-2 nhân bản, nó sẽ có đột biến mới. Trong những tháng gần đây, các nhà nghiên cứu phát hiện ra nhiều biến thể mới dễ gây nhiễm bệnh hơn – tức một người hít phải ít virus hơn mà vẫn bị nhiễm bệnh – và nhiều biến thể khác dễ lây lan hơn – có nghĩa chúng làm tăng lượng virus mà một người phát tán ra.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra ít nhất 1 chủng biến thế dường như “né” hệ miễn dịch tốt hơn.

Vậy điều đó liên quan thế nào tới các chủng vaccine và sự lây lan?

Đối với chủng biến thể ở Nam Phi, các chủng vaccine hiện tại vẫn cung cấp sự bảo vệ trên 85%, tức không bị mắc COVID-19 dạng nặng. Nhưng nếu tính cả các ca bệnh dạng trung bình và dạng nhẹ thì sự bảo vệ chỉ có khoảng 50 – 60%.

Điều này có nghĩa rằng, ít nhất 40% người đã được tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm bệnh – và có đủ virus ở trong cơ thể họ - để gây ra một ca bệnh dạng trung bình.

Nếu người được tiêm vaccine có nhiều virus hơn trong cơ thể họ và cần lượng virus ít hơn để khiến người khác bị nhiễm, có khả năng cao hơn là người đã được tiêm vaccine làm lây lan các chủng biến thể mới của COVID-19.

Nếu mọi thứ đều tốt đẹp, các chủng vaccine ngừa COVID-19 hiện nay sẽ sớm làm giảm tỷ lệ nhiễm bệnh nặng và tỷ lệ tử vong trên toàn thế giới. Nhưng do sự xuất hiện của nhiều biến thể mới, những người được tiêm vaccine vẫn có khả năng phát tán virus và lây lan cho nhiều người khác, dù là đã được tiêm vaccine hay là không.

Điều này có nghĩa rằng sẽ phải mất thời gian lâu hơn để các chủng vaccine làm giảm sự lây lan và để người dân các nước đạt được miễn dịch cộng đồng.