Người tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca có thể được tiêm mũi 2 là vaccine của Pfizer

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong trường hợp số lượng vaccine hạn chế, người đã tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca có thể được tiêm mũi 2 là vaccine của Pfizer. 
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân (Ảnh - Minh Thuý)
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân (Ảnh - Minh Thuý)

Đây là thông tin được GS.TS. Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia – đưa ra khi chia sẻ về lịch tiêm chủng các vaccine phòng COVID-19 vào chiều nay, ngày 14/7.

Theo dõi chặt sức khoẻ người tiêm 2 loại vaccine phòng COVID-19 khác nhau

GS.TS. Đặng Đức Anh cho biết: Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 đã bắt đầu triển khai từ ngày 10/7 với mục tiêu trên 70% dân số được tiêm vaccine phòng COVID-19 đến hết tháng 4 năm 2022. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã rất nỗ lực trong việc tìm nguồn cung ứng vaccine phòng COVID-19 để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong nước.

Trên cơ sở các vaccine COVID-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 một số loại vaccine COVID-19 của AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Moderna, Sinopharm. Hiện nay, hướng dẫn của các nhà sản xuất vaccine đều khuyến cáo sử dụng cùng một loại vaccine phòng COVID-19 để tiêm đủ liều cho một đối tượng.

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine (Ảnh - Tuấn Dũng)

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine (Ảnh - Tuấn Dũng)

Tuy nhiên, trên thực tế, trong bối cảnh nguồn cung vaccine phòng COVID-19 rất hạn chế, việc tiếp cận nguồn cung để có đủ vaccine tiêm mũi 2 ngay khi đến lịch tiêm cho các đối tượng đã được tiêm mũi 1 của cùng 1 loại vaccine là rất khó khăn. Một số quốc gia đã xem xét và triển khai tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca và tiêm mũi 2 bằng vaccine của Pfizer.

Theo ghi nhận nhanh tại các quốc gia này, việc triển khai tiêm chủng 2 mũi vaccine khác loại như trên cho cùng một đối tượng vẫn có hiệu lực bảo vệ phòng COVID-19. Tuy nhiên, khi tiêm hai loại vaccine AstraZeneca và Pfizer có ghi nhận gia tăng một số phản ứng thông thường sau tiêm chủng.

Tại Việt Nam, cho đến ngày 14/7, tổng số mũi tiêm đã thực hiện là hơn 4 triệu liều, trong đó số người được tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca là trên 3,7 triệu người, số người được tiêm đủ 2 mũi vaccine AstraZeneca là hơn 280.000 người. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ các loại vaccine phòng COVID-19 của AztraZenneca, Pfizer, Morderna, Sinopharm, ….để tổ chức tiêm chủng theo chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, hướng tới mục tiêu đạt được độ bao phủ vắc xin cho hơn 70% người dân.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và của các nhà sản xuất thì tốt nhất là mỗi người cần tiêm đủ liều của cùng 1 loại vaccine phòng COVID-19.

Tuy nhiên, căn cứ vào số lượng vaccine phòng COVID-19 được cung ứng, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cho các địa phương như sau: “Trường hợp số lượng vaccine hạn chế thì ưu tiên sử dụng vaccine của Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý”.

Vì thế, GS.TS. Đặng Đức Anh nhấn mạnh: Những trường hợp tiêm mũi 2 là vaccine phòng COVID-19 của Pfizer phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ hơn sau khi tiêm chủng.

Đảm bảo tiêm chủng cho mọi người dân

Thông tin về tình hình tiếp nhận, phân bổ vaccine phòng COVID-19, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Thực hiện chủ trương, chiến lược vaccine của Chính phủ, ngay từ năm 2020, Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn vaccine nhập khẩu và thúc đẩy sản xuất trong nước.

Đến nay, dự kiến sẽ có khoảng 124 triệu liều từ các nguồn khác nhau được cam kết cung ứng cho Việt Nam cho tới cuối năm 2021 từ nguồn hỗ trợ của Chương trình Giải pháp tiếp cận vaccine phòng COVID-19 toàn cầu (COVAX Facility) (38,9 triệu liều); Bộ Y tế đàm phán trực tiếp mua vaccine của Pfizer/BioNTech (31 triệu liều); mua vaccine của AstraZeneca (AZ) (30 triệu liều); Tập đoàn T&T mua 40 triệu liều vaccine Sputnik-V của CHLB Nga và sẽ hỗ trợ miễn phí 20 triệu liều cho Bộ Y tế; vaccine do Chính phủ Nga, Trung quốc, Nhật Bản, Đại sứ quán các nước... hỗ trợ (khoảng 3,5 triệu liều).

Tuy nhiên, do nguồn cung vaccine khan hiếm trên toàn thế giới, nên 6 tháng đầu năm 2021 Việt Nam mới nhận được 3.865.520 liều vaccine. Tháng 7 dự kiến sẽ tiếp nhận 8.867.370 liều vaccine. Toàn bộ số vaccine tiếp nhận đã được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ưu tiên cho các tỉnh, thành phố đang có dịch, các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ, các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư; các tỉnh thành phố có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dựa trên nguyên tắc này, thời gian vừa qua lực lượng Công An, Quốc phòng và các tỉnh, thành phố có tình hình dịch phức tạp như TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh đã được ưu tiên phân bổ vaccine nhiều hơn các tỉnh, thành phố khác.

Người dân được khám lâm sàng trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Hoàng Anh)

Người dân được khám lâm sàng trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Hoàng Anh)

Các đơn vị, tỉnh, thành phố tiếp nhận vaccine đã thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên theo quy định tại Nghị quyết của Chính phủ bao gồm: Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu; giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

Để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã bổ sung thêm một số đối tượng ưu tiên để phù hợp với tình hình thực tế tại quyết định của Bộ Y tế ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 năm 2021- 2022 gồm: Các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tín dụng, du lịch…), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế…cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch; các chức sắc, chức việc các tôn giáo; người lao động tự do; người có nhu cầu xuất cảnh để công tác, học tập và lao động ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Người làm việc trong các cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam; người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; lực lượng bác sỹ trẻ; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính và các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá… thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.

Tính đến ngày 13/7, Bộ Y tế đã phân bổ 11 đợt vaccine với tổng số 8.166.800 liều cho các đơn vị, địa phương theo nguyên tắc nêu trên. Thời gian tới tuỳ thuộc vào số lượng, chủng loại từng đợt vaccine được tiếp nhận, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ theo nguyên tắc trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo sử dụng vaccine an toàn, hiệu quả.