Người thầy đứng ở cổng trường và hy vọng

VietTimes -- Hơn chục năm nay không chỉ các thầy cô, học sinh, phụ huynh trường THPT Việt Đức chứng kiến cảnh người thầy dù trời mưa hay nắng, thứ Hai và thứ Bẩy đứng ở cổng trường chào đón các em học sinh mà bao người đi qua đường Trần Hưng Đạo biết có chuyện đó cũng đánh mắt sang nhìn người thầy chờ đợi và chào học trò như người cha đứng chờ đón con mình đầy ngưỡng mộ. Ông là nhà giáo Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội.
Thầy Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội.
Thầy Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội.

Gần gũi nhau vui vẻ hơn

 7 giờ sáng, giờ mà học sinh bắt đầu đến trường, thầy Bình đã đứng trước cổng trường. Thường trực trên khuôn mặt thầy là nụ cười than thiện chào học sinh, không chỉ có lời chào, thầy còn nhắc nhở các em mặc thêm áo ấm khi trời trở rét... Hay giờ tan học, ông nhắc các em nhớ đội mũ bảo hiểm khi ra về…

Hình ảnh người thầy chào, vẫy tay và nở nụ cười hiền lành, nhắc nhở học sinh trở nên thật gần gũi đối với thầy cô, học trò và phụ huynh.

 “Hành động đó của tôi xuất phát từ chính tình cảm của mình đối với học sinh, với mong muốn bắt đầu một ngày học mới các em đến trường cảm thấy vui vẻ, môi trường sư phạm thân thiện. Từ đó quan hệ giữa người thầy cô giáo đối với học sinh cũng thân thiện hơn, hiệu quả dạy học của nhà trường cũng tốt hơn”, thầy Nguyễn Quốc Bình lý giải một chút về việc làm của mình.

Thông qua việc làm theo ông là rất nhỏ này, ông muốn tạo cho các em học sinh cảm giác thân thiện, gần gũi, đồng thời uốn nắn các em thực hiện nội quy khi đến trường.Ông bảo, cử chỉ của mình thân mật, gần gũi, nhẹ nhàng và ônng thấy các em học sinh trường mình thay đổi theo chiều hướng rất tốt.

Việc làm của thầy Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức không phải là mới. Trước đó, dư luận cũng đã từng nói nhiều về  hành vi đặc biệt này của Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TP HCM) đó là thầy Huỳnh Thanh Phú. Hoặc việc làm tương tự nhưng mang tính chất ngược lại khiến dư luận cũng thấy vui là hình ảnh học sinh một trường ở TP HCM cúi chào bác bảo vệ khi vào trường.

Thầy Nguyễn Quốc Bình đang để lại một hình ảnh đẹp, để lại ấn tượng tốt cho nhiều người, trong đó có phụ huynh học sinh. “Nhiều lần tôi đưa con đi học hay đón con đều thấy thầy đứng ở cổng trường chào và nhắc nhở các cháu, lúc thì nhắc đội mũ bảo hiểm, lúc lại nhắc cẩn thận giao thông, xe cộ… Hình ảnh thầy Bình một hiệu trưởng mà như thế khiến chúng tôi rất ngưỡng mộ! - Một phụ huynh chia sẻ.

Xuất phát từ…

Khi hỏi ông: Xuất phát từ đâu để ông có một hành động vô cùng ấn tượng với không chỉ học sinh, giáo viên, phụ huynh của trường mà còn lan tỏa khắp… là  thứ Hai và thứ Bẩy nào ông cũng đến sớm đứng ở cổng trường chào đón, học sinh mình? Ông Nguyễn Quốc Bình bảo, khi làm công tác quản lý, ngoài các công việc chính ông thường dành một số thời gian đi kiểm tra các hoạt động nhà trường, trước giờ học, trong và cuối mỗi ngày.

Trong đó có việc kiểm tra việc thực hiện nền nếp, nội qui của nhà trường về trang phục, chấp hành qui đinh về giao thông...ngoài cổng trường. Tôi đã làm việc này đã nhiều năm, từ lúc là Hiệu trưởng trường THPT Nhân Chính. Khi đứng ngoài cổng trường tôi thấy mình và các em gần gũi nhau, vui vẻ hơn, qua các em tôi biết thêm về nhều việc đang xảy ra trong nhà trường mà chỉ các em mới biết, nhiều tình huống giáo dục tôi đã xử lý kịp thời đem lại cho các em sự tin yêu. 

Hàng tuần, trong giờ chào cờ thứ Hai tôi thường có lời chào, lời chúc các em nhân một tuần học mới, các em rất vui và hưởng ứng, từ đó tôi nảy ra ý định nếu không bận hãy dành thời gian chào đón các em vào ngày đầu tuần và cuối tuần ở cổng trường.  

Kỷ niệm đáng nhớ nhất

Ông bảo, kỷ niệm đáng nhớ nhất khi ông đứng ở cổng trường là có  một em học sinh vi phạm khuyết điểm đã mạnh dạn đến gặp ông xin lỗi, măc dù ông chưa nói, có em đi đến tận gần thầy hơn để chào, có bác phụ huynh học sinh đến gặp ông để nói lời cảm ơn, nhưng hơn tất cả là những ánh mắt rạng rỡ, tin tưởng khi bước vào cổng trường và sau khi tan học.

Người bạn đi cùng tôi bảo, chữ Thầy người đời dùng ở trường học và ngay trong nhà của mình con cái gọi bố là thầy nên nhiều người bảo các học sinh sẽ vô cùng ấm áp vì đến trường có thầy đón ngay ở cổng…

“Vâng, đúng như vậy, nhất là các em nhỏ ở bậc tiểu học, và niềm vui, niềm hạnh phúc của các em sẽ được nhân lên nhiều lần.” Ông Bình nhỏ nhẹ.

Ông bảo, mong muốn lớn nhất  của ông về giáo dục:  Môi trường giáo dục (gồm cán bộ, giáo viên, nhân viên, cơ sở vật chất, chương trình giáo dục, sách giáo khoa) đảm bảo cho mỗi học sinh được phát triển năng lực cá nhân về nhân cách, trí tuệ, tâm hồn, thể chất. 

Nghe ông nói tôi lại nhớ câu nói của người thầy giáo dục Macarenco’ không có học sinh nào hư ,đến mức không thể giáo dục được”. Có nhà nghiên cứu giáo dục nói, chỉ cần thầy cô tận tâm gieo mầm thiện cái tốt sẽ nảy sinh lan tỏa… làm những cái xấu, cái tiêu cực lu mờ trong ý thức của học trò!

Ông Nguyễn Quốc Bình đứng ở cổng trường trong một thời gian khá dài  nhiều người bảo cái thông điệp ‘Tiên học lễ hậu học văn’, tình thầy trò sẽ góp sức tạo ra những lứa học trò sống có văn hóa và luôn hương về nguồn cội của sự tốt đẹp…

Ông Bình bảo, ông cũng nghĩ như vậy, nên dù cũng có những ý kiến khác nhau về phương pháp giáo dục này, ông vẫn rất vui vì nó thực sự đem lại niềm vui trong công việc và hiệu quả trong hoạt động giáo dục của nhà trường.

 Anh bạn tôi lại buột miệng : Cái hay thì rất nhiều người đã biết, báo chí đã đưa tin vậy còn những khó khăn trong công việc (việc gia đình, trường…) khi  những  buổi sáng ông phải đứng ở cổng để chờ học sinh như thế, ông và các gia đình và các đồng nghiệp “giải quyết” thế nào.

“Công việc nào cũng có khó khăn, nhất là công việc quản lý trường học. Việc mình làm có được ủng hộ của giáo viên, học sinh , CMHS và cấp trên nữa chứ, rồi dư luận xã hội, cũng "đấu tranh tư tưởng" khi làm những việc khác với những gì sẵn có, đồng nghiệp của tôi cũng có nhiều ý kiến khác nhau, chê bai có, khích bác có...nhưng phần đông là ủng hộ vì họ biết phải có tấm lòng mới làm việc này”. Ông Bình trả lời.

Rồi ông bảo đối với gia đình, ông cũng phải sắp xếp hợp lý thời gian, việc riêng, cá nhân, ông rất hạnh phúc vì được gia đình ủng hộ!

 Đứng ở cổng, ông gặp những gương mặt với những biểu cảm khác nhau của học sinh và cả đồng nghiệp của ông trong mỗi buổi sáng và như vậy làm cho ông trăn trở nhiều hơn vì những điều mà mình chưa làm được cho các em học sinh, cho ngôi trường…

 Ông chìa cho chúng tôi xem những lưu bút của học trò mà ông ấn tượng nhất về việc làm của mình…

Người thầy đứng ở cổng trường và hy vọng ảnh 1Học sinh rất ấn tượng với hành động của thầy Bình

 "Con cám ơn thầy vì 6 năm trước đã là nguồn động lực và lý do tiên quyết để con lựa chọn và khao khát trở thành một học sinh của Việt Đức"

 "Con cám ơn thầy rất nhiều vì đã lựa chọn nghề trồng người, nhờ đó con mới có cơ hội được gặp thầy"…

Ông tâm sự, mỗi khi nhận được những lời động viên của đồng nghiệp ông rất vui, nhưng họ cũng có nói: "Tôi có thể đứng ở cổng trường như anh, nhưng không làm được việc anh làm là chào học sinh".

 Hy vọng…

Thời học sinh Nguyễn Quốc Bình được thầy cô đánh giá là ngoan, học được, sống có lý tưởng, nhưng cũng đôi lúc mải chơi. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông thi đỗ và có giấy gọi vào đại học, nhưng những năm ấy, lứa học sinh các ông đều nhập ngũ. “Hơn 13 năm trong quân ngũ, tôi đã trưởng thành rất nhiều, những năm tháng ấy rất ý nghĩa với cuộc đời tôi.”, Ông Bình chia sẻ.

Ông nhìn ra lũ học sinh đang chạy nhảy tung tăng ở sân trường trong giờ ra chơi, bảo: Tôi hạnh phúc vì có một gia đình yên ấm, vợ tôi cũng là quân nhân, hiện đã nghỉ hưu. Cô con gái đầu là giáo viên, cậu con trai thứ hai đang học đại học năm thứ tư ngành ngân hàng, tôi mong muốn và "định hướng" cháu thứ hai vào nghề sư phạn, nhưng đã không thành công.

Dư luận nhiều người đánh giá, việc thầy Bình đang làm là một cách giáo dục hay. Nơi nào có tình người tốt đẹp thì người ta tìm thấy hạnh phúc và người ta coi là nơi đáng sống nhất!

Còn thầy Nguyễn Quốc bình thì hy vọng việc làm của mình sẽ gieo cái mầm thiện cho mỗi học sinh để chúng lớn lên trong sự đầm ấm, sẻ chia, hạnh phúc.

Ra đến cổng Trường THPT Việt Đức nơi thầy giáo Nguyễn Quốc Bình vẫn đứng chào đón học sinh, cậu bạn đi cùng tôi nhại lời bài hát thiếu nhi Cô Và Mẹ của nhạc sỹ Phạm Tuyên “Lúc ở nhà bố cũng là thầy giáo, khi đến trường thầy cũng như bố hiền. Bố và thầy là hai thầy giáo. Thầy và bố ấy hai bố hiền…”. Tôi bảo sao lại nhại bài hát thiếu nhi thế. Cậu bạn bảo, sống ở trên đời ở bất cứ lứa tuổi nào, môi trường nào, con người cũng cần tình cảm!