Đối với người yêu thiết bị âm thanh, 9/9/2016 là ngày tôi bắt đầu sống trong mặc cảm. Apple giới thiệu vào sáng hôm đó iPhone 7, nhưng khiếm khuyết cổng tai nghe. Apple quyết định đi theo xu hướng tai nghe không dây và khai tử cổng tai nghe trên các mẫu iPhone trong tương lai. Apple không sai, hãng chỉ đưa ra phát kiến… và không bao giờ nhìn lại.
Trong khi phần lớn thế giới có vẻ thờ ơ với vấn đề này thì những người yêu thiết bị âm thanh như tôi nhận ra việc khai tử cổng tai nghe nằm trong chiến lược độc quyền của Apple.
Bắt đầu từ những mẫu Macbook, tôi đã chứng kiến nhiều tùy chọn kết nối đã biến mất. Từ cổng kết nối âm thanh tập trung (audio focused port dành cho thiết bị phòng thu) như Firewire đến các cổng kết nối phổ biến như HDMI, Internet hay thậm chí là nguồn.
Với mỗi chiến lược mới đưa ra, Apple muốn nói: “Chúng tôi là Apple, hãy tập làm quen với nó. Bạn định thay đổi ư? Bạn là một phần trong chúng tôi.”
Câu trả lời của tôi:”Tôi muốn một cuộc cạnh tranh.” Đã đến lúc để chuyển sang dùng Android.
Nhanh chóng làm quen
Một phần là vì giá của các mẫu smartphone hiện nay và thực tế Apple đã cho mượn một chiếc iPhone 6 khi máy của tôi đang nằm trong AppleCare khiến tôi không đổi ngay sang dùng Android. Nhưng ngày càng nhiều máy Android chạy theo xu hướng của Apple, khai tử cổng tai nghe nên tôi quyết định hành động. Lựa chọn cuối cùng là LG V30 bởi mặt lưng bóng bẩy và chất lượng âm thanh cao cấp mới có thể làm tôi quên đi chiếc iPhone đáng tin cậy.
Ban đầu với sự trợ giúp của Google, chuyển từ iOS sang Android không quá khó. Hệ điều hành Android (hay chí ít là trên LG V30) khiến công việc sao lưu từ iPhone sang kho dữ liệu của Google rất đơn giản. Dữ liệu tương thích hoàn hảo với các dịch vụ của Goole như: Gmail , Google Drive và Hangouts (tiền thân là Gchat). Google Maps luôn định vị chính xác hơn Apple Maps, và hàng loạt ứng dụng khác giúp tôi làm quen nhanh chóng.
Mặc dù phải rời xa môi trường khép kín iOS đến với thế giới mở Android là công việc nói dễ hơn làm nhưng tôi đã quen với việc sử dụng thường nhật. Tôi muốn đề cập đến kho dữ liệu thực sự lớn (Apple đã thừa nhận lưu trữ dữ liệu trên Google Cloud), đồng bộ từ danh bạ, ghi chú, ứng dụng… khiến một ông già 38 tuổi như tôi phải tự mày mò. Có tới 50 cách để rời bỏ chiếc iPhone nhưng không đồng nghĩa có thể dễ dàng thay thế nó. Tôi mới chỉ dùng Android được vài tuần và cho tới giờ vẫn đang điều chỉnh thói quen.
Rắc rối của người dùng iOS khi chuyển sang Android
Rắc rối lớn nhất khi đổi từ iOS sang Android chính là iMessage, ứng dụng tin nhắn mà tất cả mọi người tôi quen từ bạn bè đến các thành viên trong gia đình đều sử dụng. Tôi phải ngay lập tức gỡ số điện thoại khỏi tài khoản iMessage để không bỏ lỡ bất kỳ tin nhắn nào. Trong khi Hangout, ứng dụng của Google có thể thay thế tốt iMessage trên PC, lại quá tệ để nhắn tin trên điện thoại. Ảnh và video tải về rất lâu. Và bạn bè của tôi thì không ngừng hỏi khi nào chiếc iPhone mới bảo hành xong.
Hệ thống thông báo cũng tốn thời gian để làm quen. Phải khá lâu tôi mới nhận ra là mình có thể nhấn đúp để bật màn hình xem tin nhắn mới nhất. Tôi vẫn chưa hiểu ý nghĩa của biểu tượng lá cây trên thanh thông báo (chế độ tiết kiệm năng lượng trên LG). Rất nhiều biểu tượng, từ Slack tới Gmail không hiển thị số lượng tin nhắn chưa đọc. Tôi được biết Android Oreo sẽ có thêm tính năng này. Nhưng điều này khơi ra một vấn đề khác: Android không cập nhật đồng thời trên tất cả thiết bị. Khác với Pixel 2 và Galaxy S9, LG V30 chưa có bản cập nhật Oreo.
Nói riêng về LG V30, thiếu sót đầu tiên là hộp thư thoại không được tích hợp sẵn. Màn hình khi sáng mờ cũng không đẹp bằng trên iPhone. Mặc dù tôi thích smartphone có màn hình lớn và không viền nhưng có cảm giác LG V30 quá mỏng manh khi để trong túi và quá đồ sộ khi cầm trên tay (buộc tôi phải dùng cả 2 tay để lướt web).
Ngoài ra, tôi cũng gặp rắc rối khác, nhỏ hơn (gọi là cú sốc văn hóa điện thoại). Một buổi sáng dậy muộn, tôi cần gọi xe đi làm nhưng chợt nhận ra chưa tải Lyft hoặc Uber trên máy mới. Sau đó, tôi phải đem theo chiếc iPhone và dùng V30 như điểm phát Wifi di động.
Trải nghiệm mới
cụm 3 phím điều hướng bố trí thông minh. Nguồn: PhoneArena
Tất cả khiếm khuyết dường như biến mất khi tôi được đắm mình trong âm nhạc cùng chiếc tai nghe UE18+ của Ultimate Ears Pro. Đối với người đam mê thiết bị âm thanh cao cấp (hi-res) thì LG V30 đem tới một trải nghiệm phi thường. Âm thanh trong, rõ ràng, ấm áp và sống động. Nhạc cụ có âm tầng rõ ràng và chất âm rất tuyệt mà không cần thiết bị phụ trợ. Đó là chất lượng âm thanh mà tôi đã chờ đợi trong các sản phẩm của Apple và luôn hy vọng có ở một chiếc iPhone.
Khác với iPhone, LG V30 sở hữu chip âm thanh DAC chuyển đổi tần số cho phép âm thanh xuất ra với dải tần rộng. Khiến tôi có cảm giác như đang nghe nhạc bằng máy nghe nhạc cao cấp của Sony hay Astell & Kern thay vì gặp quá nhiều âm tần thấp (Goldilocks). Với chip DAC, LG V30 còn có thể ghi âm với chất lượng cao.
Người bạn đồng hành Android mới của tôi còn có nhiều thủ thuật giấu trong tay áo. Bạn không thấy tôi nói về việc thiếu nút Home vật lý bởi trên Android, cụm phím điều hướng ảo (đặc biệt là phím Back) được bố trí rất thông minh. Tôi nhận thấy ngay điều này và thi thoảng cũng loay hoay tìm phím Back trên chiếc iPhone cũ như một thói quen. LG V30 có thể không sánh bằng iPhone X, nhưng camera của nó là sự nâng cấp đáng giá, kèm theo một số tính năng khác trên flagship đời mới như chống nước và hỗ trợ sạc không dây.
Đơn giản để nói về ưu điểm của thiết bị Android là “những sự lựa chọn”. Tôi là người thích nghe nhạc, V30 là sự chọn phù hợp. Nhưng với bạn nó không phải là yếu tố quan trọng nhất thì vẫn có đầy rãy các mẫu Android có ưu điểm riêng và thiết kế đẹp không kém iPhone. Android cũng có những ứng dụng độc quyền và cho bạn khả năng tùy biến theo cách riêng mà tôi vẫn đang khám phá. Việc chuyển từ iOS sang Android, ban đầu có thể rắc rối nhưng mở ra chân trời mới thú vị.
Mở rộng lựa chọn
Tất nhiên thi thoảng tôi vẫn nhớ iPhone. Apple đã khai tử cổng tai nghe quá sớm khi công nghệ âm thanh không dây như aptX HD và LDAC hiện đang phát triển và chưa có trên iPhone. Có cổng tai nghe hay không thì Apple luôn nổi tiếng với sản phẩm có thiết kế bắt mắt và tính năng thú vị.
Tuy nhiên, chiến lược của Apple là khai tử những tính năng cũ để thay thế bằng các tính năng mới. Cho dù bạn sở hữu phòng thu cỡ nhỏ, không muốn đem theo cổng chuyển (dongle) hay đơn giản là không thể chi trả cho một chiếc tai nghe không dây thì bạn vẫn cần cổng kết nối tai nghe 3.5mm. Chính sách loại bỏ cổng tai nghe trên thiết bị Apple trong tương lai như lời tuyên bố: “Vâng. Xin lỗi về sự phiền toái nhưng chúng tôi muốn bạn chi nhiều hơn.”
Chính sách này của Apple đã giết một công nghệ ảnh hưởng tới tất cả người dùng. Nó không phải là sự dũng cảm để tạo nên bước đột phá mà đơn giản là để bán tai nghe AirPods (giá 150 USD) và cổng chuyển dongle.
Bây giờ tôi đã rời bỏ iPhone và thi thoảng nhìn lại, tôi cảm thấy hạnh phúc vì quyết định này.