Chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho hơn 14 triệu dân trên địa bàn rộng lớn và đa dạng sau khi sáp nhập, Sở Y tế TP.HCM đang triển khai hàng loạt giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay là củng cố các kênh tiếp nhận phản ánh của người dân trong lĩnh vực y tế, đặc biệt ở các khu vực mới sáp nhập từ tỉnh Bình Dương (cũ) và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ).
Việc phản ánh kịp thời những bất cập, vi phạm hoặc hành vi thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động khám, chữa bệnh (KCB) nhằm góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, đồng thời, giúp cơ quan quản lý giám sát và điều chỉnh hiệu quả hệ thống y tế.
Đa dạng các kênh tiếp nhận, dễ tiếp cận và bảo mật thông tin
Trong thông tin phát đi ngày 11/7, Sở Y tế TP.HCM cho biết người dân có thể tiếp cận 6 kênh phản ánh, phù hợp với từng loại vấn đề phát sinh:
1. Đường dây nóng 096.777.1010: Đây là kênh phản ánh chung về chất lượng dịch vụ KCB, thái độ phục vụ của nhân viên y tế và các sự cố phát sinh tại cơ sở y tế trên địa bàn. Các thông tin đều được ghi nhận, xác minh và chuyển đến đơn vị có thẩm quyền để xử lý kịp thời.
2. Đường dây nóng chống “vẽ bệnh, moi tiền” – 0989.401.155: Kênh phản ánh chuyên biệt các hành vi tiêu cực như “vẽ bệnh”, tư vấn sai chuyên môn để trục lợi, hoặc vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Thông tin được giữ bí mật, xác minh khách quan và xử lý nghiêm minh, kết quả được công khai minh bạch nhằm tạo niềm tin cho người dân. Kênh này do Phòng Kiểm tra – Pháp chế của Sở Y tế trực tiếp đảm trách.
3. Tổng đài hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến – 1900.638.563: Dành cho các thắc mắc liên quan đến thủ tục hành chính như cấp giấy phép hành nghề, đăng ký cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, giải đáp hồ sơ trực tuyến. Tổng đài được phân luồng chuyên môn để hỗ trợ nhanh chóng và chính xác.
4. Cổng thông tin 1022 TP.HCM: Người dân có thể gửi phản ánh qua website cong1022.tphcm.gov.vn hoặc ứng dụng “1022 TP.HCM”. Đây là kênh tiếp nhận ý kiến tổng hợp của người dân, doanh nghiệp về các lĩnh vực quản lý, trong đó có y tế.
5. Ứng dụng “Y tế trực tuyến”: Ứng dụng đang được nâng cấp để phù hợp với mô hình chính quyền 2 cấp, nhằm thay thế vai trò phối hợp của các phòng y tế quận, huyện đã giải thể. Người dân có thể gửi phản ánh nhanh chóng qua app với các thao tác đơn giản.
6. Tổng đài cấp cứu 115: Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Cấp cứu TP.HCM nâng cấp tổng đài 115 để phục vụ cả người dân tại các địa bàn cũ thuộc Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, đáp ứng nhu cầu cấp cứu kịp thời trong tình huống khẩn cấp.
Sở Y tế TP.HCM kêu gọi người dân sử dụng các kênh tiếp nhận phản ánh để góp phần xây dựng hệ thống y tế công khai, minh bạch, giúp cơ quan quản lý phát hiện và xử lý vi phạm, nâng cao chất lượng KCB.
Đặc biệt, thời gian tới, Sở Y tế sẽ triển khai hệ thống Dashboard tổng hợp và phân loại phản ánh, kết nối dữ liệu từ các đường dây nóng và ứng dụng y tế trực tuyến - công cụ đắc lực giúp Tổ công tác đặc biệt phân tích tình hình, lập kế hoạch kiểm tra, giám sát và xử lý các phản ánh chính đáng.