Hôm nay (21/5), Sở Y tế TP.HCM thông tin về kết quả hội thảo chuyên đề đánh giá thực trạng, dự báo quy mô và đề xuất phương án sắp xếp hệ thống y tế sau hợp nhất TP.HCM – Bình Dương – Bà Rịa – Vũng Tàu.

Quy mô mở rộng – tăng áp lực lên hệ thống khám chữa bệnh
Theo đánh giá, sau hợp nhất, diện tích hành chính của TP.HCM sẽ tăng từ 2.095 km² lên 6.772 km², dân số từ 9,9 triệu lên hơn 13,7 triệu người. Điều này kéo theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng cao cả về phạm vi lẫn khối lượng công việc. Dự báo sẽ tăng từ 134 lên 174 bệnh viện; tăng số giường bệnh từ 41.525 lên 49.147 giường và số bác sĩ tăng từ 20.727 lên 24.629 người.
Tuy nhiên, nếu tính theo đầu dân thì các chỉ số quan trọng đều giảm: Giường bệnh/vạn dân giảm từ 41,7 còn 31,3 (mục tiêu hiện tại là 42); Bác sĩ/vạn dân giảm từ 20,8 còn 13,08 (mục tiêu là 21) và điều dưỡng/vạn dân giảm từ 37 còn 29 (mục tiêu là 39). Số hồ sơ dịch vụ công của ngành Y tế thành phố dự kiến cũng sẽ tăng từ hơn 20.000 lên trên 30.000 hồ sơ/năm.
Các đại biểu thống nhất rằng sau hợp nhất, số lượt khám, chữa bệnh sẽ tăng mạnh, dự kiến từ 42 triệu lên hơn 51 triệu lượt/năm, số lượt điều trị nội trú tăng từ 2,2 triệu lên hơn 3,8 triệu lượt/năm. Khi đó, TP.HCM sẽ chiếm khoảng 30% số lượt khám ngoại trú và 23% số lượt điều trị nội trú toàn quốc.
Điều này đặt ra nguy cơ quá tải trầm trọng cho các bệnh viện tuyến cuối nếu không có giải pháp kịp thời.
Một trong những hướng đi được đề xuất là mở rộng thêm các cơ sở 2, cơ sở 3 của bệnh viện lớn tại Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch y tế.
Hội thảo cũng ghi nhận một vấn đề cấp thiết, hiện ở Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu chưa triển khai mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện. Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM sẽ khảo sát và xây dựng kế hoạch mở rộng hệ thống trạm cấp cứu vệ tinh đến hai địa phương này.
Về đầu tư công, quy mô tổng mức đầu tư cho ngành y tế TP.HCM sẽ tăng mạnh: Giai đoạn 2021–2025: từ 48.549 tỷ lên 52.424 tỷ đồng. Giai đoạn 2026–2030: từ 58.638 tỷ lên 65.134 tỷ đồng. Đồng thời, có 6 dự án kêu gọi theo hình thức đối tác công tư (PPP) với vốn dự kiến hơn 10.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vẫn còn những công trình chậm đưa vào sử dụng. Hội thảo đề nghị cần có giải pháp quản lý đầu tư công hiệu quả, nhất là sau khi hợp nhất ba Sở.
Tổ chức lại hệ thống, tăng hiệu quả, nâng chất lượng
Dự thảo phương án sắp xếp tổ chức hệ thống y tế TP.HCM sau hợp nhất nhận được sự đồng thuận cao. Các tổ công tác sẽ được thành lập để tiếp tục xây dựng các giải pháp cụ thể, đảm bảo hoạt động thông suốt và hiệu quả hơn.
Một trong những định hướng trọng tâm là nâng cao năng lực của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, mở rộng năng lực phòng, chống dịch và y tế cộng đồng trên toàn địa bàn mới.
Dự kiến, sau hội thảo lần đầu tiên này, hội thảo lần 2 với chuyên đề "Các giải pháp cung ứng dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân thành phố sau hợp nhất" sẽ diễn ra ngày 6/6.
Sự chủ động đánh giá, hoạch định và phối hợp của 3 Sở Y tế là bước đi cần thiết để bảo đảm một hệ thống y tế thống nhất, hiện đại và đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.