Cách để doanh nghiệp quản trị khủng hoảng và tối ưu chiến dịch PR trong kỷ nguyên số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nếu biết tận dụng hiệu quả các nền tảng số, PR không chỉ giúp lan tỏa thông điệp nhanh chóng mà còn tạo dựng hình ảnh thương hiệu bền vững, tương tác sâu rộng với công chúng và ứng phó kịp thời với khủng hoảng truyền thông.

Trong kỷ nguyên số, hoạt động Quan hệ công chúng (Public Relations – PR) không còn giới hạn trong khuôn khổ các kênh truyền thống như báo in, truyền hình hay họp báo. Thay vào đó, PR đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ sang môi trường số, nơi công nghệ, dữ liệu và nền tảng trực tuyến giữ vai trò trung tâm trong việc kết nối thương hiệu với công chúng. Nếu biết tận dụng hiệu quả các nền tảng số, PR không chỉ giúp lan tỏa thông điệp nhanh chóng mà còn tạo dựng hình ảnh thương hiệu bền vững, tương tác sâu rộng với công chúng và ứng phó kịp thời với khủng hoảng truyền thông.

Doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu qua các hoạt động như livestream

Doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu qua các hoạt động như livestream

Có thể nói, quan hệ công chúng đang ngày càng đóng vai trò then chốt trong các chiến lược truyền thông hiện đại. Không chỉ thay đổi về công cụ, mà cả tư duy triển khai cũng đã có sự chuyển biến rõ rệt để thích ứng với môi trường số.

Bài viết này sẽ làm rõ vai trò ngày càng quan trọng của PR trong môi trường truyền thông số, đồng thời giới thiệu các hình thức PR đang được áp dụng phổ biến hiện nay nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả truyền thông, xây dựng hình ảnh thương hiệu và kết nối hiệu quả với công chúng mục tiêu.

Vai trò của PR trong môi trường số

Chủ động định hình thương hiệu và mở rộng khả năng tiếp cận

Trong bối cảnh Việt Nam có hơn 75 triệu người dùng Internet và trên 70 triệu tài khoản mạng xã hội (Vietnam Digital Report 2024), môi trường số trở thành kênh thông tin lý tưởng để các tổ chức xây dựng thương hiệu và lan tỏa thông điệp.

So với các phương tiện truyền thống, PR trong môi trường số cho phép tiếp cận nhanh hơn, sâu hơn và rộng hơn nhờ tốc độ lan truyền cao và khả năng tương tác mạnh mẽ.

Thông qua các nền tảng như Facebook, TikTok, YouTube hay Instagram, doanh nghiệp có thể trực tiếp kiểm soát nội dung, định hình hình ảnh thương hiệu một cách nhất quán và cá nhân hóa theo từng nhóm đối tượng. Một chiến dịch hiệu quả có thể thu hút hàng triệu lượt xem và chia sẻ chỉ trong vài giờ – điều mà trước đây chỉ đạt được với ngân sách quảng cáo lớn trên truyền hình.

Tăng cường tương tác hai chiều và phản ứng linh hoạt với khủng hoảng

Không giống như PR truyền thống vốn mang tính một chiều, PR trong môi trường số tạo điều kiện cho sự tương tác hai chiều – thậm chí là đa chiều – giữa thương hiệu và công chúng.

Người dùng không chỉ tiếp nhận thông tin, mà còn phản hồi, chia sẻ ý kiến, tạo nội dung và tham gia vào quá trình xây dựng hình ảnh thương hiệu. Mối liên kết này giúp gia tăng mức độ tin tưởng và thúc đẩy sự gắn bó lâu dài.

Đặc biệt trong các tình huống khủng hoảng, tổ chức có thể chủ động sử dụng các kênh số như fanpage, website, livestream để cung cấp thông tin minh bạch, định hướng dư luận và kiểm soát tin giả một cách kịp thời thay vì chờ đợi phản hồi từ báo chí như trước đây.

PR trong môi trường số cho phép tiếp cận nhanh hơn, sâu hơn và rộng hơn nhờ tốc độ lan truyền cao và khả năng tương tác mạnh mẽ

PR trong môi trường số cho phép tiếp cận nhanh hơn, sâu hơn và rộng hơn nhờ tốc độ lan truyền cao và khả năng tương tác mạnh mẽ

Các hình thức PR trong môi trường số

Trong thời đại số, hoạt động PR không còn bó hẹp trong một vài kênh truyền thống, mà đã mở rộng thành hệ sinh thái đa nền tảng, với các hình thức triển khai linh hoạt và đa dạng:

PR qua nền tảng số và nội dung sáng tạo

Tận dụng các mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube, Instagram…, doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu qua các hoạt động như livestream, mini-game, hashtag challenge, video cảm xúc hoặc loạt bài viết truyền cảm hứng. Nội dung được thiết kế phù hợp từng nền tảng giúp tăng cường khả năng tiếp cận và gắn kết công chúng hiệu quả.

Đây là hình thức phổ biến nhất hiện nay, chiếm đến 90% các chiến dịch PR. Theo khảo sát của Hiệp hội Truyền thông Việt Nam (2023), 92% doanh nghiệp sử dụng Facebook cho hoạt động PR, 85% sử dụng YouTube, 72% khai thác TikTok và hơn 60% áp dụng Instagram.

Picture1.png
Tỉ lệ sử dụng nền tảng số trong PR tại Việt Nam 2023.

Một số hoạt động tiêu biểu gồm:

-Livestream: Hỏi đáp trực tuyến, ra mắt sản phẩm, hội thảo online…

-Mini-game – Hashtag Challenge: Khuyến khích người dùng tương tác, tạo hiệu ứng lan truyền.

-Content Storytelling: Truyền tải thông điệp thương hiệu qua loạt bài viết, hình ảnh và video giàu cảm xúc.

PR thông qua nhân vật có ảnh hưởng và báo chí điện tử

Sự góp mặt của các KOLs (Key Opinion Leaders) và Influencers giúp chiến dịch PR trở nên sống động, gần gũi và dễ tiếp cận hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Những người có sức ảnh hưởng không chỉ giúp truyền tải thông điệp mà còn mang lại cảm giác tự nhiên và đáng tin cậy hơn. Tuy nhiên, để chiến dịch đạt hiệu quả cao, doanh nghiệp cần lựa chọn KOL phù hợp với định hướng thương hiệu, thông điệp truyền thông và đối tượng mục tiêu.

Một KOL nổi tiếng không đồng nghĩa với hiệu quả nếu hình ảnh cá nhân, giá trị hoặc phong cách không tương thích với sản phẩm. Việc nghiên cứu kỹ hồ sơ người ảnh hưởng, cộng đồng theo dõi, mức độ tương tác và khả năng truyền tải thông điệp là điều cần thiết trước khi hợp tác.

Song song đó, báo chí điện tử vẫn giữ vai trò quan trọng: các bài viết chuyên sâu, phỏng vấn lãnh đạo, tin tức hợp tác chiến lược hay câu chuyện truyền cảm hứng được đăng tải trên các tờ báo uy tín sẽ giúp tăng tính xác thực và độ tin cậy cho thương hiệu. Việc kết hợp thông minh giữa KOLs và báo chí giúp tạo thế đòn bẩy truyền thông – vừa lan tỏa nhanh chóng, vừa xây dựng niềm tin vững chắc nơi công chúng.

PR sự kiện và tương tác trực tuyến

Sự kiện trực tuyến là một trong những hình thức PR linh hoạt và tiết kiệm chi phí, phù hợp với xu hướng kết nối không giới hạn về thời gian và không gian. Các hình thức như webinar, hội thảo chuyên đề online, livestream talkshow hay buổi gặp gỡ khách hàng qua Zoom, Google Meet,… không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng phạm vi tiếp cận mà còn tạo điều kiện để giao tiếp trực tiếp với công chúng theo thời gian thực.

Điểm mạnh của hình thức này là khả năng tương tác cao: người tham gia có thể đặt câu hỏi, phản hồi, chia sẻ cảm nghĩ ngay trong sự kiện, tạo nên không khí gắn kết và chân thực hơn so với các hoạt động PR một chiều. Đồng thời, sự kiện trực tuyến cũng là cơ hội để doanh nghiệp thu thập dữ liệu khách hàng, đo lường mức độ quan tâm và hành vi người dùng sau mỗi buổi tổ chức. Đây chính là nền tảng quan trọng để xây dựng cộng đồng trung thành và cải thiện hiệu quả truyền thông trong dài hạn.

Quản trị khủng hoảng và tối ưu chiến dịch PR

Quá trình xử lý khủng hoảng truyền thông cần được thực hiện nhanh chóng, minh bạch và bài bản để hạn chế thiệt hại và phục hồi lòng tin công chúng. Gồm các bước:

-Phát hiện và đánh giá: Giám sát truyền thông để phát hiện dấu hiệu khủng hoảng và xác định mức độ ảnh hưởng của nó đến uy tín và hoạt động của tổ chức.

-Cung cấp thông tin minh bạch: Đưa ra dữ liệu, bằng chứng rõ ràng.

-Phục hồi sau khủng hoảng: Tiếp tục theo dõi phản ứng công chúng và các phản hồi từ công chúng để đảm bảo tình huống đã được giải quyết hoàn toàn và tổ chức không gặp phải vấn đề tương tự trong tương lai..

-Môi trường số đòi hỏi phản ứng nhanh, minh bạch khi xảy ra khủng hoảng.

Việc sử dụng fanpage, website hay kênh trực tuyến để cung cấp thông tin chính thống sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát tình hình tốt hơn.

Việc triển khai các hình thức PR trong môi trường số giúp doanh nghiệp truyền tải thông tin chính thống một cách nhanh chóng, đồng thời chủ động kiểm soát truyền thông trong mọi tình huống. Để đạt hiệu quả lâu dài, cần có chiến lược theo dõi, phân tích và điều chỉnh nội dung phù hợp với từng nền tảng và đối tượng mục tiêu.

Có thể nói, PR trong môi trường số vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Ai làm chủ được công cụ, nền tảng và nội dung – người đó sẽ làm chủ được cuộc chơi truyền thông hiện đại.