Người dân Hà Nội “gặp khó” về y tế cần gọi trợ giúp ở đâu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngại đến bệnh viện do sợ dịch bệnh, điều kiện kinh tế…là những lý do thường gặp đối với người dân khi gặp vấn đề về sức khỏe. Trong bối cảnh đó, nhiều bác sĩ đã tình nguyện tư vấn, khám bệnh online miễn phí.
Các bác sĩ đăng thông tin tình nguyện giúp đỡ người dân có nhu cầu tư vấn y tế.
Các bác sĩ đăng thông tin tình nguyện giúp đỡ người dân có nhu cầu tư vấn y tế.

Những tuần gần đây, Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước đang thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch COVID-19. Với tâm lý ngại ra ngoài, nhiều người gặp phải vấn đề về sức khỏe không dám đến bệnh viện. Thời điểm này, các hội nhóm bác sĩ online tình nguyện tư vấn trong mùa dịch đã nhận được sự hưởng ứng lớn từ người dân. Theo ghi nhận của chúng tôi, các trường hợp có nhu cầu tư vấn chủ yếu không có điều kiện đến bệnh viện do kinh tế hoặc khoảng cách địa lý, chốt kiểm soát dịch. Sau khi sắp xếp công việc chính, nhiều bác sĩ đã tình nguyện tư vấn trực tuyến miễn phí cho người bệnh qua các kênh như Zalo, Facebook hay gọi điện nhờ tư vấn.

Nhóm cộng đồng “Hà Nội – Giúp nhau mùa dịch”

Nhóm công khai này có sự tham gia của gần 70.000 thành viên, là kênh kết nối nhằm hỗ trợ người gặp khó khăn trong mùa dịch. Hàng loạt bài đăng xin hỗ trợ đã được giải quyết, đảm bảo cuộc sống cho người dân, nhất là khu phong tỏa hay những trường hợp khó khăn. Về vấn đề sức khỏe, hashtag #thongtinbacsi trên nhóm với gần 40 bài đăng về thông tin các y, bác sĩ tình nguyện tư vấn cho người dân. Mỗi bài đăng thu hút hàng trăm, hàng nghìn lượt tương tác, chia sẻ.

Trong vai một người bệnh có nhu cầu tư vấn về vấn đề da liễu, phóng viên đã liên hệ với ThS. BS. Nguyễn Ngọc Oanh – Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai – qua tin nhắn Zalo được gắn công khai trên trang cá nhân. Cuối ngày, bác sĩ trẻ đã gác lại một phần công việc, nhiệt tình giải đáp thắc mắc cũng như hướng dẫn người bệnh cách điều trị tại nhà. Mặc dù công việc bộn bề, bác sĩ vẫn tận tình giải đáp hết các tin nhắn chờ, thậm chí vào ban đêm. Được biết, mỗi ngày bác sĩ tư vấn cho vài chục ca bệnh về da, gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Đối với các bệnh nhân có nhu cầu tư vấn, bác sĩ Oanh lưu ý: “Khi nhắn qua Zalo, người bệnh nên chụp ảnh thương tổn da dưới ánh sáng rõ, ghi rõ thời gian bị bệnh, triệu chứng kèm theo, thuốc đang dùng và các bệnh lý liên quan khác. Thông tin cụ thể mình sẽ giải quyết nhanh hơn”.

“Mình có con nhỏ 9 tuổi bị bệnh về da liễu đã từng add zalo để hỏi bác sĩ này. Thật sự không nghĩ bạn ý tận tình đến như vậy. Trước đi bệnh viện mất tiền mà hỏi bác sĩ thì gắt gỏng, nhưng đây được tư vấn miễn phí mà bác sĩ trả lời rất tận tình. Thực sự rất cảm động và rất mong ai làm nghề này cũng có tâm giống bác sĩ Oanh. Chúc bác sĩ luôn có sức khỏe tốt và luôn gặp nhiều may mắn” – tài khoản facebook Tuyết Tuyết bình luận.

Bác sĩ Trần Anh Tuấn – Chuyên khoa mắt, Bệnh viện mắt quốc tế DND – đã thực hiện công việc tư vấn trực tuyến qua facebook cá nhân từ nửa tháng nay. Anh chia sẻ, lượng bệnh nhân tương tác trên bài đăng khá lớn, lượng tin nhắn trung bình qua messenger cũng vài chục lượt mỗi ngày, nhất là những ngày đầu.

Các bác sĩ đăng thông tin tình nguyện giúp đỡ người dân có nhu cầu tư vấn y tế.

Các bác sĩ đăng thông tin tình nguyện giúp đỡ người dân có nhu cầu tư vấn y tế.

“Tôi thường tận dụng thời gian rảnh để tư vấn và luôn cố gắng giải đáp cho tất cả mọi người. Mùa dịch, mỗi người đều gặp những khó khăn riêng, chúng tôi tranh thủ giúp đỡ mọi người, mong muốn tất cả đều ổn” – anh bộc bạch.

Bên cạnh những tin nhắn riêng, bác sĩ Tuấn cũng nhiệt tình giải đáp những thắc mắc chung trong các bình luận. Đối với các trường hợp nặng, bác sĩ hướng dẫn người dân đến khám tại các chuyên khoa cụ thể, giúp người bệnh tiết kiệm thời gian trong việc tìm kiếm thông tin trước khi đến phòng khám.

Ngoài ra, trên nhóm còn có thông tin của nhiều y, bác sĩ khác thuộc các lĩnh vực khác nhau như tiêu hóa, khoa nhi, tim mạch, cơ xương khớp, hô hấp… để người dân lựa chọn tư vấn tùy theo nhu cầu.

Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”

Với nhánh 3 trên tổng đài 1022 của Hà Nội, người dân sẽ được kết nối đến mạng lưới thầy thuốc đồng hành, nhằm hỗ trợ tư vấn chăm sóc sức khỏe trực tuyến liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Mạng lưới thầy thuốc đồng hành gồm 300 y bác sĩ do Sở Y tế Hà Nội và Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp triển khai, nhằm huy động nguồn lực xã hội tư vấn người nhiễm hoặc có nguy cơ cao mắc COVID-19 tại cộng đồng

Mạng lưới gồm 2 nhóm chính. Nhóm “Tư vấn” nhận cuộc gọi và tư vấn chăm sóc sức khỏe cộng đồng gồm các bác sĩ từ 5 năm kinh nghiệm trở lên, hoạt động cả tuần trong các khung giờ từ 9h-11h, 15h-17h, 19h-21h. Nhóm “Chăm sóc” chủ động thăm hỏi sức khỏe và tư vấn các trường hợp mới phát hiện nhiễm COVID-19 hoặc đang trong các khu cách ly tập trung. Hệ thống tổng đài được kết nối trực tuyến hai chiều, có công cụ điều phối công việc theo thời gian thực cho tình nguyện viên. Qua đó, y, bác sĩ có thể tư vấn từ xa cho bệnh nhân, ghi và theo dõi kết quả tình trạng bệnh của từng trường hợp.

Nền tảng “Giúp tôi!”

Tuần qua, nền tảng công nghệ “Giúp tôi!” kết nối theo yêu cầu đã chính thức ra mắt, cung cấp dịch vụ tư vấn y tế và sức khỏe tâm lý miễn phí cho người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hiện ứng dụng “Giúp tôi!” đang tập trung kết nối và hỗ trợ tư vấn cho 3 nhóm người dùng, gồm nhóm người bệnh liên quan đến COVID-19 là các F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nhóm không mắc COVID-19 nhưng cần tư vấn sức khỏe, hỗ trợ chuyên khoa thường xuyên như thai phụ, trẻ em, người già có bệnh mạn tính, người khuyết tật, người có bệnh nền,... và nhóm người dân cần hỗ trợ về vấn đề tâm lý do ảnh hưởng của dịch.

Thông qua ứng dụng “Giúp tôi!”, người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 có nhu cầu tư vấn sẽ được kết nối với các y, bác sĩ, nhân viên y tế, chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ, thông qua hình thức nhắn tin hoặc video call. Chỉ cần 15 phút qua smartphone có kết nối Internet, tư vấn viên có thể kết nối với người dân cần giúp đỡ. Thông tin cá nhân, chi tiết nội dung trao đổi về vấn đề của người dân được bảo mật theo quy định của pháp luật.

Người dùng có thể cài đặt ứng dụng miễn phí tại App Store hoặc Google Play trên thiết bị di động có kết nối internet. Có 2 cách để người dùng nhận được tư vấn y tế từ các bác sĩ, chuyên gia. Cách 1 là tư vấn trực tiếp thông qua tin nhắn hoặc video call với tình nguyện viên tư vấn. Người dùng chỉ cần mô tả vấn đề cần trợ giúp, bấm nút để gửi yêu cầu và hệ thống sẽ kết nối với tư vấn viên phù hợp nhất. Mỗi phiên tư vấn trực tiếp kéo dài khoảng 15 phút.

Cách 2 là hỏi đáp, sử dụng trong trường hợp vấn đề không quá khẩn cấp. Người dùng có thể gửi các câu hỏi lên hệ thống để các tình nguyện viên tư vấn trả lời sau. Việc này giúp giảm tải cho hệ thống và các tư vấn viên khi có quá nhiều cuộc gọi kết nối cùng lúc về vấn đề tương tự. Tính năng hỏi đáp cũng giúp tận dụng tối đa thời gian rảnh của các bác sĩ, nhằm hỗ trợ thông tin tốt nhất cho người dân, đặc biệt là người dân trong vùng ảnh hưởng nặng của dịch bệnh.

Hiện, dự án “Giúp tôi!” vẫn đang tích cực kết nối thêm đội ngũ các y bác sĩ chuyên khoa từ các bệnh viện, cơ sở y tế ở nhiều tỉnh thành cùng tham gia. Đặc biệt, nền tảng cũng phát huy tác dụng trong bối cảnh nhiều người dân không thể đến bệnh viện, phòng khám do tình trạng quá tải hoặc nằm trong khu vực phong tỏa do dịch bệnh nhưng vẫn rất cần tư vấn y tế, chăm sóc sức khỏe. Cùng với đó, “Giúp tôi!” cũng đang kết nối các F0 đã khỏi bệnh, nhân viên y tế đang bị cách ly để tham gia tư vấn, hỗ trợ cho các F0 và F1 khác thông qua chính trải nghiệm thực tế và kiến thức về sức khỏe.